Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: "Kịch" chưa hạ màn và bàn tay Putin?

Nhật Minh| 20/07/2016 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nỗ lực đảo chính ở Istanbul đêm 15/7 chỉ là sản phẩm dàn dựng? Có hay không bàn tay Putin trong vở kịch chưa hạ màn tại Thổ Nhĩ Kỳ? Ẩn số này có liên quan đến 42 chiếc trực thăng "bốc hơi" bí ẩn?

Giới học giả tỏ ra hoài nghi trước nỗ lực đảo chính quân sự bất thành tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đêm 15/7. Theo họ, đây là một vở kịch có kịch bản hoàn hảo được một nhà biên kịch tài ba với tài “xuất quỷ nhập thần” chắp bút; và ở đó, Tổng thống Recep Tayyib Erdogan vừa làm đạo diễn kiêm diễn viên chẳng kém những minh tinh sáng giá của thể loại phim hành động là bao.

Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ:

Cuộc binh biến diễn ra bất ngờ, kết thúc chóng vánh. Trong ảnh, người dân vui mừng trước thất bại của của phe đảo chính

Đảo chính bất ngờ, thua chóng vánh

Tất nhiên chẳng phải khi truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là trang tin uy tín như Nhật báo Hurriyet đặt giả thiết, mà nghi ngờ đó đã nảy sinh ngay từ khi cuộc binh biến đang diễn ra, khi ông Erdogan đang “ở một nơi nào đó” an toàn, còn Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thì… bị bắt làm con tin.

Thế rồi, giữa tình hình hỗn loạn của đất nuớc, Tổng thống Erdogan dùng FaceTime trên iPhone để phát đi thông điệp kêu gọi dân chúng chống lại cuộc đảo chính. Và ông đã thành công.

Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ:

Tổng thống Erdogan dùng Facetime để làm yên lòng dân, đồng thời kêu gọi người dân đứng dậy chống lại cuộc đảo chính

Nỗ lực đảo chính được đẩy lui. Người dân vui mừng reo hò trước chiến thắng của chính quyền Ankara… Tất nhiên, uy tín của nhà lãnh đạo vốn bị cả thế giới quay lưng bởi những phát ngôn gây shock, những quyết định khó tin - như bắn rơi Su-24 của Nga cùng tuyên bố, nếu có ai đó phải xin lỗi, thì đó không phải là Ankara - đã tăng lên một bậc.

Theo Hurriyet, đích thân Tổng thống Erdogan đã phê duyệt các vụ bắt giữ gần 3.000 sĩ quan. Trong số này có không ít tướng lĩnh chỉ huy quân đội, nắm giữ chức Tư lệnh các quân, binh chủng và các quân đoàn chủ lực, nhằm mục đích xóa sạch các chân rết của phong trào Gulen.

Theo Hurriyet, nỗ lực đảo chính vừa qua chẳng qua chỉ là “phản ứng tự cứu mình” của một nhóm giới chức quân đội nước này, trước chiến dịch “bàn tay sắt” - thanh trừng quân đội hàng loạt - của Tổng thống Erdogan. Nói cách khác, nó chỉ là một hành động tự phát, một phản ứng “giãy giụa” trước thời khắc nguy kịch, và vì thế, đó không phải là một cuộc đảo chính mang đúng ý nghĩa của nó. Nhưng tại sao đội quân thực hiện “sứ mệnh” đảo chính lại phải tự cứu mình để rồi rơi vào chỗ chết?

Điểm mấu chốt mà Hurriyet chỉ ra chính là, theo lệnh của ông Erdogan, vào lúc 4h00 sáng ngày 16/7 (giờ Istanbul), lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch bắt giữ hàng loạt đối với các nhân vật quân sự và dân sự chủ chốt. Thế nhưng, không hiểu vì sao, kế hoạch đã bị… rò rỉ (?). Vậy là, vài giờ trước khi cuộc thanh trừng diễn ra, các chỉ huy lực lượng Không quân và Hiến binh Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định “tự cứu mình” bằng ra tay hành động.

