Dấu lặng buồn dưới chân Pu Lũng

Vân Phạm| 23/10/2014 02:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vậy là đã được 10 năm, kể từ ngày hàng ngàn hộ dân sống trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ rời bỏ vùng đất định cư bao đời để đến nơi ở mới, nhường chỗ phát triển điện lưới quốc gia.

Theo dòng người di dời ấy, 400 người con Ơ Đu đã về tạo lập cuộc sống mới ở bản Văng My và Tăng Kho thuộc xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An. Song, giờ đây, cuộc sống của tộc người này vẫn chồng chất những khó khăn.  

Tủi hờn từ trong tên gọi

Theo thống kê năm 2009, dân tộc Ơ Đu chỉ có hơn 600 người, chủ yếu sinh sống ở vùng rừng núi phía Tây xứ Nghệ và có tới 80% số hộ thuộc diện nghèo. Cái nghèo bám lấy người Ơ Đu, bám ngay từ tên định danh dân tộc mình, có nghĩa là "Thương lắm", hay còn cách gọi khác là "Tày Hạt" - nghĩa là đói khổ. Dẫu cuộc sống vô vàn khó khăn, thiếu đói và lại có số dân ít ỏi, nhưng người Ơ Đu lại lưu truyền trong cộng đồng những truyền thuyết rất lãng mạn về lịch sử hình thành dân tộc mình.

Người Ơ Đu già nhất, cụ Lò Văn Mằn mà chúng tôi được anh cán bộ văn hóa xã Nga My giới thiệu, khăng khăng khẳng định rằng, dân tộc của cụ đã được sinh ra cùng với dòng sông, ngọn núi ở Tương Dương. Cụ Mằn kể rằng, xưa kia có một chàng trai nghèo đem lòng yêu thương một nàng công chúa xinh đẹp. Bị vua cha của người yêu ngăn cấm, chàng trai đã bỏ vào rừng sâu. Còn về phần công chúa, sau bao ngày thương nhớ cũng quyết tâm trốn khỏi cung điện, rồi vượt qua rừng sâu, núi cao để tìm gặp lại người yêu. Cảm động trước tình yêu của đôi trẻ, ông trời đã chọn ngọn núi cao nhất để hai người làm tổ ấm và đặt tên là Pu Lũng. Còn hai con sông Nậm Nơn, Nậm Mộ từng chứng kiến hành trình tìm người yêu của cô gái, đã biến thành dòng sông dát vàng. Họ đã sống bên nhau trọn đời và sinh ra những đứa con đẹp tựa thiên thần. Những đứa trẻ ấy chính là tổ tiên của tộc người Ơ Đu...

Tuy nhiên, những chứng cứ xác đáng và tin cậy nhất đã chỉ ra rằng, dân tộc Ơ Đu ngày nay, chính là một trong những tộc người góp phần cấu thành Tiểu quốc Bồn Man lừng lẫy. Đến thế kỷ XV, dưới thời Lê Thánh Tông, Bồn Man diệt vong và sáp nhập vào Đại Việt. Người Ơ Đu vẫn thường nhắc về vùng đất tổ thuộc lưu vực của các con sông Nậm Nơn, Nậm Mộ và lan tỏa đến tận đất Lào cùng những thành quách nơi Hữu Khuông, Pú Pâu oai hùng trên đất Việt. Có nghiên cứu chỉ ra rằng, trước đây, người Ơ Đu giỏi nghề phát nương làm rẫy, lại biết đãi cát tìm vàng, đánh cá và buôn bán, nên cuộc sống khá sung túc, trình độ xã hội khá cao.

Vậy mà quá khứ lẫy lừng đó đã phai nhạt, dân số Ơ Đu hiện nay thuộc vào nhóm ít nhất trong đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam và bản sắc không còn lưu giữ được bao nhiêu. Ngay các nhà nghiên cứu và các nhà dân tộc học cũng vất vả khi tìm kiếm và nhận định lại những gì là bản sắc văn hóa Ơ Đu. Bởi khi Bồn Man chấm dứt, người Thái, người Khơ Mú từ Tây Bắc tràn vào, người Ơ Đu yếu thế buộc phải cộng sinh và bị biến đổi đến nhạt nhòa như hôm nay.

Phai nhạt về văn hóa

Đi giữa bản Văng Môn, nơi người Ơ Đu cư trú đông nhất nước ta hiện nay với 90 hộ, chúng tôi như không tìm thấy đâu là một sắc thái riêng biệt. Chỉ thấp thoáng vài nếp nhà sàn hướng lên đỉnh núi, được bà con dựng thêm bên nhà chính tái định cư bằng bê tông cốt thép. Ban quản lý Dự án Thủy điện Bản Vẽ đã quy hoạch nhà ở cho người Ơ Đu không khác gì bản của những người Kinh, người Thái thuộc vùng dự án.

Dấu lặng buồn dưới chân Pu Lũng

Lớp học tiếng Ơ Đu của thầy Lò Văn Khay 

Trưởng bản Lò Hồng Phong cho biết, bản mới thiết kế không đúng với phong tục của bà con, nên họ mới chỉ tạm sinh hoạt ở dưới sàn chứ chưa vào ở. Bởi đối với đồng bào thiểu số, việc xây dựng nhà ở theo tập tục, thói quen sinh hoạt là vô cùng quan trọng, ví như làng bản người Mông thường cấu trúc theo hình vành khăn, người Khơ Mú theo hình tổ chim, còn người Ơ Đu bố trí cư trú theo hình mặt tập... Bởi vậy, những ngôi nhà ở Văng Môn được bà con gọi là "nhà Chính phủ", vì không lưu giữ được truyền thống cấu trúc nhà ở, bản làng. Thêm vào đó là đất sản xuất rất khó khăn, nên rất nhiều bà con ở đây chưa tự túc được lương thực, còn phải dựa vào trợ cấp.

Dù vậy, bên những đường làng được quy hoạch, dưới những mái nhà tái định cư, người Ơ Đu vẫn sống bằng canh tác ruộng rẫy truyền thống. Văng Môn ngày nay vẫn còn đó những nghi thức độc đáo của một cộng đồng cư dân nông nghiệp lâu đời. Họ là dân tộc duy nhất trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam tôn thờ tiếng sấm trong đời sống tâm linh cũng như sinh hoạt thường ngày. Không tính lịch theo trăng sao và mặt trời, người Ơ Đu tính thời gian bắt đầu một năm là ngày có tiếng sấm đầu tiên. Họ mừng năm mới, bắt đầu gieo trồng theo tiếng sấm.

Từ xa xưa, ngày có tiếng sấm đầu tiên, người Ơ Đu sẽ mở hội "Chămprông". Tất cả những việc quan trọng của dòng họ, bản làng đều lấy thời điểm có tiếng sấm vang lên để quyết định. Đứa trẻ khi sinh ra chỉ được chính thức đặt tên và công nhận sự hiện diện của nó khi có tiếng sấm đầu tiên. Người già chết đi cũng phải chờ tiếng sấm thì mới được coi là đã siêu thoát về với Then - Trời.

Theo các khảo cứu, thời hoàng kim của Tiểu quốc Bồn Man, người Ơ Đu sống độc lập với bản sắc riêng. Thế nhưng, biến động của lịch sử đã khiến người Ơ Đu suy thoái, phải sống xen kẽ với người Khơ Mú và Thái. Cùng chung một họ Lò nên người Ơ Đu thường không lấy nhau, mà kết hôn cùng nguời Thái, người Khơ Mú. Có lẽ chính vì yếu tố này, đã khiến cho văn hóa Ơ Đu hiện nay có những ảnh hưởng khá mạnh của những tộc người láng giềng.

