ĐBQH: Sẽ không thể tác động được vào đấu giá đất nếu không có “tay trong”

Ngọc Mai| 01/06/2022 11:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khẳng định nội dung trên khi phản ánh tình trạng bắt tay ngầm rút ruột tài sản Nhà nước trong đấu giá đất, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, ở mức độ vi phạm đơn giản thì cung cấp thông tin, tiết lộ thông tin để có thể trúng giá rẻ. Ở mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn là sự cấu kết với những người có thẩm quyền để tạo thành nhóm lợi ích rút ruột của nhà nước.

dbqh-se-khong-tac-dong-duoc-vao-cuoc-dau-gia-dat-neu-khong-co-tay-trong.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy: Sẽ không thể tác động được vào đấu giá đất nếu không có “tay trong”

Trong hai ngày 1 và 2/6, Quốc hội làm việc tập trung ở hội trường, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Một số thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

4 vấn đề nổi lên trong đấu giá quyền sử dụng đất

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay (1/6), ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) phản ánh về những góc khuất, những tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua và chỉ rõ 4 vấn đề nổi lên.

Thứ nhất, tình trạng thắng thầu bỏ cọc, thổi giá đất lên cao. Đại biểu nêu rõ, việc thắng thầu bỏ cọc không còn là chuyện hiếm trong đấu giá đất ở nước ta. Không ít nhà đầu tư đã lợi dụng chiêu trò này thắng với mức đấu giá cao chót vót, sau đó bỏ cọc nhằm kích giá đất, thổi giá đất để thao túng thị trường, làm lợi cho một nhóm thiểu số.

Đại biểu cho rằng điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như đẩy giá đất, có những nhà đầu tư lợi dụng để nâng giá trị cổ phiếu trái phiếu và nguy hiểm hơn là có những người còn lợi dụng để đánh võng giá trị tài sản bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng. Việc giá đất bị đẩy lên quá cao cùng với giá ảo sẽ khiến cho giấc mơ an cư của những người có thu nhập thấp ngày càng trở nên xa vời, đại biểu nhấn mạnh.

Thứ hai, tình trạng quân xanh, quân đỏ, thông đồng để dìm giá tại nhiều phiên đấu giá đất. Đại biểu chỉ rõ các thủ đoạn trong đấu giá đất, giá của lô bị thao túng gây ra những thiệt hại rất lớn cho tài sản của Nhà nước chứ không chỉ đơn thuần là những vi phạm về quy định về đấu giá, đấu thầu.

Thứ ba, tình trạng bắt tay ngầm rút ruột tài sản Nhà nước. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, sẽ không thể tác động được vào cuộc đấu giá nếu như không có “tay trong”. Ở mức độ vi phạm đơn giản thì cung cấp thông tin, tiết lộ thông tin để có thể trúng giá rẻ. Ở mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn là sự cấu kết với những người có thẩm quyền để tạo thành nhóm lợi ích rút ruột của nhà nước.

Thứ tư, tình trạng móc ngoặc trong thẩm định giá. Đại biểu nêu rõ, thẩm định giá là một khâu vô cùng quan trọng trong đấu giá đất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, pháp luật đã trao cho tổ chức này chức năng quá lớn, trong khi cơ chế kiểm soát lại hết sức lỏng lẻo. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều sai phạm trong thẩm định giá nói chung và thẩm định giá đất nói riêng.

Nêu rõ những chiêu trò quân xanh, quân đỏ, thông đồng dìm giá, thắng thầu bỏ cọc, đánh võng giá đất, thổi giá đất nêu trên đã gây ra những hệ lụy rất lớn với kinh tế xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị cần phải mạnh tay xử lý. Theo đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa và tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra thường xuyên hơn đối với hoạt động này; đồng thời, kiến nghị Bộ Công an chọn một số phiên đấu giá đất để xác minh, điều tra làm rõ nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm tội phạm trong hoạt động này.

Quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất theo giá thị trường

Ở góc độ khác cũng liên quan đến thị trường bất động sản, nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường vốn, thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế đất nước, đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) cho biết, hai thị trường này có sự phát triển đáng ghi nhận trong những năm qua, tuy nhiên, một số sai phạm trong lĩnh vực này đã được phát hiện và đưa ra xử lý.

Nhằm đảm bảo các thị trường này phát triển ổn định, lành mạnh, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, về thuế, trong đó quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất theo giá thị trường đúng theo quy định của Luật Đất đai.

UBND các tỉnh, thành phố phải cập nhật đúng, đủ, kịp thời giá đất theo sát giá đất thị trường vào bảng giá đất nhà nước để làm căn cứ tính thuế trong hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản và tính chi phí bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất cho người dân, đảm bảo sự công bằng bình đẳng trong các mối quan hệ này.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế quy định rõ các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để cơ quan thuế địa phương thực hiện nhất quán, đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, tránh tình trạng lạm quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, nhằm góp phần đưa thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Trước đó trình bày báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm 2021, có 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021 và có 5/12 chỉ tiêu không đạt.

Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022, theo Phó Thủ tướng, việc cơ bản kiểm soát dịch bệnh thành công đã củng cố niềm tin, sự an tâm của người dân, doanh nghiệp, tạo cơ sở cho mọi hoạt động đời sống kinh tế, xã hội trở lại bình thường, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021. Thu NSNN 4 tháng đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỷ USD.

Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Tính chung 4 tháng, có 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,9% so với cùng kỳ. Một số dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm được Chính phủ tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu (như nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, 5/12 dự án thua lỗ, kéo dài, 2 ngân hàng yếu kém ...).

Về phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc, tới nay, Việt Nam là một trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, được quốc tế đánh giá cao. Đời sống, việc làm người lao động, an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại được tăng cường; SEA Games 31 được tổ chức rất thành công, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong và ngoài nước…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH: Sẽ không thể tác động được vào đấu giá đất nếu không có “tay trong”