ĐBQH đề nghị chưa sửa nội dung  liên quan đến chỉ dẫn địa lý trong Bộ luật TTHS

Mai Thoa| 25/10/2021 13:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 25/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu đã thảo luận trực tuyến về Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).

khan-dinh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp sáng nay 25/10.

Sửa để phù hợp với Hiệp định CPTTP

Cơ quan trình dự thảo BLTTHS là VKSNDTC đã đề nghị sửa đổi hai nội dung, trong đó có quy định về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 BLTTHS về Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại và khoản 8 Điều 157 BLTTHS về Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự.

Theo đó, tại khoản 3 và khoản 4 Điều 1 dự thảo luật quy định: sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại;

Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 157 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 của BLHS mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Lý do sửa đổi là để phù hợp với Hiệp định CPTTP mà Việt Nam đã tham gia.

Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo khoản 1 Điều 226 BLHS tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 BLTTHS.

Tuy nhiên, VKSNDTC đề nghị thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý, để bảo đảm tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý tương tự như đối với nhãn hiệu.

Thẩm tra nội dung này, UBTP nhận thấy: khoản 1 Điều 226 BLHS quy định Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Điểm g khoản 6 Điều 18.77 Hiệp định CPTPP quy định, các quốc gia thành viên cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động thực hiện hành động pháp lý mà không cần có khởi kiện chính thức từ người thứ ba hay chủ thể quyền đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu, Hiệp định không đặt ra yêu cầu đối với chỉ dẫn địa lý.

Như vậy, nếu sửa đổi, bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến toàn bộ khoản 1 Điều 226 của BLHS như đề nghị của VKSNDTC thì sẽ mở rộng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP.

Qua thảo luận, đa số ý kiến UBTP đề nghị chỉ sửa đổi khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 của BLTTHS để bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới khoản 1 Điều 226 của BLHS về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không sửa đổi quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý.

Đề nghị chưa sửa nội dung này tại kỳ họp 

Phát biểu thảo luận, nhiều đại biểu không đồng tình với việc bãi bỏ quy định “chỉ khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm đối với chỉ dẫn địa lý trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng khi có yêu cầu của người bị hại”.

Các ý kiến cho rằng, Hiệp định CPTPP quy định về việc cơ quan tố tụng có thẩm quyền của các quốc gia có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại, Hiệp định không đặt ra yêu cầu đối với chỉ dẫn địa lý.

manh-cuong.jpg
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phát biểu thảo luận.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường - Quảng Bình đề nghị cân nhắc nội dung này. Ông Cường cho rằng pháp luật hiện hành quy định như vậy để bảo vệ lợi ích của người bị hại, họ có quyền lựa chọn hoặc thương lượng hòa giải yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu khởi tố vụ án. Nếu bỏ quy định này sẽ không có lợi cho người bị hại.

Đặc biệt, chỉ dẫn địa lý thuộc sở hữu nhà nước. Nhà nước trao quyền sở hữu cho UBND cấp tỉnh và một số tổ chức hiệp hội, quyền quản lý trao cho các doanh nghiệp sản xuất quyền sử dụng. Như vậy kh một hành vi xâm phạm thì tất cả các chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố.

Theo ông Cường, việc điều tra chứng minh hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý là vấn đề khó, phức tạp, nếu như không có sự yêu cầu cộng tác của chủ sử hữu hoặc người bị hại trong việc cung cấp các thông tin liên quan đến chỉ giới địa lý đã được đăng ký hay chưa? phạm vi đăng ký đến đâu? giá trị của mình thế nào đặc biệt là các chỉ dẫn địa lý. Cho nên nếu quy định như dự thảo có thể dẫn đến trường hợp có quy định phải khởi tố nhưng chúng ta không chứng minh được sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Ông Cường cũng cho rằng việc sửa đổi phải tuân thủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là yêu cầu nhà nước pháp quyền và Quốc hội cũng phải tuân thủ theo quy định này.

Hiện nay việc sửa đổi theo trình tự thủ tục rút gọn, tuy nhiên đây không phải vấn đề cấp bách, thuộc trường hợp phải sửa đổi để thực hiện theo các điều ước quốc tế, không phải trường hợp sửa đổi vì thiên tai, dịch bệnh, hay các trường hợp khẩn cấp khác nên không thuộc trường hợp được sửa đổi theo thủ tục rút gọn.

Theo đại biểu, việc sửa đổi cần tuân thủ theo các quy định chung trong xây dựng pháp luật. Đặc biệt cần lấy các ý kiến chịu sự tác động, nhất là ý kiến của UBND các cấp, tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, thậm chí ý kiến của người tiêu dùng. Hiện nay cả Chính phủ, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Công Thương đều băn khoăn, và thậm chí có ý kiến cho rằng nếu không thận trọng sẽ dễ hình sự hóa quan hệ hành chính và quan hệ dân sự thương mại.

Vì vậy đại biểu đề nghị Quốc hội chưa sửa đổi nội dung này ngay tại kỳ họp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH đề nghị chưa sửa nội dung  liên quan đến chỉ dẫn địa lý trong Bộ luật TTHS