Khi tuyên thệ để trở thành công dân Mỹ, lồng ngực Khánh Ly bỏng rát, nước mắt ứa ra như trẻ thơ. Hai tiếng Việt Nam sẽ là vùng trời thương nhớ và ôm mong muốn trở về, để rồi nửa thế kỷ sau đứng hát trên quê hương vẫn là niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Những ngày bôn ba đất khách, rong ruổi đem tiếng hát để kết nối những thân phận, những trái tim Việt Nam tại hải ngoại, Khánh Ly chưa một ngày quên quê hương đất mẹ. Trong chuyến lưu diễn từ thành phố Melbourne về Syney (Úc), trên chiếc ô tô chạy cô đơn lặng lẽ, nằm dài để chờ đợi điểm đến, bỗng nhiên anh lái xe mở hai ca khúc Quê Hương cùng Thuyền và Biển. Một không gian đặc quánh nỗi nhớ. Và Khánh Ly khóc. Thương thân phận phiêu bạt, nhớ góc phố cũ, nhà xưa.
Khi nghĩ về Khánh Ly, tôi nghe Phố nghèo của Trần Tiến, ông viết những lời giản dị nhưng đầy khát vọng: Mẹ cầu mong Đức Phật Quan Âm, phù hộ cho con phiêu bạt trở về. Hà Nội và phố cũ gần như là một nỗi ám ảnh rất lớn, một nỗi nhớ không thể nguôi ngoai đối những người lên chuyến tàu số phận, phải rời xa phố cũ kỷ niệm. Trong đó có Khánh Ly. Ai cũng mong có ngày trở về dù trong chốc lát. Mấy ai được như Phú Quang, trở về và kiêu hãnh vinh quang.
Cũng trong những cuộc vội vã trở về ấy, tâm điểm báo giới dành cho Khánh Ly, bên cạnh mối quan tâm cho một đời sống hải ngoại đầy bí ẩn là mối quan hệ với Trịnh Công Sơn. Bởi lẽ, chỉ Khánh Ly và cũng duy nhất Khánh Ly gắn bó với nhạc sỹ và những bản Trịnh ca len lỏi và bất diệt trong đời sống tinh thần của người Việt như một giá trị khắc màu lịch sử, và đời sống văn hoá đương đại.
Người ta tò mò về mối quan hệ của nữ hoàng chân đất với Trịnh Công Sơn và đem những thêu dệt, đồn đoán hỏi Khánh Ly. Tưởng chừng trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” nhưng, Khánh Ly đã không ôm ảo mộng danh tiếng để nhận mình từng là tình nhân bé bỏng của Trịnh. Chỉ xin được nương tựa dưới cái bóng quá lớn của ông và luôn nhắc đời mình may mắn khi được Trịnh Công Sơn vẽ nên hình hài nghệ sỹ. Trong khi ngoài kia, có những người tiếp tục tiểu thuyết hoá mối quan hệ của mình với nhạc sỹ Diễm xưa.
“Nếu người ta tin là tình yêu thì đã không hỏi” – Khánh Ly trả lời một cách hóm hỉnh khi được hỏi về người anh tinh thần. Có lẽ, Trịnh Công Sơn là góc đẹp đẽ bậc nhất trong trái tim nữ danh ca nên trừ những bài phỏng vấn, gọi đích danh Trịnh Công Sơn mà câu trả lời khiến cho sự tò mò lớn lên gấp bội, không mấy ngạc nhiên khi đọc hết cuốn tản văn Đằng sau những nụ cười của Khánh Ly, thấy bà thi thoảng lại dùng ca từ trong sáng tác của Trịnh trong một bài để ngụ ý về điều gì đó mà ngôn ngữ bất lực, để thấy Trịnh thật gần gũi và là hơi thở trong đời sống của Lệ Mai thì tuyệt nhiên không nhắc đến Trịnh Công Sơn trong những bài viết với hình thức ca ngợi hay kể chuyện xưa. Dù Khánh Ly dành cả những bài viết riêng về nhạc sỹ Trầm Tử Thiêng, Ngô Mạnh Thu hay bạn đồng hành Quang Thành. Ở một vài mẩu chuyện, ký ức Đà Lạt, và về Trịnh Công Sơn hiện lên, người đọc biết chắc là vậy, nhưng Khánh Ly lại không nhắc đến tên ông, chỉ gọi là anh. Mối quan hệ đẹp đẽ ấy, không để câu khách hay thương mại hoá.
