Sau vụ đảo chính quân sự bất thành đêm 15/7 vừa qua, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành thẩm vấn khoảng 70.000 người và đang tạm giam 32.000 đối tượng trong số này để mở rộng điều tra.
Những người bị bắt giữ liên quan đến đảo chính. Ảnh: AFP
Ngày 28/9, phát biểu trên kênh truyền hình NTV, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag nêu rõ, có thể sẽ có thêm các vụ bắt giữ mới và nhiều đối tượng có thể được trả tự do hoặc bị theo dõi vì lý do an ninh. Dự kiến trong thời gian tới, các phiên tòa xét xử sẽ diễn ra tại nhiều thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ.
Kể từ sau vụ đảo chính bất thành nói trên, Chính quyền Tổng thống Tayip Erdogan đã tiến hành chiến dịch truy bắt các đối tượng tình nghi liên quan, sa thải hoặc đình chỉ công tác khoảng 100.000 người thuộc quân đội, công chức, cảnh sát, ngành tư pháp, với cáo buộc liên quan tới giáo sĩ Fethullah Gulen. Mới đây nhất, ngày 27/9, Ankara đã tuyên bố thanh lọc 87 nhân viên tình báo thuộc Cơ quan Tình báo quốc gia (MIT) - một cơ quan đầy quyền lực ở nước này. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những người ủng hộ ông Gulen đã thâm nhập các cơ quan nhằm tim cách lật đổ chính quyền. Tuy nhiên, ông Gulen đã bác bỏ các cáo buộc của Ankara và cũng lên án vụ đảo chính.
Trung tuần tháng 9 này, Thổ Nhĩ Kỳ đã lần đầu tiên chính thức yêu cầu Mỹ bắt giam giáo sĩ Gulen sau khi đã nhiều lần gửi cho Washington các tài liệu chứng minh giáo sĩ nói trên liên quan âm mưu đảo chính. Washington cam kết sẽ hợp tác với Ankara trong vấn đề này, tuy nhiên nêu rõ tiến trình cần phải được thực hiện theo đúng luật pháp Mỹ.