Trong năm 2013, với sự nỗ lực của tập thể và cán bộ, toàn ngành TAND đã giải quyết được 364.819 vụ án các loại trong tổng số 395.415 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 92,3%)...
Đây là con số ấn tượng được nhiều ĐBQH đánh giá cao về trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung.
Kết quả từ sự nỗ lực
Từ kết quả thực tế trên và báo cáo của ngành Tòa án cho thấy, số lượng các vụ án hình sự tăng hơn cùng kỳ năm trước tập trung vào các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, như: Giết người, hiếp dâm trẻ em và các tội xâm phạm sở hữu, như: Cướp tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Tình trạng tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ diễn ra nghiêm trọng, chủ yếu liên quan tới hoạt động thanh toán, trả thù lẫn nhau giữa các băng nhóm tội phạm. Tội phạm giết người, đặc biệt là giết người do nguyên nhân xã hội chưa được kiềm chế, nhiều vụ án xuất phát từ những mâu thuẫn bột phát, nhất thời, đối tượng gây án là người phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự chiếm tỷ lệ cao.
Tội phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn diễn ra phức tạp ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, gây thiệt hại lớn về tài sản, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng. Đặc biệt, ma túy là loại tội phạm gây bất ổn, nhức nhối xã hội vẫn chưa giảm mà tính chất ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ án có quy mô lớn; xu hướng mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp dạng “đá” gia tăng, nhất là ở các thành phố lớn…
Kết quả công tác của ngành TAND năm 2013 được nhiều ĐBQH đánh giá cao và ghi nhận
Mặc dù phức tạp và lượng án lớn như vậy nhưng trong năm qua chưa phát hiện có trường hợp nào kết án oan người không có tội; chất lượng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được nâng lên. Số lượng phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vụ án, tăng hơn cùng kỳ năm 2012 là 1.873 vụ. Nhìn chung, việc xử phạt tù nhưng cho các bị cáo được hưởng án treo đều đảm bảo có căn cứ pháp luật (99,3% các bị cáo được hưởng án treo không bị Tòa án cấp trên sửa hoặc hủy án).
Công tác thi hành án hình sự cũng đươc quan tâm chỉ đạo kịp thời của TANDTC và TAND các cấp. Năm 2013, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án hình sự đối với 128.887 người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 99,7%; ra quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho 52.159 phạm nhân do cải tạo tốt. Về cơ bản, việc ra các quyết định thi hành án hình sự đảm bảo kịp thời, không để quá hạn luật định; việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đều có căn cứ theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo cho phán quyết của Tòa án phải được nghiêm chỉnh chấp hành, các Toà án đã thường xuyên chủ động phối hợp với VKS và cơ quan Công an rà soát danh sách những người đã có quyết định thi hành án phạt tù hiện còn tại ngoại chưa bị bắt thi hành án để đôn đốc bắt thi hành án; đồng thời làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong việc quản lý các đối tượng thi hành án treo, cải tạo không giam giữ ở địa phương.
Cần giảm chỉ tiêu để phù hợp với thực tế
Nhiều ĐB đánh giá, ngành Tòa án cũng đã rất tích cực trong công tác xét xử và thi hành án hình sự, song cũng băn khoăn về hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc như hiện nay. Nhiều vụ án trọng điểm gây bức xúc dư luận kiểu giết người đốt xác phi tang... các bị cáo bị tuyên án tử hình, Tòa án các cấp xét xử khẩn trương và ra quyết định thi hành án kịp thời nhưng bị kéo dài đến nay 2-3 năm vẫn chưa thi hành được vì không có thuốc, đến nay cả nước mới chỉ tử hình được 3 trường hợp.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn: Làm thế nào để việc thực thi pháp luật kịp thời, nghiêm minh để đảm bảo tính răn đe? Luật Thi hành án hình sự và việc tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc được thông qua 2009, có hiệu lực 2010 và dành cho Bộ Công an một năm thử nghiệm. Vậy mà kéo dài cho đến nay mới xử được một người, cuối năm nay thêm hai người là ba. Trong khi tổng số phải thi hành án tử hình khoảng gần 700 người. Vì vậy, đề nghị QH sửa luật về lựa chọn biện pháp tử hình sao cho phù hợp với thực tế. Ông Sơn cũng cho biết, khi thông qua luật, ông là một trong những ĐB không đồng tình với việc chuyển hình thức tử hình từ xử bắn sang tiêm thuốc độc.
Tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cũng đã đánh giá cao những kết quả mà ngành Tòa án đã đạt được trong năm 2013. Trong năm nay, mặc dù tình hình tội phạm diễn biến phức tạp và tất cả các loại tội phạm đều tăng nhưng vẫn đạt và vượt chỉ tiêu công tác. Lãnh đạo TANDTC và TAND các cấp đã có nhiều biện pháp tích cực triển khai trong toàn ngành thực hiện toàn diện các vấn đề chuyên môn, tổ chức cán bộ… Tuy nhiên, nếu so với một số chỉ tiêu theo Nghị quyết 37 của Quốc hội ban hành thì ngành Tòa án vẫn chưa đạt được.
Nhận định tương đối thẳng thắn của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình kết quả thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội về một số chỉ tiêu chưa đạt được là tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi của Thẩm phán tuy có giảm nhưng chưa được như mong muốn, nhất là trong giải quyết các vụ án hành chính, ĐB Trịnh Thanh Bình (Bến Tre) cho rằng, đây là vấn đề hết sức bình thường và nên hiểu một cách đầy đủ, toàn diện vấn đề này.
Trong khi bối cảnh tình hình tội phạm rất phức tạp, với nhiều loại tội phạm mới, thủ đoạn, mánh lới hết sức tinh vi... thì hệ thống pháp luật của chúng ta lại đang trong quá trình phát triển, chưa hoàn thiện và có nhiều bất cập, mâu thuẫn chồng chéo. Chẳng hạn, chỉ tính riêng Luật Đất đai cũng có tới hơn 600 văn bản hướng dẫn thi hành ở các cấp độ, lĩnh vực khác nhau của các cơ quan liên quan. Chưa kể, những cái sai, phần lỗi đó nhiều khi bắt nguồn từ phía quản lý Nhà nước (như cấp sổ đỏ sai, ra quyết định hành chính sai...); các vụ việc, nhất là hành chính, dân sự trước khi kiện ra Tòa đều qua các cơ quan, cá nhân khác nhau xử lý bằng ý thức chủ quan của con người (có thể đúng hoặc sai)... đều có tác động rất lớn đến hiệu quả trong công tác xét xử của ngành Tòa án. Những phán quyết của Tòa án căn cứ vào pháp luật và thực tiễn, trong khi pháp luật chưa đầy đủ, hoàn thiện thì có độ dung sai cũng là điều dễ hiểu.
Nhiều ĐB khác cũng có chung quan điểm này, ngoài ra theo thống kê, hiện có tới 50% văn bản luật, hoặc hướng dẫn bị nợ chưa được ban hành, điều này đồng nghĩa với việc 50% pháp luật chưa đi vào cuộc sống. Như vậy với những văn bản pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo đã khổ, đã khó cho cơ quan áp dụng pháp luật thì cộng với cái thiếu này nữa sẽ vô cùng khó khăn. Vậy nên, nhiều ĐB cũng đã bày tỏ ý kiến đề nghị Quốc hội giảm chỉ tiêu này xuống để cán bộ yên tâm phấn đấu và cống hiến.
Mai Thoa