ĐBQH: Nếu không cải cách mạnh mẽ Việt Nam sẽ tụt lại phía sau

Nhóm PV| 30/10/2019 15:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước sáng 30/10, nhiều ĐBQH cho rằng đất nước đã có một năm thành công, tuy nhiên nếu không cải cách mạnh mẽ chúng ta sẽ có nguy cơ tụt lại phía sau.

Duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) khẳng định, chúng ta đã có một năm thành công! Cả 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đã hoàn thành. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế dưới 3%. Thất nghiệp dưới 4%. Tăng trưởng ước đạt 6,8% cho cả năm. Trên 130.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đầu tư xã hội được mở rộng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện.

Năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng chính đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Tỷ trọng xuất khẩu và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng tăng lên…

Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Đây là những thành quả rất quan trọng và không dễ dàng.

ĐBQH: Nếu không cải cách mạnh mẽ Việt Nam sẽ tụt lại phía sau

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Thái Bình): Nếu không cải cách mạnh mẽ chúng ta sẽ tụt lại phía sau!

Tuy nhiên, về tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, chúng ta chưa thể yên tâm. Mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan. Trong bối cảnh kinh tế và thương mại Chính phủ cần chuẩn bị phương án chủ động ứng phó với tình huống này.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng phân tích chi tiết và đặt ra nhiều câu hỏi. Như, nhìn kỹ vào ngành chế biến chế tạo – khu vực đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm, đằng sau mức tăng sản lượng ấn tượng 11,37%, thì chỉ số hàng tồn kho của ngành này tại thời điểm 30.9 cũng đạt mức kỷ lục là 17,2%, cao hơn nhiều so với mức 13,8% cùng kỳ năm 2018 và 8,8% của năm 2017. Vậy, sự tăng trưởng của ngành này có bền vững không khi các doanh nghiệp đưa chỉ số hàng tồn kho về mức bình thường?

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, rất nhiều chuyên gia dự báo rằng: Việt Nam sẽ hưởng lợi, sẽ trở thành công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng thực tế lại không chứng minh điều đó. Mà ngược lại, “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”. 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của chúng ta chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ 2018, chỉ còn bằng phân nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái là 15,4% và bằng khoảng 1/3 của mức tăng trên 20% của những năm trước nữa. Cơ cấu xuất khẩu theo thị trường cũng có những chuyển dịch bất lợi. Xuất khẩu sang nhóm 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, bao gồm EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc. Duy nhất, xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến nhưng lại chưa đựng rất nhiều rủi ro và gian lận thương mại, về thâm nhập thương mại. 9 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu sang Mỹ gần 45 tỷ USD, tăng tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái và Việt Nam trở thành một trong 6 quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ. Trong khi hầu hết các quốc gia này đều bị Hoa Kỳ trừng phạt thì ai có thể bảo đảm rằng chúng ta là ngoại lệ? Khả năng duy trì xuất khẩu vào một thị trường lớn nhất chiếm tới gần 1/4 tổng kim ngạch của nước ta, do vậy, trở nên rất mong manh.

Bức tranh về đầu tư nước ngoài cũng không sáng sủa hơn. 9 tháng đầu năm, đầu tư nước ngoài có dấu hiệu nhích lên nhưng lại giảm tốc ở 2 đầu nguồn trọng điểm đóng vai trò dẫn dắt là Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi đó lại tăng đột biến từ các nguồn liên quan tới Trung Quốc. Vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển theo hướng này cũng phát đi một tín hiệu thiếu bền vững, thiếu cân bằng về FDI và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng dài hạn của nước ta.

Những chỉ báo trên cho thấy để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong năm tới là rất gian nan. Và động lực chính để bảo đảm cho sự tăng trưởng là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp.

