Đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Trần Quang Huy| 06/03/2014 11:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo dự kiến, UBTVQH sẽ cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) trong phiên họp tháng 3/2014; Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với Dự thảo tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2014 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2014.

Để đảm bảo tiến độ của Dự án Luật, vừa qua, TANDTC đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý để có thêm cơ sở cho việc chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung của Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), bảo đảm dự án được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đúng tiến độ, có chất lượng.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) định hướng những vấn đề chính cần thảo luận 

Trong hội thảo về Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) do TANDTC phối hợp với Chương trình đối tác tư pháp do Ủy ban Châu Âu, Chính phủ Đan Mạch và Chính phủ Thụy Điển tài trợ, Ban soạn thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý tâm huyết của các nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội, đại diện các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương. Chủ trì hội thảo có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi); Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa; Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn.

Tại hội thảo, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Hiện nay, chúng ta đang tích cực triển khai các chủ trương, định hướng, quan điểm của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp được nêu tại các văn kiện từ Hội nghị Trung ương 8 khóa VII đến nay, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, Kết luận của Hội nghị Trung ương 2, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI và Kết luận số 64-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI. Trong đó có nhiều nội dung về đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án cần được thể chế hóa trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Mặt khác, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hiến pháp cũng đã bổ sung nhiều nội dung mới quan trọng về tổ chức và hoạt động của TAND như: các nguyên tắc việc xét xử sơ thẩm của TAND có Hội thẩm tham gia, TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số được bổ sung thêm nội dung “trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”. Nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật được bổ sung nội dung “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo, nguyên tắc suy đoán vô tội, về thẩm quyền bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC và các Thẩm phán Tòa án khác… đây là những vấn đề lớn cần được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Trong quá trình thảo luận, các ý kiến cơ bản đồng thuận với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được xây dựng gồm 11 chương, 91 điều. Dự thảo đã làm rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của TAND với tư cách là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Việc xác định địa vị pháp lý của TAND, Thẩm phán, các chức danh tư pháp của Tòa án, các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và việc bảo đảm cho hoạt động của Tòa án cũng được xây dựng theo đúng tính chất, đặc điểm riêng có và đặc thù của cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Đó là các nguyên tắc về bảo đảm độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử; các Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất; Thẩm phán TANDTC do Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán TAND các cấp; Thẩm phán được bổ nhiệm không thời hạn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Thẩm phán… Đây cũng chính là những chủ trương quan điểm của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp nói chung và đổi mới tổ chức, hoạt động của TAND nói riêng được thể chế hóa đầy đủ trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tất Viễn (Ủy viên chuyên trách, Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương); Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Đức (Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); Giáo sư, Tiến sỹ, Giảng viên cao cấp Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội)… đã đóng góp các ý kiến chuyên sâu nhằm làm rõ hơn nội hàm quyền tư pháp của Tòa án để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các quan điểm của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp. Đồng thời, ý kiến của bà Lê Thị Thu Ba (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương); nguyên Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Tú; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội); Thiếu tướng Nguyễn Thành Thuộc (Phó Chánh án Tòa án quân sự Trung ương); Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Đức Bình (Chánh án TAND TP Hà Nội); Tiến sỹ  Phạm Minh Tuyên (Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh)… đã đóng góp các ý kiến làm rõ hơn nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức của Tòa án từng cấp, kể cả đối với Tòa án quân sự. Các ý kiến đi sâu phân tích việc đổi mới cơ chế bảo đảm các điều kiện về nguồn lực tài chính và nhân lực cho hoạt động của Tòa án như cơ chế phân bổ ngân sách, xác định số lượng Thẩm phán, biên chế cán bộ và chế độ chính sách đặc thù với hoạt động Tòa án. Đổi mới chế định Thẩm phán và Hội thẩm ở Tòa án từng cấp; đổi mới quy trình bổ nhiệm Thẩm phán theo hướng gắn kết việc thi tuyển với việc tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác của Tòa án, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xét xử và cải cách tư pháp trong tình hình mới…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)