Nhưng, cuộc trở về, Khánh Ly đã men theo kỷ niệm, những giao ước với Trịnh để hát trên quê hương, ở khắp nơi mảnh đất này, cho hai tiếng Việt Nam, người dân lao động và sinh viên. Ở tuổi 73, chân cà nhắc vì đau vẫn đội mưa hát cho sinh viên Huế, vẫn hoà nhịp yêu thương với những thân phận bất hạnh ở viện K, viện Tâm Thần. Và tất nhiên, không thể bỏ qua một phần âm nhạc rất quan trọng là tình ca Trịnh Công Sơn và những ca khúc da vàng.
Còn nhớ, khi biên tập đêm nhạc 55 năm hát tình ca, người ta đã muốn cắt bỏ một phần tác phẩm để Khánh Ly đỡ mệt nhưng bà không đồng ý. Giống như con tằm nhả tơ, bà muốn dành tặng khán giả tất cả tim yêu của đời mình, để cháy trên sân khấu như lần đầu tiên hát Ngày trở về (Phạm Duy) bên tiếng đàn mandolin của bố. Một cuộc phiêu bạt trở về trong nghệ thuật và ký ức sẽ còn kéo dài nữa những khát vọng. Để không bao giờ phải nói Như một lời chia tay.
Phải nói, trong những lần gần đây, nghe Khánh Ly trong những đêm nhạc, mới nhận ra sức hấp dẫn của bà không chỉ trong giọng hát gần như không suy suyển vẻ đẹp đẽ của thanh âm dù qua những thăng trầm thời gian mà còn đến từ những câu chuyện được bà kể bằng những trải nghiệm và kiến thức năng tích luỹ. Khánh Ly trong câu chuyện của mình đem đến một tinh thần lạc quan đến ngạc nhiên. Bà chưa từng trách móc hay nói về những yếu điểm của ai.
Mỗi khi hát xong, chui vào cánh gà, Khánh Ly lại mải miết đọc sách. Quang Thành người thân cận của Khánh Ly nói, bà mà đọc sách lại chẳng thèm ngủ, đọc suốt đêm. Mỗi lần về nước là ôm một va li sách mới sang Mỹ. Từ tự ti về một Lệ Mai không được học hành tử tế, thấy cách Khánh Ly lập ngôn trong các cuộc trò chuyện và trong sách bà viết, người ta tin rằng, bà đã có một cuộc cách mạng đáng trân quý trong cuộc đời mình. May mắn với Khánh Ly là cuộc hạnh ngộ với Trịnh, Nguyễn Hoàng Đoan và những mối quan hệ của họ đều là giới tri thức. Và họ đã giúp Khánh Ly, 74 tuổi vẫn cực kỳ hấp dẫn dù ở vai trò người hát hay kể chuyện rong thời đại.
Tháng 8 này, Khánh Ly lại trở về, trong nỗi ngóng chờ của khán giả. Để tiếp tục hát trên quê hương trong show diễn tại Hà Nội vào 12 và 15/8. Để là người kể chuyện rong và khoả lấp niềm mơ ước, nỗi nhớ và kỷ niệm. Để xoè bàn tay nối những bàn tay nhân ái. Vì biết đất nước mình cần một trái tim. Ai đó đã tung ra một tin đồn ác ý, rằng Khánh Ly đã qua đời dù bà đang khoẻ mạnh và chuẩn bị tích cực cho show diễn. Khánh Ly cũng cần những trái tim yêu thương để không còn cảm giác phiêu bạt. Và để khúc ca Như một lời chia tay chỉ là kỷ niệm đẹp và cuộc hạnh ngộ yêu thương. Để thấy những lần gặp gỡ là hiếm hoi và đáng trân quý!