Là một trong những địa phương được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng của cơn bão số 6 (bão Trà Mi), chính quyền cùng người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tích cực triển khai nhiều phương án phòng, chống để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Chiều 26/10, trao đổi nhanh với phóng viên Báo Công lý, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) Phạm Thị Hương, cho biết: Đến thời điểm hiện tại công tác phòng, chống bão số 6 của địa phương đã hoàn thành, tàu thuyền của ngư dân đã vào nơi neo đậu an toàn, lồng bè nuôi trồng thủy sản được đưa vào cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn, lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp cùng chính quyền địa phương để giúp đỡ người dân chằng chống nhà cửa.
“Đến thời điểm hiện tại các phương án như đưa tàu thuyền, lồng bè và chằng chống nhà cửa của người dân cũng như phân công cán bộ trực đã hoàn thành và đảm bảo”, bà Hương thông tin.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, phần lớn nhà cửa của người dân địa phương đa phần là nhà kiên cố, chỉ còn một số hộ dân chưa đảm bảo, nên huyện cũng đã phân công chỉ đạo cho thôn trong trường hợp có gió to, sóng lớn sẽ đưa số hộ dân này vào những nơi an toàn như trạm kiểm soát, trạm y tế thôn và ở xen ghép với nhà người thân được xây dựng kiên cố.
Trong khi đó, tại huyện Bình Sơn, ngay từ sáng sớm ngày 26/10, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Hải và Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Dung Quất (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi) đã sử dụng bao cát gia cố mái, chằng chống nhà ở cho các hộ dân khu vực ven biển.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), cho biết, UBND tỉnh cấm biển từ 10 giờ hôm nay (26/10). Tuy nhiên, một số phương tiện tàu thuyền của ngư dân ở xã Bình Hải vẫn tranh thủ ra biển đánh bắt trước lệnh cấm. Do đó, UBND huyện đã yêu cầu UBND xã này phối hợp với lực lượng chức năng thống kê, rà soát, khẩn trương kêu gọi các tàu thuyền này sớm vào nơi tránh trú an toàn.
“Chúng tôi cũng yêu cầu Đồn Biên phòng ở các xã ven biển, đặc biệt là xã Bình Hải khẩn trương rà soát số phương tiện vẫn còn đang hoạt động, đồng thời cử lực lượng tuyên truyền, túc trực 24/24, tuyệt đối không cho ngư dân ra khơi để đảm bảo an toàn tính mạng, nếu có trường hợp bất chấp sẽ lập biên bản xử phạt”, ông Hiền cho biết thêm.
Cũng theo ông Hiền, UBND huyện Bình Sơn cũng đã thành lập nhiều đoàn để tập trung ứng phó với bão, trong sáng 26/10 những thành viên trong ban chỉ đạo và lãnh đạo UBND huyện đã trực tiếp xuống cơ sở, nhất là các xã ven biển để chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống bão.
Liên quan đến diễn biến cơn bão số 6, theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, hồi 13 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 440km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 15, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 20km/h.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió bắc đến tây bắc cấp 6-7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2 đến 4m. Khả năng từ chiều tối và đêm 26/10 có gió bão mạnh dần lên cấp 8-9, giật cấp 10-11, sóng biển cao 3 đến 5m; vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, giật cấp 11, 12, sóng biển cao 4 đến 6m; biển động dữ dội.
Trên đất liền khả năng từ chiều tối và đêm 26/10, vùng ven biển có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8; vùng gần tâm bão cấp 7, giật cấp 8-9.
Toàn bộ tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy hải sản trên vùng biển và khu vực biển ven bờ đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn. Đề phòng nguy cơ sạt lở đê, kè biển tại vùng ven biển do tác động của sóng lớn và nước dâng do bão.
Khả năng từ chiều 26 đến 28/10 khu vực tỉnh Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa dự báo ở khu vực các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, TP. Quảng Ngãi, Trà Bồng, Sơn Hà và huyện đảo Lý Sơn phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm; khu vực huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, thị xã Đức phổ biến 150-350mm, có nơi trên 400mm; khu vực huyện Minh Long, Ba Tơ, Sơn Tây phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350 mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất ở khu vực vùng núi. Trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.