Quyết định tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Tổng thống Erdogan quá bất ngờ, quá gấp gáp, phe này không thể tập hợp lực lượng ủng hộ, không được trang bị vũ khí, trang thiết bị đầy đủ, trong khi nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đang quá chán ngán cảnh sống nơm nớp lo sợ khủng bố có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kết cục thất bại là điều không tránh khỏi đối với phe đảo chính.

Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ:

Theo lời kêu gọi của Tổng thống Erdogan, những người dân xuống đường biểu tình phản đối cuộc đảo chính.

Mà con mồi khi đã bấn loạn thì lại càng giãy giụa, càng nhanh mất sức, càng dễ làm liều và… càng nhanh chết. Cuối cùng, kế “tiên phát chế nhân” (tên gọi của kế ra tay trước để giành ưu thế trước đối phương trong 36 kế sách Tôn Tử) của nhóm đảo chính chẳng những không thể cứu họ mà còn đẩy họ đi vào cửa tử nhanh hơn.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang

Chính quyền Tổng thống Erdogan đã giành chiến thắng trước phe đảo chính. Tuy nhiên, niềm vui đó chẳng đáng gì so với mối lo mà nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang mang.

Ít nhất 42 chiếc trực thăng đã bỗng dưng “bốc hơi” khỏi tầm mắt của quân đội nước này. Giới phân tích dự đoán, nguy cơ một cuộc binh biến tiếp theo nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Erdogan có thể xảy ra trong thời gian tới.

Lo ngại hơn, số trực thăng mất tích kể trên xuất phát từ căn cứ không quân Incirlik. Đây là nơi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang duy trì khoảng 90 vũ khí chiến thuật hạt nhân; đồng thời là nơi Không quân Mỹ đang đồn trú để thực hiện chiến dịch không kích Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Sự cố làm dấy lên nguy cơ mất an toàn hạt nhân, bởi không thể loại trừ khả năng những vũ khí này bằng cách nào đó có thể rơi vào tay các phần tử khủng bố.

Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ:

Giải quyết vấn đề "hậu đảo chính" mới là điều cần bàn lúc này đối với Tổng thống Erdogan

Trong khi đó, Tổng thống Erdogan lại đang đau đầu với kế hoạch “xử lý” những người có liên quan đến cuộc đảo chính. Theo ông, “sau quá nhiều vụ khủng bố đẫm máu, người dân lúc này muốn những kẻ khủng bố phải bị kết liễu”. Song, việc áp dụng hình phạt tử hình lại cần được Quốc hội thông qua.

Nhưng hẳn Tổng thống Erdogan chưa quên, việc Ankara bãi bỏ án tử hình đối với các tội hình sự trong thời bình vào năm 2002, chính là một điều kiện nằm trong nỗ lực cải cách nhân quyền để được gia nhập Liên minh châu Âu (EU)? Không chỉ có vậy, tìm ra 42 chiếc máy bay trực thăng kể trên mới là bài toán hóc búa của ông Erdogan cần phải giải quyết. Bởi, trong mắt NATO, một “đứa con hư” như Thổ Nhĩ Kỳ, ngỗ nghịch tới mức bắn rơi Su-24 của Nga, thì để mất 42 chiếc trực thăng là điều không thể nào chấp nhận!

Là kịch, ắt có “lớp lang”

Thế nhưng, nếu đã từng cho rằng nỗ lực đảo chính tại Istanbul đêm 15/7 là một sản phẩm dàn dựng có chủ đích, thì lời tiên đoán về nguy cơ một cuộc binh biến tiếp theo cũng không nằm ngoài kịch bản đã được vạch sẵn từ ban đầu. Nói cách khác, kịch muốn hấp dẫn thì phải có lớp lang, chương hồi.

