ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội: Tiền lương bảo hiểm xã hội như của để dành, không ai được vi phạm

Mai Thoa (thực hiện)| 22/05/2015 08:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bên lề QH, chúng tôi đã phỏng vấn ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban CVĐXH về việc sửa Điều 60, Luật BHXH.

PV: Theo ông, đề xuất của Chính phủ về việc sửa Điều 60 Luật BHXH có vì quyền lợi của người lao động không?

ĐB Bùi Sỹ Lợi: Luật pháp là làm cho người lao động chứ không phải làm cho người làm luật. Người lao động chưa hoàn toàn thỏa mãn, thấy chưa được thì phải có một thời gian để người ta suy nghĩ, lựa chọn. Khi trình ra Điều 60, Chính phủ khẳng định nội dung bảo đảm quan điểm của Đảng, tinh thần của Hiến pháp, đem lại lợi ích cho người lao động; bảo đảm đúng quy trình làm luật.

Nhưng khi Luật được ban hành thì một bộ phận người lao động không đồng ý do thị trường lao động của chúng ta chưa hoàn thiện, việc làm chưa bền vững, đời sống khó khăn, lương tối thiểu mới đáp ứng được 70% nên người ta mong muốn lấy tiền này để trước mắt làm việc, kiếm sống nuôi bản thân và gia đình. QH thấy đây là nguyện vọng, ý chí của người lao động thì trước mắt nên xử lý linh hoạt để người lao động lựa chọn.

ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội: Tiền lương bảo hiểm xã hội như của để dành, không ai được vi phạm

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi

PV: Tỷ lệ người lao động muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần hiện nay có lớn không, thưa ông?

ĐB Bùi Sỹ Lợi: Tỷ lệ này rất cao. Hiện nay, bình quân mỗi năm có khoảng 500.000 người ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, số vào cũng tương đương. Số vào và số ra cân bằng như vậy thì liệu mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội có đạt hay không? Rõ ràng là không đạt được mục tiêu đề ra. Bài toán an sinh xã hội như Chính phủ trình, nếu hôm nay đồng ý giải quyết bảo hiểm xã hội một lần thì toàn hệ thống bảo hiểm xã hội những năm sau sẽ giảm đi, nghĩa là không đạt mục tiêu về đối tượng và quan trọng là Nhà nước phải dành một khoản ngân sách để lo cho người khi về già. Hiện nay là 1,5 triệu người từ 80 tuổi trở lên và ngân sách phải bỏ ra 3,5 nghìn tỷ đồng, nếu nâng lên thì ngân sách phải bỏ ra khoảng 7 nghìn tỷ đồng/năm, rõ ràng là rất khó khăn.

PV: Khi xây dựng Luật thì phải có tầm nhìn xa nhưng cũng phải bám sát với thực tế. Nhưng, với quy định của Điều 60 thì lại không sát thực tế, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

ĐB Bùi Sỹ Lợi: Chính vì Luật phải có tầm nhìn xa nên chúng ta mới quy định Điều 60. Vấn đề mâu thuẫn ở đây là, trong 5 năm (2010-2015), số vào hệ thống bảo hiểm xã hội là 2,5 triệu người, số ra là 2,3 triệu. Nhưng quan trọng là 72% người lao động chỉ làm 1-3 tháng thì đã rút tiền BHXH một lần. Vậy, có phải tất cả đều có khó khăn không? Chưa phải. Nếu người lao động khó khăn, chúng ta đồng tình và đã xử lý. Nhưng cái quan trọng là trong 5 năm có 2,3 triệu người ra nhưng có đến 1 triệu người làm có một năm đã rút BHXH ra, thì có nghĩa chưa đầy 1 năm đã lấy một lần, tối đa vẫn được 2 tháng lương, rõ ràng là người ta lợi dụng. Nhưng nếu người lao động đã làm 2-3 năm trở lên mà ra khỏi hệ thống thì chính người lao động bị thiệt vì phải đóng 2,4 tháng lương mà khi về chỉ được 2 tháng lương.

PV: Sự việc vừa qua có một lý do người lao động đưa ra là thiếu niềm tin vào cơ quan nhà nước, ông có thấy như vậy không?

ĐB Bùi Sỹ Lợi: Điều này là do các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng chưa làm rõ, giải thích rõ chính sách cho người lao động. Tiền lương bảo hiểm xã hội như là của để dành của người lao động, không ai có quyền được vi phạm, kể cả cơ quan quản lý quỹ này. Quỹ được quản lý tập trung thống nhất ở Trung ương, không phải do cơ quan bảo hiểm xã hội giữ và phải được bảo toàn, đầu tư tăng trưởng khi quỹ nhàn rỗi. Vì vậy, khi đưa cho Chính phủ, cho các ngân hàng vay để đầu tư phát triển đất nước thì phải làm sao cho quỹ này tăng trưởng và phải cao hơn chỉ số CPI.

PV: Vậy, ông có khuyến cáo gì với người lao động?

ĐB Bùi Sỹ Lợi: Chính phủ mong muốn QH sửa Điều 60 và đến giờ phút này, Ủy ban CVĐXH cơ bản đồng tình với ý kiến của Chính phủ. Mong muốn sửa điều này để một bộ phận người lao động khó khăn có thể giải quyết những vấn đề trước mắt. Nhưng tôi muốn nói rằng, người lao động nên nghiên cứu, cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Quả thực, khó khăn trước mắt không có biện pháp nào xử lý được thì hãy nhận một lần còn nếu không, cố gắng tiếp tục đóng góp, tích lũy thời gian, tham gia BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu, bảo đảm cuộc sống khi về già.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội: Tiền lương bảo hiểm xã hội như của để dành, không ai được vi phạm