Dân trồng cây, chính quyền bán và những lùm xùm về gỗ sưa ở Hà Nội

Đỗ Việt| 14/05/2015 08:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ròng rã gần 5 năm qua, hơn 2,5 m3 gỗ sưa thuộc quyền sở hữu của cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính (Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn bị tạm giữ và chưa được giải quyết. Đến nay, người dân vẫn khóc ròng, đi đòi lại gỗ sưa…

Câu chuyện mua bán gỗ sưa diễn ra tại thôn Phụ Chính xảy đã cách đây gần 5 năm. Trước đây vài năm, ngày 25/10/2010, Ban khai thác gỗ sưa (tổng cộng 22 người) đại diện cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính đã ký hợp đồng bán hơn 2,5m3 gỗ sưa cho anh Dương Văn Thái, (phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) tổng số tiền là 20,550 tỷ đồng. Toàn bộ số gỗ sưa được chủ mua vận chuyển bằng xe ô tô tải, khi vừa đi khỏi địa bàn xã Hòa Chính thì bị Công an huyện Chương Mỹ bắt giữ….

Vì sao số gỗ sưa bị bắt giữ? Việc cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính bán gỗ sưa có vi phạm pháp luật hay không, phóng viên báo Công lý đã tìm gặp những người liên quan để tìm hiểu đầu đuôi sự việc.

Dân trồng cây, chính quyền bán và những lùm xùm về gỗ sưa ở Hà Nội

Cây sưa cổ thụ có đường kính 2 người ôm không xuể ở thôn Phụ Chính

Nguồn gốc gỗ sưa

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong khuôn viên đền Đức Thánh Nhì có 2 cây sưa cổ thụ trồng cách nhau khoảng 5 mét, thân cây to, hai người ôm không xuể. Trong đó một cây vẫn còn nguyên vẹn, rợp bóng mát, cây còn lại đã bị đốn một phần ngọn và một nhánh của thân, xung quanh được bao bọc bằng lớp “áo giáp sắt” với mục đích ngăn bị đốn trộm.

Khi hỏi về nguồn gốc 2 cây sưa trong khuôn viên Đền Đức Thánh Nhì, từ người già cho đến người trẻ không ai biết cây sưa do ai trồng và được trồng từ đời thuở nào, người dân chỉ biết rằng đó là “tài sản” từ đời cha ông để lại và coi đó như là báu vật của làng.

Một số cụ cao niên trong làng cho biết, cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính có trồng nhiều cây sưa trên đường liên thôn trước đền Đức Thánh Nhì vào khoảng năm 1880, nhiều năm trước, người dân đốn sưa để sửa đình, chùa, một số làm củi đến nay chỉ còn lại duy nhất 2 cây sưa nằm trong khuôn viên Đền.

Cho đến năm 2010, khi một số cành sưa đổ gãy do mưa bão, các cụ già trong thôn đã tổ chức họp bàn với dân làng khai thác thêm phần cành sưa già cỗi bán đấu giá để lấy kinh phí xây dựng lại chùa, đền thờ và một số công trình văn hóa cộng đồng thôn.

Sau nhiều cuộc họp chi bộ, toàn dân trong thôn và xin ý kiến UBND xã, Ban quản lý khai thác gỗ sưa được thành lập gồm tổng cộng 22 người.

Gỗ của dân có được quyền bán?

Dân trồng cây, chính quyền bán và những lùm xùm về gỗ sưa ở Hà Nội

Ông Vũ Viết Binh, Nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Hà Tây (cũ) cho biết, việc bán gỗ sưa của cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính có đầy đủ các thủ tục pháp lý

Ông Vũ Viết Binh, Nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Hà Tây (cũ), thành viên trong ban khai thác gỗ sưa cho biết, trước khi cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính quyết định bán một phần cành sưa trong đền Đức Thánh Nhì, Hội Người cao tuổi của thôn đã tuyển chọn những người trí thức nhất làng cử đi tìm hiểu các thủ tục pháp lý.

Quá trình tìm hiểu, người dân thôn Phụ Chính căn cứ vào văn bản số 3419, ngày 12/12/2007 của Bộ NN-PTNT, về việc khai thác, vận chuyển cất giữ gỗ rừng trồng nhóm 1A. Thông tư nêu rõ: “Trường hợp tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư cây trồng trong vườn, trồng phân tán thì chủ lâm sản tự quyết định việc khai thác”.

Sau quyết định mang tính bước ngoặt, dân làng Phụ Chính làm lễ tế trời đất trước khi tiến hành các thủ tục xin phép cấp xã và kiểm lâm địa bàn được khai thác phần gỗ sưa để đấu giá.

Ngày 18/10/2010, UBND xã Hòa Chính xác nhận nguồn gốc lâm sản được khai thác tận thu từ cây trồng phân tán. Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ cũng kiểm tra và xác nhận đây là gỗ do cộng đồng thôn quản lý nên làm lý lịch lâm sản, đóng búa cho gỗ để dân bán đấu giá.

Khi đầy đủ thủ tục, người dân thôn Phụ Chính xin ý kiến UBND xã, đồng thời thông báo rộng rãi để bán đấu giá trong thời gian kéo dài hơn một tháng.

Nhiều lái gỗ đã tham gia đấu giá, trong đó anh Dương Văn Thái (ở Phường Đồng Kị, Từ Sơn, Bắc Ninh) trả giá cao nhất cho hơn 2,5m3 (cụ thể là 2,506m3)  gỗ sưa với số tiền 20,550 tỷ đồng và trúng đấu giá.

Dân trồng cây, chính quyền bán và những lùm xùm về gỗ sưa ở Hà Nội

Một phần thân cây sưa cổ thụ được bán đấu giá nhằm mục đích xây dựng công trình phúc lợi thôn Phụ Chính

Đến chiều ngày 25/10/1010, Ban khai thác gỗ sưa (tổng cộng 22 người) đại diện cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính đã ký hợp đồng bán hơn 2,5m3 gỗ sưa cho anh Dương Văn Thái. Số tiền bán gỗ được cộng đồng dân cư gửi tiền vào 10 cuốn sổ tiết kiệm đứng tên 4 cá nhân trong thôn là ông Vũ Văn Xuyện, Vũ Văn Tưởng, Đinh Công Thường, Đinh Văn Đúng.

Toàn bộ số gỗ sưa được chủ mua vận chuyển bằng xe ô tô tải, khi vừa đi khỏi địa bàn xã Hòa Chính thì bị Công an huyện Chương Mỹ bắt giữ, đồng thời số tiền bán gỗ mà cộng đồng thôn Phụ Chính đang đứng tên bị phong tỏa để tiến hành điều tra xác minh làm rõ vụ việc mua bán vận chuyển gỗ sưa.

Vụ việc sau đó được bàn giao cho công an Thành phố Hà Nội giải quyết và  kéo dài đến nay đã gần 5 năm vẫn chưa có hồi kết. Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính đang mong mỏi một câu trả lời đích đáng từ phía cơ quan chức năng.

Chúng tôi sẽ phân tích rõ hơn vụ việc trong bài viết sau.

Luật sư Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc công ty luật Gia Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra có quyền tạm giữ tài sản, tang vật nếu nghi ngờ có dấu hiệu phạm tội. Tuy nhiên việc tạm giữ số gỗ, phong tỏa số tiền bán gỗ sưa của cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính kéo dài đến nay đã gần 5 năm là trái quy định pháp luật về thời hạn điều tra được quy định trong luật tố tụng hình sự.

Theo Điều 119 - Bộ Luật TTHS quy định Thời hạn điều tra như sau:

1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

 

2. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.

Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân trồng cây, chính quyền bán và những lùm xùm về gỗ sưa ở Hà Nội