Các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã nhen nhóm trở lại, tuy nhiên vẫn còn mối lo canh cánh khi giá trị đáo hạn 5 tháng cuối năm lên tới 132.637 tỷ đồng...
Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng hợp từ HNX và SSC, trong tháng 7/2023, có 14 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 5.180 tỷ đồng và 7 đợt phát hành ra công chúng trị giá 7.500 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 78.988 tỷ đồng, gồm 17 đợt phát hành công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 20,8% tổng giá trị phát hành) và 63 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 62.512 tỷ đồng (chiếm 79,2% tổng số).
Trong đó, ngành ngân hàng chiếm đa số với 28.631 tỷ đồng (chiếm 36,2%), theo sau là nhóm bất động sản với 26.055 tỷ đồng (chiếm 33%). Các đợt phát hành của nhóm ngân hàng hầu hết chỉ mới được phát hành kể từ cuối tháng 6.
Trong tháng 7, các doanh nghiệp đã mua lại 20.533 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 5 tháng cuối năm 2023, ước tính sẽ có khoảng 132.637 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.
Hiện nay thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô.
Nguyên nhân là bởi quản lí, sử dụng dòng tiền trong đòn bẩy tài chính còn chưa hợp lí. Ngoài ra, có một số vi phạm, sai phạm trên thị trường thì ngành công an đã xử lí. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu chưa bền vững về cơ cấu, đa số nghiêng về thị trường rủi ro như bất động sản. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn về tài chính sau đại dịch COVID-19, do đó trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, thị trường gặp khó khăn còn do nguyên nhân pháp lí, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lí, chưa phù hợp khi những sản phẩm nhà ở giá thấp còn bất hợp lí, nhà giá cao quá nhiều. Cùng với đó, năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế.