Năm 2008, khi ông Trần Anh Hào lên tiếp nhận vị trí TGĐ, Công ty TNHH Việt Nam Gạch men - Thạch Anh (gọi tắt Công ty Vicera) có hai dây chuyền sản xuất đang “ăn nên làm ra”. Thế nhưng, sau 5 năm điều hành, ông Hào đã đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.
Đó là sự thật được phơi bày tại phiên tòa xét xử vụ án khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh tại Bình Dương.
TAND tỉnh Bình Dương vừa đưa ra xét xử vụ án hành chính giữa người khởi kiện là ông Trần Anh Hào và người bị kiện là Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Dương. Theo đó, HĐXX đã hủy giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 8 của Công ty Vicera vì cho rằng chưa đảm bảo thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, cũng qua phiên tòa này, sự thật đã hé lộ toàn bộ nguyên nhân vì sao ông Trần Anh Hào bị bãi nhiệm chức vụ tại Công ty Vicera.
Công ty Vicera có trụ sở và cơ sở sản xuất tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương được thành lập tháng 2/2003 với vốn điều lệ 28 tỷ đồng, gồm 5 thành viên do ông Trần Thanh Hải làm Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc. Do yêu cầu phát triển, 3 tháng sau, doanh nghiệp đã tăng vốn điều lệ lên 39 tỷ đồng.
Tháng 3/2008, ông Trần Anh Hào (góp vốn 19,63%) được bầu làm Tổng Giám đốc. Tháng 7/2012, Công ty thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 6, ông Hào tiếp tục là người đại diện theo pháp luật của Công ty Vicera với chức danh Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc (phần vốn góp không thay đổi). Đồng thời, một thành viên khác của Công ty là ông Nguyễn Thành Cư đã tăng tỷ lệ góp vốn lên 48,04% sau khi mua lại phần vốn của hai thành viên khác.
Văn phòng Công ty Vicera
Tại Bản án số 07 ngày 7/9/2015 của TAND tỉnh Bình Dương, nêu rõ rằng, năm 2008, ông Trần Anh Hào được bầu làm Tổng Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật của công ty. Sau khi tiếp nhận, ông Hào đã thể hiện sự yếu kém trong lãnh đạo, thiếu tinh thần trách nhiệm và không có khả năng quản lý điều hành. Hệ quả dẫn đến Công ty Vicera đình trệ trong sản xuất, năng suất ngày càng giảm, làm ăn thua lỗ liên tục, Công ty lâm vào tình trạng nợ nần và có nguy cơ phá sản.
Nhà máy từ chỗ có hai dây chuyền sản xuất đang “ăn nên làm ra” nhưng sau hơn 5 năm ông Hào nắm quyền lãnh đạo, một dây chuyền của nhà máy đã hư hỏng nặng. Hiện tại đã ngưng hoàn toàn không thể hoạt động. Dây chuyền còn lại đã và đang phải đầu tư, sửa chữa rất nhiều. Hơn 500 công nhân hiện nay chỉ còn gần 300 công nhân (hơn 200 công nhân bị mất việc làm).
Bên cạnh đó, báo cáo kiểm toán của Công ty cho thấy, từ năm 2009 - 2013, ông Hào tự ý chuyển một khoản tiền thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vào tài khoản của ông Hào với số tiền lên đến hơn 6,3 tỷ đồng. Đến nay, Công ty nhiều lần yêu cầu trả lại nhưng ông Hào chưa trả lại. Cũng qua kiểm toán, phát hiện trong quá trình điều hành Công ty, ông Hào đã tự ý vay nợ cá nhân với mức lãi suất cao vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định mà không thông qua HĐTV. Số tiền ông Hào tự ý vay cá nhân gây thiệt hại cho Công ty hơn 14 tỷ đồng và hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng khác mà hiện nay công ty phải gánh chịu hậu quả.
Chưa kể, Công ty Vicera còn bị Bảo hiểm xã hội truy thu nợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế từ tháng 1/2009 đến tháng 5/2014 là trên 3,4 tỷ đồng, bị Cục Thuế tỉnh Bình Dương truy thu và phạt lên đến gần 560 triệu đồng. Trước nguy cơ mất khả năng cho trả, một số chủ nợ đã khởi kiện Công ty Vicera ra TAND tỉnh Bình Dương yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Trước tình hình trên, 4 thành viên của Công ty (tổng số vốn góp 70,37%) đã nhiều lần yêu cầu ông Trần Anh Hào tiến hành họp HĐTV để bàn bạc, cơ cấu lại nhân sự cũng như hoạch định lại phương thức sản xuất, kinh doanh nhằm vực dậy Công ty. Tuy nhiên, ông Hào đã “phớt lờ” đề nghị này.
Trước nguy cơ bị “trắng tay”, ngày 7/5/2014, nhóm thành viên này đã lập biên bản và thu giữ con dấu của Công ty Vicera. Đồng thời có văn bản gửi đến cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương thông báo mục đích việc thu giữ con dấu là để ngăn chặn ông Hào tự ý ký kết các giấy tờ giao dịch có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho đơn vị, làm thiệt hại quyền lợi của đa số thành viên. Con dấu Công ty được nhóm thành viên cho lưu giữ tại trụ sở trong thời gian tiến hành các thủ tục pháp lý như triệu tập họp HĐTV để bầu, bãi nhiệm Chủ tịch HĐTV, cách chức chức danh Tổng Giám đốc Công ty.
Sau cuộc họp HĐTV lần thứ nhất bất thành, sáng 10/6/2014, cuộc họp HĐTV lần thứ hai tại trụ sở Công ty Vicera được tiến hành khi số thành viên dự họp đại diện ít nhất 50% vốn điều lệ. Tại đây, 4 thành viên đại diện cho 70,37% vốn điều lệ đã nhất trí bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc đối với ông Trần Anh Hào và bầu ông Nguyễn Thành Cư thay thế.
Ban lãnh đạo mới của Công ty Vicera sau đó đã đề nghị Công ty TNHH Kiểm toán FAC tiến hành soát xét báo cáo tài chính từ năm 2008 đến 30/6/2014. Như nêu trên, kết quả kiểm toán được công bố vào ngày 20/9/2014 đã làm mọi người trong Công ty giật mình bởi hầu như 22 đề mục được kiểm toán đều có vấn đề cần khắc phục, xử lý. Hàng chục tỷ đồng vốn cũng như giá trị nguyên vật liệu tồn kho giữa sổ sách và thực tế chênh lệch nhau.
Trước sự sống còn của Công ty, ông Nguyễn Thành Cư, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc mới cùng các thành viên của Công ty đã bằng mọi cách để cứu sống nhà máy. Hơn một năm qua, Công ty Vicera đang hồi sinh dưới sự điều hành của ông Cư. Nhà máy đang từng bước đi vào hoạt động, hơn 300 công nhân đã có việc làm và thu nhập ổn định. Hình ảnh một Công ty Vicera đã bị đánh mất nay dần dần được lấy lại.
Bên cạnh đó, quyền lợi của cá nhân ông Hào ở Công ty Vicera cũng được bảo đảm. Dư luận cho rằng, phải chăng ông Hào không cam tâm khi thấy người khác cứu nguy doanh nghiệp mà mình đã đẩy đến bên bờ vực phá sản nên đi kiện Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Dương?