Phát triển năng lượng sạch: Tiềm năng và thách thức

T.Nhi| 22/09/2020 16:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năng lượng sạch ngày càng có vị trí vững chắc hơn và được coi là ngành có tiềm năng lợi nhuận, định hướng phát triển tốt. Điện khí cũng đang được chú trọng phát triển, trong khi nhiệt điện than không còn là lĩnh vực được ưu ái phát triển tại Việt Nam.

Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) mới phát hành một báo cáo cập nhật tình hình phát triển năng lượng tại Việt Nam trong năm 2020. Đây là năm đánh dấu bước ngoặt lớn trong ngành Năng lượng ở nước ta.

Theo báo cáo của MDI, năng lượng sạch ngày càng có vị trí vững chắc hơn và được coi là ngành có tiềm năng lợi nhuận, định hướng phát triển tốt. Điện khí cũng đang được chú trọng phát triển, trong khi nhiệt điện than không còn là lĩnh vực được ưu ái phát triển tại Việt Nam.

Đặc biệt, các dạng năng lượng sạch như điện mặt trời hay điện gió ngày càng có đóng góp quan trọng đối với hệ thống điện quốc gia và trở thành một trong những ưu tiên trong định hướng phát triển năng lượng của đất nước. Nhiệt điện khí, nhất là điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, cũng là một lĩnh vực mới có tiềm năng phát triển. Hai kho cảng nhập khẩu khí đầu tiên đang được triển khai xây dựng và hàng loạt dự án nhà máy điện khí lớn đang được đề xuất đầu tư.

ds

Năng lượng tái tạo đang ngày càng chiếm ưu thế

Ngược lại, nhiệt điện than đang phát triển chậm lại vì chủ trương của Đảng và Chính phủ, sự phản đối của các địa phương và những khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030. Quyết định này đặt mục tiêu nâng tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng sản lượng điện quốc gia lên 49,3% vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và 53.2% vào năm 2030. Tỷ trọng nhiệt điện khí thiên nhiên và khí thiên nhiên hóa lỏng được xác định chiếm dưới 20% tổng sản lượng điện cho đến năm 2030. Trong khi đó, điện mặt trời và điện gió chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng điện của cả nước. Nhưng thực tế triển khai quy hoạch lại cho thấy, nhiệt điện than đã bộc lộ những hạn chế nội tại của nó và ảnh hưởng đến triển vọng phát triển của lĩnh vực này.

Báo cáo của MDI chỉ ra, ít nhất 6 tỉnh trên cả nước đã đề xuất không tiếp tục phát triển các dự án nhiệt điện than trên địa bàn các tỉnh đó vì lo ngại ô nhiễm môi trường, trong đó có cả tỉnh Quảng Ninh là cái nôi của ngành Than Việt Nam.

Các tỉnh khác như Bạc Liêu, Long An, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh và Tiền Giang cũng mong muốn thay thế các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch bằng các dự án sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng.

ds

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng 

Trước đó tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020 Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo đang phải đối mặt thách thức lớn. Thứ trưởng chỉ rõ, bản chất của năng lượng sạch là dạng năng lượng không có sự ổn định, khó vận hành hơn so với năng lượng truyền thống. Điều này đặt ra thách thức làm sao phát triển nhanh và mạnh, trong khi đó phải đảm bảo sự an toàn, tin cậy của hệ thống điện.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương, Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt, với gần 5000MW công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành trong ba năm vừa qua, Việt Nam trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Sự gia tăng với tốc độ nhanh chóng của nguồn năng lượng tái tạo đã đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, cơ chế giá điện cùng nhiều vấn đề kỹ thuật liên quan khác.

Để đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn tới, ông Dũng đề xuất cần khuyến khích phát triển các dạng năng lượng tái tạo có thời gian xây dựng nhanh, phát triển lưới điện đồng bộ để đảm bảo giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo; Bổ sung nguồn điện sử dụng nhiên liệu sạch để đa dạng hóa loại hình nguồn điện, thay thế nguồn điện than tại khu vực khó phát triển; Tăng cường công suất nhập khẩu từ các nước láng giềng như Lào và Trung Quốc; Phát triển hạ tầng năng lượng như lưới điện truyền tải, cảng nhập khẩu than và LNG…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển năng lượng sạch: Tiềm năng và thách thức