Sáng 17/1, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), tưởng niệm những người con đã hy sinh để bảo vệ vùng biển, đảo Hoàng Sa từ ngày Việt Nam xác lập chủ quyền đến nay.
Đến dự buổi lễ có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình; các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện KSNDTC, Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tham dự buổi lễ còn có hơn 150 quan khách là cán bộ các cơ quan Trung ương và địa phương, thân nhân các tử sĩ quân đội VNCH trong trận hải chiến tại Hoàng Sa năm 1974, cùng hơn 150 người dân Lý Sơn là hậu duệ của các đội hùng binh kiêm quản Bắc Hải năm xưa.
Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa được xây dựng theo phương án thiết kế "Người mẹ thắp lửa - Ngọn lửa Tưởng niệm và thắp sáng hy vọng" mang hình ảnh người mẹ đứng trên bờ biển trông ngóng, làm ngọn hải đăng soi sáng cho những người con trở về.
Đây là mô hình thiết kế của kiến trúc sư Trần Văn Dũng, được tuyển chọn từ hơn 100 bản vẽ, mô hình tham gia Cuộc thi phác thảo đồ án thiết kế xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động cách đây hơn một năm.
Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa được xây dựng bằng nguồn xã hội hóa, trên diện tích gần 2 héc ta trên sườn núi Thới Lới, cạnh khu vực Chùa Hang, thuộc xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn. Toàn bộ công trình sẽ được thiết kế thành công viên cộng đồng, mang tính thẩm mỹ và trường tồn với thời gian…
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định: Trải qua các thời kỳ lịch sử, Lý Sơn là nơi tập trung dân binh, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đảo Lý Sơn như một bảo tàng sống về Hoàng Sa với những di tích lịch sử, văn hóa. Đặc biệt là những di chỉ của Triều đình Nhà Nguyễn cho ngư dân Lý Sơn ra khai phá ở đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
“Theo dòng lịch sử, tổ tiên chúng ta đã phát hiện và xác lập chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Thời Chúa Nguyễn đã cử đội hùng binh ra thực thi chủ quyền và khai phá quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đến thời kỳ thực dân Pháp đô hộ VN, chính phủ Pháp đã đưa người ra cai quản Hoàng Sa và xây dựng đài khí tượng Hoàng Sa; sau Hiệp định Geneva, quần đảo Hoàng Sa thuộc sự quản lý của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa và chính phủ VNCH đã cử binh lính ra canh giữ đảo và cử cán bộ là người Việt ra làm việc tại đài khí tượng Hoàng Sa… Tuy nhiên, đến ngày 19 tháng Giêng năm 1974, thì Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, 74 binh sĩ của Việt Nam Cộng hòa đã chiến đấu chống lại, họ đã tử trận, vĩnh viễn nằm lại ở vùng biển đảo này. Sau này nhiều ngư dân của VN đánh bắt cá trên vùng biển thân yêu của tổ quốc đã nương vào quần đảo Hoàng Sa để ẩn náu tránh bão tố và nằm lại đây. Do vậy, công trình thể hiện sự tưởng nhớ đến tổ tiên – những người khai phá, đặt mốc chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; tưởng nhớ đội hùng binh năm xưa và những người Việt Nam đã từng đến đây làm việc và nằm lại tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa”, ông Đặng Ngọc Tùng phát biểu.
Theo ông Đặng Ngọc Tùng, việc chọn Lý Sơn để xây dựng Khu tưởng niệm Hoàng Sa là rất phù hợp và mang nhiều ý nghĩa. Ngày nay, trong tâm thức của người dân Việt Nam, Lý Sơn là tuyến đầu của Tổ quốc. Vì vậy, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, có ý nghĩa thiêng liêng, sâu sắc không chỉ đối với cán bộ và nhân dân Lý Sơn nói riêng và cán bộ, nhân dân và công nhân lao động cả nước để tưởng niệm, tri ân và biết ơn những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, thể hiện đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. "Tôi hy vọng rằng, Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa sau khi hoàn thành sẽ trở thành một trong những công trình lịch sử, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước" - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ.
Việc xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi còn thể hiện tấm lòng của đồng bào, chiến sĩ cả nước luôn đồng hành, kề vai sát cánh cùng bà con ngư dân Lý Sơn, giúp bà con yên tâm tiếp tục bám biển đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; nhắc nhở thế hệ mai sau về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ, việc đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa là cách thể hiện tấm lòng, nghĩa cử của nhân dân cả nước tri ân tiền nhân đã dâng hiến cuộc đời mình để giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
"Đây là biểu tượng thắp lên niềm tin son sắt; khẳng định với thế giới và nhắn gửi đến các thế hệ mai sau Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam", ông Chữ nhấn mạnh.
Đúng vào lúc 10h sáng, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa chính thức diễn ra. Phần lễ chính đặt viên đá đầu tiên qua thao tác bỏ cát lấy từ biển Hoàng Sa vào chân viên đá do ông Đặng Ngọc Tùng cùng các bộ, ngành trương ương và địa phương thực hiện. Sau đó, người dân huyện Lý Sơn đã thành kính bỏ cát vào viên đá, như nén hương hồn dâng lên anh linh các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền của Tổ quốc.
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trao tiền hỗ trợ cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển
Tại buổi lễ, thể hiện tấm lòng tri ân và tình cảm sâu sắc luôn hướng về những người lính và ngư dân huyện đảo đã ngày đêm bám biển, thầm lặng hi sinh để bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc. Nhằm động viên, tiếp sức cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Lực lượng Cảnh sát Biển đang ngày đêm vững vàng tay súng nơi đầu sóng ngọn gió, canh giữ biển đảo của Tổ quốc; đồng thời, đồng cảm và sẻ chia với hoàn cảnh khó khăn, sống xa đất liền của các cháu học sinh con em ngư dân huyện đảo Lý Sơn, tạo điều kiện, tiếp sức cho các cháu đến trường, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cùng Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải đã trao quà tặng cho các lực lượng vũ trang huyện đảo Lý Sơn và các con em ngư dân nghèo học giỏi.
Dịp này, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động chương trình kêu gọi toàn thể cán bộ, viên chức người lao động và nhân dân cả nước nhắn tin góp 1 viên gạch xây dựng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa với cú pháp HS gửi 1407. Mỗi tin nhắn ủng hộ chương trình 20.000 đồng.