Phục trang truyền thống của Ơ Đu cũng không còn nữa. Nam giới Ơ Đu hiện nay mặc áo dài năm thân, cùng kiểu khăn vấn đầu cải tiến, thực chất chịu ảnh hưởng của trang phục người Việt xứ Nghệ từ những năm 40 của thế kỷ trước. Còn trang phục của phụ nữ thì gần giống với trang phục của phụ nữ Thái. Điều này cũng đồng nghĩa với việc vai trò của người phụ nữ Ơ Đu trong cộng đồng rất mờ nhạt. Ðàn ông được quyết định tất thảy các công việc trong nhà, còn người phụ nữ thậm chí không được hưởng cả quyền thừa tự. Từng được thiết lập trong một xã hội có tổ chức cao như Tiểu quốc Bồn Man nhưng sau khi suy thoái, vai trò của các tổ chức như buôn làng, hay dòng họ Ơ Đu giờ đây đã không còn như trước.

Nỗ lực để bảo tồn

Như những cộng đồng sinh sống trên đất Việt, người Ơ Đu dẫu có số dân khiêm tốn nhưng cũng ít nhiều có đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Qua hai cuộc kháng chiến, các dân tộc ở Tương Dương đã chứng kiến và ghi nhận nhiều thanh niên Ơ Đu nhiệt tình tham gia cách mạng và xây dựng quê hương.

Giờ, khi vào thăm những nếp nhà của người Ơ Đu ở Văng Môn, sự ấm êm của cuộc sống mới đã phần nào khỏa lấp hoàn toàn những phai nhạt về bản sắc. Nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống, văn hóa, giáo dục, công tác khuyến nông, khuyến lâm... được triển khai ở những bản người Ơ Đu thời gian qua, đã kéo tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 80% xuống còn 67%.

Dấu lặng buồn dưới chân Pu Lũng

Một ngôi nhà mới của người Ơ Đu

Bên cạnh đó, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Nghệ An phối hợp với Viện Nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ Đại học Vinh, đã triển khai đề tài nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ người Ơ Đu ở Tương Dương. Đề tài đã được nghiệm thu, đánh giá xuất sắc, nhưng sẽ phải có thời gian để đề án ấy thực sự phát huy hiệu quả trong cộng đồng Ơ Đu. Hôm chúng tôi đến Văng Môn cũng nhằm dịp bà con chuẩn bị cúng mừng được mùa. Một không khí rộn ràng lan tỏa trong mùi thơm nồng nàn của những sân thóc mới vàng hươm trước hiên nhà tái định cư.

Qua bao đợt chuyển dời, bản sắc truyền thống cũng dần phai nhạt theo năm tháng, song người Ơ Đu giờ đây vẫn còn giữ được chút di sản của cha ông. Đó là những lớp học ngôn ngữ Ơ Đu mà cộng đồng ở Văng Môn liên tục mở ra cho các lớp con cháu. Với di sản còn lại chỉ trên dưới 200 từ vựng, sự mất mát văn hóa này không chỉ riêng của người Ơ Đu, mà còn là tổn thất rất lớn trong kho tàng ngôn ngữ các dân tộc Việt Nam. Hết lớp này đến lớp khác, những người tâm huyết như ông Lò Văn Khay vẫn cố gắng hết sức mình truyền thụ lại di sản quý báu -  số từ vựng ít ỏi cho các thế hệ Ơ Đu mai sau.

Lịch sử đã đi theo cách riêng của mình. Sự phai nhạt và biến mất của nhiều bản sắc văn hóa đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của con người. Từ những ngày Bồn Man biến mất, không biết bao nhiêu thế hệ người Ơ Đu mới đã lãng quên đi những giai điệu nguồn cội riêng của mình. Tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương xây dựng nhà truyền thống để lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa và khôi phục các hoạt động lễ hội của người Ơ Đu. Song, với hiện trạng của dân tộc Ơ Đu hiện nay thì điều đó thật không dễ dàng gì. Đời sống vật chất hôm nay có thể đã sung túc hơn nhưng để phục hưng lại một bản sắc văn hóa của người Ơ Đu vốn có thì cần hơn cả là bản lĩnh của chính bản thân họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu lặng buồn dưới chân Pu Lũng