ĐBQH: Đường bộ cao tốc chưa được đầu tư tương xứng và có dấu hiệu lệch pha

Quốc Huy| 09/06/2022 15:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mất cân đối trong đầu tư đường bộ cao tốc giữa các địa phương, vùng miền; vắng bóng các dự án BOT... Là những vấn đề mà các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chiều 9/6.

19.-bo-truong-nguyen-va.n-the.jpg

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh đã đề cập đến vấn đề mất cân bằng trong xây dựng đường bộ cao tốc giữa các địa phương.

Đại biểu Nghĩa dẫn lời từ báo chí: "Không những tốc độ xây dựng chậm mà các tuyến đường bộ cao tốc ở Việt Nam còn phân bổ không đồng đều giữa các vùng, miền, đặc biệt tình trạng trắng cao tốc tại một số vùng các tỉnh phía Nam; Các địa phương này chiếm 45% GDP cả nước và đóng góp 42% ngân sách quốc gia nhưng chưa được đầu tư đường bộ cao tốc tương xứng và có dấu hiệu lệch pha.

Đồng thời nhận định: Nếu như cả nước hiện có 1.160km đường cao tốc thì khu vực phía Nam chỉ có chưa đầy 100km. Việc phân bổ không hợp lý này gây cản trở phát triển và lãng phí rất lớn.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp và tiến độ khắc phục?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Trung ương cũng đã nhận thấy sự bất cập về hệ thống đường cao tốc, những đường trọng điểm quốc gia ở các vùng, miền.

202206082147311827_truong-trong-nghia-hcm.jpg
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh phát biểu chất vấn.

Mặc dù năm 2020 rất nhiều khó khăn, nhưng Bộ cũng xác định là nếu không có quy hoạch giao thông thì chúng ta sẽ không có một kế hoạch trung hạn 2021-2025 tốt được. Do đó, đã dành thời gian, công sức để điều chỉnh quy hoạch, trên cơ sở đó xây dựng một số phương án căn cứ vào những con đường mang tính chiến lược, đột phá.

Sau khi quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt thì Chính phủ cũng đã chỉ đạo xây dựng đề án thực hiện 5.000km đường bộ.

Chính vì thế, đường vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là những đường vành đai được đánh giá là không gian phát triển mới cho các đô thị lớn, đặc biệt là các trung tâm kinh tế lớn và quyết định đầu tư.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long như các đại biểu Quốc hội đều phản ánh là hệ thống đường cao tốc rất yếu kém, do đó thu hút đầu tư khó khăn và kinh tế kém phát triển. Bộ đã tham mưu xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề để kết nối cảng mới Trần Đề, cửa ngõ cho đồng bằng sông Cửu Long; Châu Đốc kết nối vào Tịnh Biên một tuyến đường đi khoảng 100 km nữa là tới TP Phnom Pênh, Campuchia. Như thế sẽ làm một giao thông liên vùng, liên vận quốc tế kết nối xuống cảng để đột phá vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tiếp đến là dự án Biên Hòa - Vũng Tàu tại sao ở Thành phố Hồ Chí Minh có Vành đai 3 rồi mà vẫn có thêm Biên Hòa - Vũng Tàu. Biên Hòa - Vũng Tàu là cứu cánh cho cả vùng Đông Nam Bộ.

Không có tuyến cao tốc này, sắp tới hàng hóa không xuống được Cái Mép - Thị Vải, công suất của cảng Cái Mép - Thị Vải thì rất lớn.

Như vậy, trong quy hoạch và trong kế hoạch hiện nay Đảng và Nhà nước cũng đã nhìn thấy rằng một số vùng tiềm năng, thế mạnh rất lớn, cần phải có những đường cao tốc đột phá để các nhà đầu tư đến, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Từ 2015 đến nay dự án BOT vắng bóng

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Bắc Giang chất vấn: Thời gian qua, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn chế thì việc huy động các nguồn lực từ xã hội hóa, trong đó có hình thức BOT là hướng đi đúng đắn để đầu tư cho giao thông. Chỉ trong 10 năm chúng ta đã xây dựng được gần 1.200 km đường cao tốc.

202206091059463757_35.-tran-van-tuan-bac-giang.jpg
Đại biểu Trần Văn Tuấn - Bắc Giang nêu câu hỏi chất vấn tại hội trường.

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay thì các dự án BOT giao thông mới ngày càng vắng bóng, trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông từ nay đến năm 2025-2030 là rất lớn.

Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết khó khăn, bất cập lớn nhất trong thu hút triển khai các dự án BOT về giao thông hiện nay là gì?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích, trước năm 2015 làm BOT rất sôi nổi, rất nhiều dự án BOT nhưng chính vì thế nên bất cập xảy ra.

Đến năm 2017 UBTVQH đã có Nghị quyết 437, không cho phép làm BOT trên đường hiện hữu nữa mà chỉ được làm trên đường song hành.

Còn những dự án trước đây khi chưa có Nghị quyết 437 làm theo Nghị quyết 13 của Trung ương cho phép xã hội hóa trên quốc lộ hiện hữu. Nên khi có Nghị quyết 437 phải dừng 11 dự án đang triển khai. Từ đó đến nay muốn làm BOT thì chúng ta phải làm tuyến song hành.

Tiếp đến, Luật PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) hiện nay chưa thực sự hiệu quả trong lĩnh vực giao thông vận tải, bởi vì đầu tư giao thông rất tốn tiền mà quy định 50% vốn nhà nước đối với dự án giao thông rất khó khăn. Do đó, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ theo hướng như làm dự án BOT giao thông không đạt 50% nhưng đạt được 1.000 tỷ trở lên, huy động xã hội được 1.000 tỷ hoặc 1.500 tỷ hoặc 700 tỷ trở lên thì cho làm, Bộ trưởng khẳng định.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH: Đường bộ cao tốc chưa được đầu tư tương xứng và có dấu hiệu lệch pha