Hãy cùng nhìn lại bối cảnh đất nước Thổ Nhĩ Kỳ suốt hơn một năm qua. Đánh bom, tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Moscow và Ankara, cũng như giữa Ankara với phương Tây xấu hơn rất nhiều kể từ khi ông Erdogan quyết định cho bắn hạ chiếc máy bay Su-24 của Không quân Nga hồi năm ngoái.


Theo Kremlin, ngày 17/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin  có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ  Recep Tayyip Erdogan. Về sự cố đảo chính, ông Putin lưu ý rằng Nga dứt khoát bác bỏ hành động chống hiến pháp và bạo lực.

Thế rồi, bỗng một ngày, khi cả thế giới đang quay cuồng lo lắng về tương lai hậu Brexit, ông Erdogan bất ngờ gửi thư cho người đồng cấp xứ Bạch Dương với nội dung khiến ai nấy đều… choáng váng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã “hoàn thành cuộc đầu hàng” trước Tổng thống Nga, một chuyên gia bình luận.

Lời xin lỗi đưa ra ở thời điểm bất ngờ đến mức không thể không nghi ngờ của Tổng thống Erdogan làm dấy lên nhiều đồn đoán về một toan tính cũng như những tình huống bất ngờ xảy đến trong tương lai. Một vài chuyên gia có xu hướng chỉ trích Tổng thống Putin đã soi lại lịch trình của ông và nhận thấy điểm trùng khớp đến bất thường về quãng thời gian ông chủ Điện Kremlin “biến mất bí ẩn”.

Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ:

Tổng thống Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Erdogan sau cuộc đảo chính xảy ra tại Istanbul hôm 15/7.

Theo thông báo của người phát ngôn Điện Kremlin, Tổng thống Vladimir Putin đã hủy một loạt các cuộc gặp đã định từ ngày 5/7. Ông cũng không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 1/7. Thời điểm này trùng với thời gian hai nhà lãnh đạo Nga - Thổ điện đàm, thậm chí còn hẹn sẽ gặp nhau để nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước…

Ông Putin đã đi đâu và làm gì? Sự biến mất lần này của ông không khiến truyền thông sốt sắng như trước. Ít câu hỏi nghi vấn và cũng ít giả thiết được đưa ra liên quan đến hành tung bí ẩn của cựu điệp viên KGB hơn. Thế nhưng, khi cuộc binh biến ở Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ xảy ra, và bất ngờ bị dập tắt nhanh chóng, theo như thông báo của Tổng thống Erdogan, thì một câu hỏi đặt ra là, liệu ông Putin có liên quan?

Còn nữa, thực chất việc 42 chiếc trực thăng bốc hơi bí ẩn là gì? Sự cố này sẽ khiến Tổng thống Erdogan bị bẽ mặt khi NATO nhất quyết loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi ngôi nhà chung của liên minh, hay sẽ được hóa giải êm xuôi? Một khi có câu trả lời rõ ràng, chúng ta sẽ có thêm căn cứ để từ bỏ hoặc theo đuổi giả thiết ban đầu: Nỗ lực đảo chính “kịch hay không kịch”, và “Putin hay không Putin”?

Tất nhiên, như trên đã nói, đó chỉ là giả thiết. Suy đoán dựa trên việc móc nối các sự kiện được cho là có liên quan đến nhau không thể nói lên được điều gì khi không có bằng chứng rõ ràng. Và với một Tổng thống vốn xuất thân là điệp viên KGB như ông Putin, tìm bằng chứng ư? Đừng hi vọng!

Cuộc đảo chính quân sự ở Istanbul xảy ra đêm 15/7 nhằm chiếm quyền của Tổng thống Erdogan. Đây là cuộc đảo chính mới nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ thập niên 1980. Sáng 16/7, chính phủ tuyên bố tình hình đã hoàn toàn được kiểm soát.

265 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt hơn 6.000 người bị cho là liên quan đến đảo chính, bao gồm 103 sĩ quan cấp tướng và đô đốc. Bộ Nội vụ nước này cũng sa thải gần 9.000 cảnh sát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: "Kịch" chưa hạ màn và bàn tay Putin?