ĐBQH hiến kế phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội

Nhóm PV| 09/06/2017 16:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Làm thế nào đạt tăng trưởng 6,7% như mục tiêu đề ra; bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc; giảm thiểu bạo lực học đường là 3 trong nhiều vấn đề các ĐBQH tham gia thảo luận, hiến kế tại phiên họp Quốc hội diễn ra ngày 9/6.

Kế sách nhằm đạt tăng trưởng 6,7%

ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai) đánh giá cao việc Chính phủ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% trong năm nay. Nữ đại biểu cho rằng với điều kiện của Việt Nam hiện nay, cần phải coi trọng cả số lượng và chất lượng của tăng trưởng.

ĐBQH hiến kế phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội

ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai) phát biểu

Theo đó, tăng trưởng đạt chỉ tiêu sẽ giúp tạo mới việc làm, đáp ứng nhu cầu thực hiện an sinh xã hội ngày càng cao hơn. “Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2016-2035 mà Việt Nam không đạt tăng trưởng GDP trung bình 7%/năm, thu nhập bình quân theo đầu người tăng 6%/năm thì không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Lộ trình giai đoạn 2016-2020 mà không đạt chỉ tiêu tăng trưởng Quốc hội giao thì rất khó thực hiện cho 30 năm tới”, đại biểu Trần Thị Phương Hoa nói.

Trước khả năng tăng trưởng chỉ có thể đạt 6,3% trong năm nay, Chính phủ phải xác định dư địa khai thác để có thể được thêm khoảng 0,5% tăng trưởng nhưng không tạo ra áp lực cho lạm phát, nợ công, bà Hoa đặt vấn đề và góp ý thêm vào 6 nhóm giải pháp của Chính phủ đặt ra.

Theo đại biểu, Chính phủ tăng tổng cầu của nền kinh tế thông qua tăng mức tăng trưởng tín dụng thêm 2% so với tổng dư nợ tín dụng, bao gồm cả cho tiêu dùng, đầu tư. Tăng trưởng tín dụng thêm 2% sẽ không gây lạm phát tiền tệ vì lạm phát cơ bản đang diễn biến thuận lợi. Quý I/2017, lạm phát cơ bản chỉ ở mức 1,66%. Tuy nhiên, kèm theo giải pháp này thì Chính phủ không tăng điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục từ nay tới cuối năm.

Giải pháp tiếp theo, đại biểu Lê Thu Hà đề nghị Chính phủ tập trung tháo gỡ nút thắt cho tăng trưởng hiện nay là thủ tục hành chính cho xây dựng, đầu tư để thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư tư nhân, nhất là thủ tục giải ngân nhanh cho các dự án đầu tư giao thông. Cụ thể, các dự án đầu tư phải chờ bộ ngành liên quan phê duyệt với thủ tục phức tạp làm nản lòng các nhà thầu. Chính phủ đã thực hiện chỉnh sửa, bổ sung pháp luật về đầu tư nhưng chưa có chuyển biến rõ rệt.

“Nếu tới Quý III/2017, Chính phủ, các địa phương giải ngân được 70% vốn đầu tư thì sẽ có tác động tăng trưởng tốt. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt cái này rồi và cần phải quyết liệt hơn nữa”, bà Hoa nói.

Trong khi đó, đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An) đề nghị Chính phủ phải kỷ luật các cá nhân, tổ chức chậm giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh đó, đẩy nhanh cả giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư của tư nhân trong nước, tăng cường xây dựng bộ máy hành chính nhà nước có tính phục vụ, chuyên nghiệp.

Còn đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) chỉ ra có những nơi, những cấp mà cán bộ trì trệ, bảo thủ sẽ là thách thức lớn đối với tinh thần Chính phủ kiến tạo. Ông Tám đặt vấn đề về sự chậm đổi mới trong quản lý Nhà nước ở các cấp gắn liền với các rào cản về lợi ích đã khiến cho số doanh nghiệp giải thể, phá sản bằng 79% số doanh nghiệp thành lập mới trong năm vừa qua và cho rằng Chính phủ cần phải đánh giá cụ thể hơn về con số này.

Bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc

Vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa... là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.

Đại biểu Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) chỉ rõ theo báo cáo của Chính phủ, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, các chính sách về đầu tư phát triển đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tỷ lệ hộ cận nghèo, nguy cơ tái nghèo là rất đáng quan tâm. Trung bình cứ 3 hộ thoát nghèo, có một hộ nghèo mới, tái nghèo. Điều đó cho thấy kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; trên nhiều địa bàn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Cuộc sống người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do còn nhiều khó khăn.

Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa nội dung để phát triển toàn diện kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm, bố trí đủ nguồn lực nhất là vùng đặc biệt khó khăn; đổi mới các định mức đầu tư, phân bổ ngân sách các cơ chế đặc thù về đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cho phù hợp với địa bàn vùng dân tộc thiểu số, vùng núi. Ngoài ra, cần tháo gỡ những vướng mắc cụ thể trong việc giải quyết đất định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có hàng ngàn đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do đang có cuộc sống khó khăn, chưa ổn định.

