ĐBQH: Giảm thuế cho doanh nghiệp cần thực chất chứ không phải chỉ động viên

Ngọc Mai| 16/06/2020 13:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên thảo luận Quốc hội sáng nay (16/6), nhiều ĐBQH cho rằng việc giảm 30% thuế cho doanh nghiệp năm 2020 mang tính động viên nhiều hơn, mà không giải quyết được vấn đề thực sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp mang tính động viên nhiều hơn

Tại phiên thảo luận Quốc hội, trên tinh thần đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ thời gian qua đã có những Nghị định, thông tư ban hành nhằm hỗ trợ an sinh xã hội, tuy nhiên, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá, riêng đối với doanh nghiệp, để có lãi trong năm 2020 là hết sức khó khăn, nên việc Chính phủ trình Quốc hội để giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp mang tính động viên nhiều hơn.

Theo đại biểu mặc dù để chia sẻ với doanh nghiệp, nhưng đã là doanh nghiệp nhỏ nếu có lãi năm nay phải nói là “anh hùng”, là doanh nghiệp không có khó khăn nên việc giam thuế này mang tính chất biểu dương, động viên. Còn những doanh nghiệp thực sự khó khăn hiện nay, họ đang rất cần tháo gỡ về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ở 2 điểm:

Thứ nhất là, các doanh nghiệp hiện nay hàng hóa thì đang tồn kho, chưa có thị trường, hoặc chưa phù hợp với nhu cầu hiện tại, nên cần vay vốn vay mới, song, hiện nay các doanh nghiệp đang rất khó tiếp cận các khoản vay.

Từ đó đại biểu Ngân đề xuất Chính phủ, Bộ, ngành cần có gói hỗ trợ khác, ví dụ hỗ trợ bảo lãnh quỹ vay tín dụng..., để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay.

Thứ 2, thời gian qua NQ 42 có hướng dẫn các doanh nghiệp có thể vay vốn ở NHCS với lãi suất 0%, tuy nhiên doanh nghiệp phản ánh là hầu như khó tiếp cận với nguồn vốn này.

ĐBQH: Giảm thuế cho doanh nghiệp cần thực chất chứ không phải chỉ động viên

ĐBQH Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình): Việc giảm 30% thuế cho doanh nghiệp năm 2020 không giải quyết được vấn đề thực sự. 

Tham gia thảo luận, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cần mở rộng đối tượng thụ hưởng gồm cả doanh nghiệp vừa, thay vì chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đại biểu Thân dẫn số liệu, Việt Nam hiện có 760.000 doanh nghiệp, trong đó có 93% là doanh nghiệp nhỏ, 4% là doanh nghiệp vừa và 3% là doanh nghiệp lớn, đóng góp rất lớn cho lao động và đảm bảo lớn nhất cho an sinh xã hội cộng đồng. Từ đó đưa ra ý kiến: “Nghị quyết lần này xác định là giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ có doanh thu không quá 50 tỷ, số lượng lao động không quá 100 lao động. Trong khi đó tiêu chí xác định của doanh nghiệp nhỏ là doanh thu không quá 100 tỷ và số lao động đóng bảo hiểm xã hội không quá 50 lao động. Như vậy chỉ 50% số lượng doanh nghiệp nhỏ được hưởng cái nghị quyết này, thì tôi thấy không hợp lý”.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, việc giảm 30% thuế cho doanh nghiệp năm 2020 không giải quyết được vấn đề thực sự. 

Hướng tới hỗ trợ công ăn việc làm, sinh kế của người dân

Thảo luận thêm về con số, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) khẳng định, số giảm tuyệt đối ngân sách nhà nước 15.840 đến 22.440 tỷ so với ngân sách và các khoản thu khác không phải là lớn, đặc biệt nếu so với tiền lãi và tiền khấu hao vô hình cũng như hữu hình của 12 dự án thua lỗ thì con số này càng không lớn. Từ đó, đại biểu đề xuất “nới” thêm con số này 40-50% và có thể giảm cho doanh nghiệp đến 30.000 tỷ.

Theo lý giải của đại biểu Nhưỡng, nếu tăng thêm hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ khác với gói 62 nghìn tỷ đồng giải quyết về an sinh xã hội, bởi khi được hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ đưa số tiến này vào đầu tư, doanh nghiệp đỡ khó khăn, từ đó sẽ làm lợi cho Nhà nước, cho nền kinh tế. 

Vì vậy "con số này chúng ta không nên khắt khe", đại biểu Nhưỡng nêu ý kiến.

Nhất trí và chia sẻ với ý kiến của các đại biểu, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) phân tích, trong điều kiện kinh tế khó khăn, thường các nước phải thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp.

“Chúng ta cần hiểu hỗ trợ doanh nghiệp không phải hỗ trợ tư nhân. Hỗ trợ doanh nghiệp tức là hỗ trợ nền kinh tế, là vấn đề an sinh, vấn đề xã hội, công ăn việc làm. Hỗ trợ doanh nghiệp về bản chất mục tiêu cuối cùng là hướng tới hỗ trợ công ăn việc làm, sinh kế của người dân. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất cho đất nước. Cho nên hỗ trợ ở đây là hỗ trợ người lao động”, đại biểu đoàn Thái Bình nhấn mạnh.

Theo đại biểu Lộc với quan điểm như trên thì đây cũng chính là giải pháp hỗ trợ an sinh, chứ không chỉ hỗ trợ nền kinh tế. Nếu chúng ta xác định rõ như vậy, thì chúng ta sẽ quan tâm dành nhiều nguồn lực hơn.

Cũng theo đại biểu đoàn Thái Bình, Nghị quyết này của Chính phủ là hỗ trợ theo quy mô. Tuy nhiên việc hỗ trợ nữa cũng rất quan trọng đó là hỗ trợ theo lĩnh vực. Về điều này đại biểu cho biết, Nghị quyết của Đảng cũng đã nêu rõ: Hỗ trợ cho một số ngành và lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. 

Theo đại biểu những lĩnh vực này đều rất có tiềm năng, doanh nghiệp chỉ gặp khó khăn tạm thời nên cần giúp họ vượt qua khó khăn để phát triển. Các lĩnh vực lớn, dự án trọng điểm cũng đang đứng trước những nguy cơ khó khăn có thể bị mua bán, sáp nhập, mà việc mua bán này hiện nay không chỉ có chính danh, mà còn có tiền của nước ngoài qua các doanh nghiệp, siêu thị để thâu tóm các doanh nghiệp các dự án, các lĩnh vực kinh kế cốt lõi của chúng ta... trong tương lai sẽ gây ảnh hưởng an ninh kinh tế, phát triển bền vững của đất nước.

Khẳng định doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ của nền kinh tế đều cần hỗ trợ, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề xuất, cùng với việc ban hành Nghị quyết hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, ngay lập tức Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần phải phối hợp xây dựng phương án nhằm hỗ trợ cho các ngành kinh tế trọng điểm, có tiềm năng đang gặp khó khăn như ngành Du lịch...

Về thuế cần tính toán cái gì có thể giảm, đại biểu Lộc cũng cho rằng điều quan trọng nhất là giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp; Bộ Tài chính có thể cấp ưu tiên cho Ngân hàng để đưa ra các gói tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ phát triển các lĩnh vực này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH: Giảm thuế cho doanh nghiệp cần thực chất chứ không phải chỉ động viên