Về vấn đề này, cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ ra rằng: 3 năm liên tiếp, nguồn thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp - nguồn thu được trông đợi nhất của nền kinh tế là chỉ báo quan trọng nhất thể hiện tính bền vững của ngân sách quốc gia, đã không đạt kế hoạch, thể hiện cộng đồng doanh nghiệp đang dối mặt với rất nhiều khó khăn. Vì vậy, sự đồng cam cộng khổ của cả hệ thống chính trị, của cả người lao động với doanh nghiệp để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh là rất quan trọng.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các nước đang đua nhau hạ lãi suất , giảm chi phí và ban hành các gói các kích thích kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp. Còn chúng ta đang làm gì khi lạm phát thấp nhưng lãi suất lại rất cao và các chi phí kinh doanh ngày càng lớn? Việc chúng ta chững lại trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2019 vừa được Ngân hàng Thế giới công bố đã cảnh báo rằng, dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để vượt lên chính mình, nhưng các nền kinh tế khác đang thay đổi nhanh hơn và trở nên cạnh tranh hơn. Nếu không cải cách mạnh mẽ chúng ta sẽ tụt lại phía sau!

Góp ý giải pháp phát triển của hộ kinh doanh, đại biểu Lộc cho rằng, về bản chất thì hộ kinh doanh cá thể chính là một loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhưng do chưa được định danh rõ ràng về mặt pháp lý, nên với bên ngoài, hộ kinh doanh bị hạn chế về quyền kinh doanh…

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng chúng ta không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, không thể ép buộc hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, mà chỉ có thể khoác tấm áo pháp lý mới cho hộ kinh doanh: Đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Theo đại biểu, chỉ có như vậy mới: Góp phần thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả của hộ kinh doanh trong nền kinh tế nước ta và cũng là để bảo đảm thực thi một nguyên tắc nền tảng trong Hiến pháp là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân và tổ chức phải được quy định trong văn bản luật.

Cần dành nguồn lực đột phá vào các vấn đề cốt lõi

Ở góc độ khác đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, thời gian qua kinh tế đất nước phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa “hóa rồng, hóa hổ”.

ĐBQH: Nếu không cải cách mạnh mẽ Việt Nam sẽ tụt lại phía sau

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phát biểu tại Hội trường

Theo địa biểu Hàm, để tìm được căn nguyên của vấn đề này thì cần nhìn lại cả quá trình phát triển, đại biểu dẫn chứng: Cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. Đến 2017, Việt Nam khoảng 2.385 USD thì thế giới khoảng 10.700USD; năm 2018 Việt Nam khoảng 2.590 thì thế giới khoảng 11.000.

Tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, giai đoạn này thấp hơn 7% nhưng vẫn là cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam.

Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000, gấp đôi, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm (2017 khoảng cách là khoảng 8.300; 18 khoảng 8.400).

“Nói cách khác, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn” – đại biểu ví von và cho rằng, nếu không khắc phục được những bất cập mà Chính phủ đã chỉ rõ trong báo cáo thì Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, do đó cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu.

Theo đại biểu, có ba vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu gồm: Trình độ lao động; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.

Đại biểu phân tích: Chỉ có nâng cao trình độ lao động và đẩy mạnh ứng dụng khoa học mới có thể tăng trưởng theo chiều sâu. Nhưng để làm được cần đổi mới mạnh mẽ, gắn giáo dục, đào tạo với yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp; có giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị gia tăng đột phá và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Muốn vậy phải có kênh, nguồn vốn, chính sách cho khởi nghiêp sáng tạo và phải chấp nhận rủi ro vì theo thống kê chỉ có khoảng 6% ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thành công còn 94% là thất bại nhưng nếu thành công thì mang lại lợi ích và giá trị gia tăng rất lớn.

Theo đại biểu, ba vấn đề trên không mới, song nó đã được minh chứng ở nhiều quốc gia, quan trọng là triển khai thực hiện. Tụt hậu về kinh tế, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là do chúng ta chưa đột phá thành công các vấn đề cốt lõi của tăng trưởng theo chiều sâu và là căn nguyên dẫn đến chúng ta tăng trưởng nhanh nhưng chưa hóa rồng, hóa hổ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH: Nếu không cải cách mạnh mẽ Việt Nam sẽ tụt lại phía sau