Liên quan đến việc ổn định đời sống nhân dân, nhất là dân tộc thiểu số vùng tái định cư thủy điện, đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) nêu thực tế đời sống người dân các khu vực này đã có sự chuyển biến nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn do đồng bào di chuyển hoàn toàn đến nơi ở mới, chưa thể đủ đất sản xuất, việc chuyển đổi nghề là rất khó khăn, không thể thực hiện một sớm một chiều, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo cao qua các năm, tạo hệ lụy phát sinh nhiều tệ nạn xã hội.

Để đồng bào các dân tộc thuộc diện di cư, di dân tái định cư các công trình thủy điện sớm có cuộc sống ổn định và phát triển, đại biểu cho biết: Thời gian qua, nhiều địa phương đã xây dựng các đề án, kế hoạch ổn định đời sống, sản xuất vùng đồng bào tái định cư các công trình thủy điện. Các bộ, ngành cần sớm xem xét, trình Chính phủ phê duyệt để các địa phương sớm thực hiện, đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc các địa phương thực hiện di dân tái định cư các công trình thủy điện.

Quan tâm đến các chính sách phát triển kinh tế-xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị Chính phủ đẩy nhanh việc ban hành chính sách mới cho giai đoạn 2016-2021. Việc bố trí đủ nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách vẫn là yêu cầu đòi hỏi bức thiết. Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành cần hoàn thiện chính sách phân vùng để phát triển sản xuất phù hợp với đặc thù từng vùng; hình thành, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng các chính sách bền vững hơn trong tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh các chính sách hỗ trợ hiện tại theo hướng kết nối sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số với thị trường. Chính phủ cũng cần tổng kết một cách toàn diện việc ban hành và thực hiện các chính sách, pháp luật, làm cơ sở để Quốc hội ban hành đạo luật về dân tộc và miền núi.

Giảm thiểu bạo lực học đường

Đổi mới cơ chế tài chính ngành giáo dục; cải cách giáo dục; chính sách đối với học sinh, sinh viên khó khăn; chế độ, chính sách, quy định đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có đội ngũ nhà giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng xa... là những nội dung được các đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội), Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Tống Thanh Bình (Lai Châu), Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yến)... thảo luận và đặt ra câu hỏi đối với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại phiên thảo luận.

Đại biểu Tống Thanh Bình quan tâm việc thực hiện chính sách theo Nghị định 116 ngày 18/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở những xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Đại biểu cho biết hiện đã có nhiều thôn, bản, xã thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a hoàn thành Chương trình 135, chuyển từ khu vực 3 sang khu vực 2. Do vậy, đối tượng học sinh là con hộ nghèo có hộ khẩu tại khu vực này sẽ không được tiếp tục hưởng chế độ, chính sách theo Nghị định 116. Tuy nhiên, Nghị quyết 30a có quy định tất cả các xã thuộc các huyện nghèo đều được hưởng các cơ chế, chính sách quy định như đối với xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2. Thực tế hiện nay các trường vẫn tổ chức nuôi dưỡng học sinh vì đại đa số học sinh này là người dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, không có điều kiện đi về trong ngày. Những học sinh này nếu không tiếp tục được hỗ trợ thì nguy cơ bỏ học rất cao. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo, cho phép các địa phương tiếp tục áp dụng và thực hiện chế độ quy định tại Nghị định 116.

Trăn trở đối với tình trạng bạo lực học đường xảy ra trên khắp cả nước, ở tất cả các cấp học với mức độ ngày càng gia tăng, hậu quả nghiêm trọng, đại biểu Trần Thị Phương Hoa đề nghị Chính phủ cần có biện pháp để hạn chế tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống gây bức xúc xã hội, nhất là tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em trong thời gian qua. Đại biểu dẫn chứng: Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong toàn quốc xảy ra 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, bình quân khoảng 5 vụ/ngày. Cứ khoảng trên 5.200 học sinh có một vụ đánh nhau, cứ trên 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau...

Liên quan đến chính sách đối với học sinh, sinh viên ở những xã, thôn đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Nghị định 116 quy định ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn nhưng trong quá trình một số xã 30a thoát khó khăn, học sinh, sinh viên không được hưởng chế độ ưu đãi nữa cũng là vấn đề được Bộ quan tâm, kiến nghị với Chính phủ thời gian qua.

Trong phiên họp vừa qua, Chính phủ cũng thể hiện quan tâm đối với nội dung này, trong đó đối với mầm non 5 tuổi, không phân biệt người dân tộc, tất cả học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn đều được miễn học phí bắt đầu từ năm 2018. Đối với các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ có biện pháp hỗ trợ.

Về giải pháp để giảm thiểu bạo lực học đường, Bộ trưởng khẳng định Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định về môi trường an toàn cho học sinh ở các trường phổ thông.

Bên cạnh đó, Bộ cũng ban hành các kế hoạch, chỉ thị, thông báo gửi cơ sở giáo dục, các địa phương, các bộ, ngành liên quan trong việc phối hợp giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên; phối hợp cùng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tăng cường môi trường an toàn cho học sinh, sinh viên trong nhà trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH hiến kế phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội