Đẩy mạnh tự chủ trong triển khai Nghị quyết Trung ương, đảm bảo quyền lợi của CBCCVC

Thu Vân| 09/05/2018 08:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cải cách chính sách tiền lương là một trong 3 đề án quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 7 đang diễn ra tại Hà Nội. Trong đó, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII cũng được coi là một tiền đề rất căn bản giải quyết vấn đề này.

Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” của Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XII đang là nhiệm vụ cấp bách, nhằm đưa đất nước tiến nhanh và bền vững theo định hướng XHCN. Trong đó, tự chủ được coi là chìa khoá đảm bảo quyền lợi cho CBCCVC.

Đẩy mạnh tự chủ trong triển khai Nghị quyết Trung ương, đảm bảo quyền lợi của CBCCVC

Ảnh minh họa

Tự chủ là chìa khóa tinh giản biên chế

Một trong các mục tiêu quan trọng của hai Nghị quyết 18, 19 là giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Đến năm 2021 giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL); giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015; cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các ĐVSNCL (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính). Đồng thời phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các ĐVSNCL so với giai đoạn 2011-2015.

Tại cuộc họp bàn về công tác quản lý và sử dụng công chức, viên chức và hợp đồng lao động đối với lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ diễn ra ngày 20/4 vừa qua, số đông các đại biểu tham dự đều đồng thuận cho rằng, cần đẩy mạnh tự chủ tại các ĐVSNCL bởi đây sẽ là hướng đi tốt, giúp giảm số lượng biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách.

Theo Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Phạm Mạnh Hùng, cần thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình bằng cách đẩy mạnh tự chủ. Có thể giảm mạnh biên chế gián tiếp trong các trường bằng cách để một người đảm nhiệm nhiều việc hay phối hợp với các trạm xá, bệnh viện trong lĩnh vực y tế học đường mà không cần một người chuyên làm việc này trong trường học. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tự chủ tại khối các trường đại học, cao đẳng. Khi các trường tự chủ được, tổng lượng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước sẽ giảm xuống trong khi vẫn có thể tuyển dụng ở những nơi cần, nơi thiếu, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Biên chế gián tiếp phải giảm quyết liệt còn giáo viên giảng dạy phải đủ theo số môn theo lớp.

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết sẽ thực hiện được việc giảm biên chế ở khối giáo dục nghề nghiệp. Giải pháp chủ yếu mà Tổng cục đang tham mưu cho Bộ là thực hiện dạy kết hợp giữa  thực hành và lý thuyết chứ không tách rời như trước. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đang đẩy mạnh tự chủ, giảm bớt một số đầu mối như mỗi tỉnh chỉ còn một đơn vị giáo dục nghề nghiệp công lập.

Đối với lĩnh vực Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phân tích, do dân số tăng lên trong khi yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao, nhu cầu nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực y tế vẫn rất lớn. Giải pháp của ngành y tế là khuyến khích tự chủ, sắp xếp lại bộ máy để cắt giảm nhân sự hành chính, tăng nhân lực làm chuyên môn.

Bên cạnh đó, trong mỗi bệnh viện, có những công việc hoàn toàn có thể thuê ngoài như bảo vệ, hấp sấy, vệ sinh, lái xe… Có những bộ phận, trung tâm có thể thực hiện tự chủ thì không tính vào tổng lượng biên chế. Như vậy sẽ dôi ra nhiều biên chế để tuyển dụng cho những nơi thiếu như vùng sâu, vùng xa, cho những lĩnh vực chưa thể tự chủ. Với việc đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế, tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế  khẳng định sẽ có nhiều hơn nữa đơn vị tự chủ tài chính, giảm số người hưởng lương từ ngân sách trong khi vẫn tăng cường đội ngũ làm chuyên môn, nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh.

Đảm bảo lợi quyền của CBCCVC

Có một thực tế là khi 2 Nghị quyết 18 và 19 được ban hành không ít cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ hưởng lương ngân sách cảm thấy lo lắng về sự mất ổn định trong công việc, quyền lợi và thu nhập. Không ít Bộ, ban ngành địa phương đã cảm thấy e dè, thậm chí bàn lui hoặc chậm triển khai kế hoạch. Tuy nhiên, cần nhắc lại quan điểm chỉ đạo của 2 Nghị quyết 18 và 19 đều được xây dựng trên quan điểm hết sức nhân văn và ưu việt, vì lợi quyền của người lao động. Cụ thể như: “Nhà nước chăm lo, bảo đảm cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, nâng cao khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cho mọi tầng lớp nhân dân trên cơ sở giữ vững, phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ đạo, vị trí then chốt, bản chất tốt đẹp, ưu việt, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận của các ĐVSNCL”.

Hay, “Đẩy mạnh xã hội hoá, nhất là trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt... Bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các ĐVSNCL và ngoài công lập”; “tinh giản biên chế và cải cách chế độ tiền lương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút người có đức, có tài; bố trí đủ nguồn lực cần thiết và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp. “Giảm mạnh tỉ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong ĐVSNCL”...

Trên thực tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã từng chỉ rõ, Nghị quyết 19 không phải cắt xén đầu mối mà mục đích cao nhất là đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công; xã hội hoá dịch vụ công không đi với thương mại hoá dịch vụ công, nhất là đối với giáo dục và y tế. “Mục tiêu của Nghị quyết là giảm các đầu mối ĐVSNCL và giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, nhưng không có nghĩa là sẽ giảm số lượng biên chế sự nghiệp mà số lượng này có thể tăng lên khi các đơn vị sự nghiệp đã tự chủ được tài chính thì có quyền tuyển thêm biên chế để phục vụ cho hoạt động”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 20/4 cũng khẳng định, theo Nghị quyết 19-NQ/TW, quan điểm là phải giảm. Nhưng giảm là giảm tổng thể đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Song song với đó là đẩy mạnh tự chủ, để các ĐVSNCL chủ động trong việc tuyển dụng. Đối với lĩnh vực lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ giảm đối tượng hưởng lương từ ngân sách ở nhiều nơi để từ đó vẫn có thể tuyển dụng thêm để bảo đảm các quyền được đi học của trẻ em và khám chữa bệnh của người dân.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng phân tích, cần phải hiểu chính xác là theo Nghị quyết 19-NQ/TW, trên cơ sở mạng lưới hiện nay sắp xếp lại, giảm ở đây là đưa ra tự chủ không hưởng ngân sách nữa. Như vậy, có thể số đơn vị tự chủ cộng lại nhiều hơn số cũ chuyển ra, kể cả số lượng người làm việc trong danh sách trả lương của đơn vị, ví dụ chuyển 100 biên chế ra, tự chủ được thì hoàn toàn có quyền tuyển thêm 200, 300 người.

Như vậy, có thể thấy nếu chúng ta đẩy mạnh tử chủ, triển khai đúng tinh thần 2 Nghị quyết 18 và 19 thì rõ ràng xét trên bình diện chung, hay với từng ban, ngành, đơn vị, CBCCVC đều có thêm những lợi quyền nhất định. Đơn cử như đối với các trường học, bệnh viện, cơ sở nghiên cứu khoa học việc tự chủ sẽ giúp chủ động thậm chí tăng cường tuyển dụng cũng như đãi ngộ người lao động. Điều này là tiên quyết giúp bảo đảm và nâng cao hơn nữa việc cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quyền được học một cách thuận lợi cho trẻ em, quyền được khám chữa bệnh của người dân cũng như nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học...

Đứng về góc độ CBCCVC và người lao động sẽ có môi trường lý tưởng để phát huy khả năng do được đánh giá đúng năng lực từ đó sắp xếp công việc nhiệm vụ hợp lý hơn. Ngoài ra, việc tự chủ kéo theo cân đối chi tiêu bắt buộc đơn vị phải xây dựng kế hoạch tổng thể, chặt chẽ đối với từng bộ phận và từng vị trí làm việc với mục đích đem lại hiệu quả cao với chi phí phù hợp. Điều này sẽ tạo ra động lực, khuyến khích, mỗi cá nhân, tập thể chủ động, sáng tạo hơn nhằm đáp ứng hiệu quả công việc trong cơ chế mới.

Đặc biệt, việc sắp xếp bố trí lại nhân sự theo nhu cầu công việc thực tế sẽ cắt bỏ được sự cồng kềnh, chồng chéo, từ đó giảm số lượng người tham gia làm chỗ thừa để chuyển sang chỗ thiếu sẽ giúp những người xưa nay vốn “bơi trong công việc” đỡ bị quá tải; những người “sáng tối cắp ô đến cơ quan” thì bố trí công việc theo hình thức khác để tiết kiệm biên chế cần chi trả lương. Thay vì cần nhiều người làm một việc, nay ít người vẫn đảm bảo công việc, từ đó, thu nhập của cán bộ, người lao động sẽ được tăng cao, xứng đáng với năng lực và công sức họ cống hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh tự chủ trong triển khai Nghị quyết Trung ương, đảm bảo quyền lợi của CBCCVC