Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, đầu tư nước ngoài vào bất động sản vẫn có chiều hướng gia tăng. Điều đó cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, đầu tư nước ngoài vào bất động sản vẫn có chiều hướng gia tăng. Điều đó cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Triển vọng trong khó khăn
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2012, cả nước có 389 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản được cấp phép hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 49,8 tỷ USD. Hiện, vốn FDI trong lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 23,32% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Hầu hết nguồn vốn FDI trong lĩnh vực bất động sản tập trung vào phân khúc cao cấp như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, văn phòng, căn hộ cao cấp... vốn là thế mạnh của các nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, trước xu hướng khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, các sản phẩm này rất khó tìm đầu ra do giá thành cao. Ông Michael Modler, Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC) cho rằng, các dự án địa ốc tại Việt Nam hiện đang tồn tại những vấn đề như khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thiếu năng lực tài chính, thay đổi kế hoạch đầu tư do sự đi xuống của thị trường và những khó khăn về kinh tế. Thực tế tại nhiều dự án bất động sản, chỉ có một vài dự án thực hiện đúng tiến độ. Trong tổng vốn FDI đổ vào bất động sản, chỉ có khoảng 20 – 30% số vốn được giải ngân. Vốn này chủ yếu được dùng vào những chi phí ban đầu như giải phóng mặt bằng và xây dựng dự án. Đây là điều khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại. Tiến độ dự án chậm là một trong những nguyên nhân cản trở dòng vốn FDI đổ vào thị trường bất động sản.
Thị trường BĐS Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Tuy nhiên, ông Michael Modler cũng đưa ra thông tin, trong cuộc khảo sát do các nhà đầu tư và chuyên gia bất động sản của Công ty PWC tiến hành nhằm xếp hạng về mức độ hấp dẫn đầu tư tại 21 thành phố lớn ở Châu Á - Thái Bình Dương vừa qua, nhiều phân khúc của bất động sản Việt Nam đạt vị trí khá triển vọng. Theo đó, Việt Nam xếp thứ nhất các phân khúc khách sạn, nhà ở và quy mô đất công nghiệp; xếp thứ 3 về bán lẻ và xếp thứ 4 về văn phòng cho thuê. Trong tương lai, các nhà đầu tư Châu Á sẽ vực dậy dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Cơ hội ở các dự án giá rẻ
Xu hướng dòng vốn FDI đổ vào bất động sản từ đầu năm 2012 là những nhà đầu tư nước ngoài chịu bỏ vốn vào bất động sản hầu hết là có kế hoạch dài hơi, tiềm lực tài chính ổn định trong trung và dài hạn. Nhiều nhà đầu tư tích cực tìm kiếm, thâu tóm lại các dự án bất động sản giá rẻ. Đây cũng là cơ hội của nhà đầu tư trong nước bán dự án khi không còn sức để tiếp tục làm dự án.
Đại diện Công ty Savills Vietnam cho biết, đã có nhiều dự án bất động sản thông qua các công ty môi giới, đang được chào mời tới các nhà đầu tư trong khu vực châu Á như: Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan… Đại diện Công ty Đầu tư Trinity (Thái Lan) đang đầu tư ở Việt Nam cũng cho rằng cơ hội đang rộng mở khi một số quỹ đầu tư đang tìm cách rút khỏi thị trường này do tới gần thời điểm đóng quỹ hoặc tập trung cho dự án triển khai ở nước khác. Đây cũng là nhận định chung của nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm các dự án bất động sản giá rẻ, đặc biệt là những dự án đã tạo được nguồn “đất sạch” để đầu tư, khai thác lâu dài...
Đáng chú ý, các nhà đầu tư trong nước cũng đang có dấu hiệu tham gia vào các thương vụ thâu tóm dự án bất động sản giá rẻ từ những nhà đầu tư rút lui. Các nhà đầu tư trong nước đều nhắm đến những dự án đang có doanh thu như các khách sạn, cao ốc văn phòng hoặc khu thương mại đang hoạt động.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, tạo động lực cho kinh tế phát triển, về lâu dài cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản. Đặc biệt, thời gian tới, cần tiến hành rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính thống nhất về trình tự thủ tục thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Để thu hút các nguồn vốn vào thị trường bất động sản, một số kênh huy động vốn cần được nghiên cứu, cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách như xây dựng hệ thống pháp lý cho vay thế chấp và tái thế chấp; hình thành Quỹ phát triển nhà ở tại các địa phương; thành lập Quỹ đầu tư tín thác bất động sản. Đối với việc thu hút FDI trong lĩnh vực bất động sản, việc thiết lập mặt bằng pháp lý chung áp dụng cho cả đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài là cần thiết. Các cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả nhằm hạn chế tình trạng các dự án vốn FDI đăng ký vốn cao nhưng thực hiện giải ngân thấp, lợi dụng huy động vốn của khách hàng từ thị trường trong nước để đầu tư.
Với Quyết định số 1601/QĐ-TTg ngày 29/10/2012 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhiều chuyên gia bày tỏ hy vọng, hiệu quả kiểm tra, giám sát FDI nói chung và FDI bất động sản nói riêng sẽ được nâng cao.
Bảo Nam