Một tỉnh được xếp vào dạng chuẩn nghèo đa chiều như Hà Giang vừa mới đề xuất Chính phủ xây dựng trụ sở làm việc các cơ quan hành chính của tỉnh với chi phí có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Rất nhanh chóng, đề xuất ấy đã bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ chối.
Bộ này lưu ý rất rõ "Hà Giang là tỉnh nghèo, khả năng cân đối nguồn lực hạn chế, đang có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, nợ ứng lớn, đề nghị tỉnh nghiên cứu, rà soát lại tính cấp bách, sự cần thiết phải thực hiện dự án trong giai đoạn hiện nay".
Theo đề xuất thì trụ sở làm việc các cơ quan hành chính của tỉnh Hà Giang sẽ gồm 2 tòa nhà, mỗi toà 12 tầng, tổng diện tích xây dựng 29.888m2, cung cấp nơi làm việc cho khoảng 1.284 công chức, viên chức.
Dự án được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư, hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (BTL). Tổng số tiền tỉnh Hà Giang phải thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BTL khoảng 1.021,6 tỉ đồng, trong đó chi phí đầu tư 565,4 tỉ đồng, lãi vay 127,5 tỉ đồng, chi phí thuê trụ sở trong 9 năm khoảng 328,7 tỉ đồng.
Trụ sở UBND tỉnh Hà Giang hiện tại
Để có một trụ sở "sang chảnh" và hoành tráng như thế, Hà Giang đề nghị huy động vốn xây dựng trụ sở làm việc tập trung từ các nguồn đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm, nguồn bán đấu giá đất, nguồn chi thường xuyên của các sở ngành trong 9 năm, và nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc sử dụng nguồn chi thường xuyên của các sở, ngành để đầu tư trụ sở là không phù hợp với quy định hiện hành.
Theo tỉnh này, cơ quan hành chính cũ được đầu tư từ năm 1990-1991 và nằm rải rác trên 3 phường với tổng diện tích hơn 30 ha lại xen lẫn với các trường học, khu dân cư, bệnh viện, sử dụng đất đô thị lãng phí.
Các công trình hiện đã dần xuống cấp, cần nguồn vốn rất lớn để sửa chữa và cải tạo. Hơn nữa, theo lãnh đạo tỉnh, các công trình nằm cách xa nhau nên không tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đến làm việc, vừa khiến việc sử dụng quỹ đất không hiệu quả.
Một khu hành chính cao ngất ngưởng ở tỉnh miền núi nghèo vị trí gần chót bảng là phản cảm. Hơn nữa, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 89% dân số toàn tỉnh thì trụ sở hành chính theo như đề án là thiếu bản sắc. Trong khi đó, Hà Giang đang chú trọng phát triển du lịch bền vững để thoát nghèo thì tính bản sắc, ngay cả kiến trúc trụ sở cơ quan hành chính cũng cần phải được tính toán.
Theo thống kê vào cuối năm 2017 thì tỷ lệ hộ nghèo của Hà Giang là 34,18%. Như vậy là hơn 1/3 hộ gia đình ở Hà Giang là đói nghèo và rất nghèo. Trong 30 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước thì 6 huyện của Hà Giang có tên trong danh sách. Thu nhập bình quân đầu người của toàn tỉnh chỉ đạt bình quân 21,2 triệu đồng/người/năm.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020), xác định đến năm 2020, Hà Giang mới thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Điều đáng nói, năm 2013, UBND tỉnh Hà Giang đã lập đề án xây dựng Hợp khối trụ sở làm việc các cơ quan hành chính tỉnh Hà Giang và đã được HĐND tỉnh này thông qua. Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt tháng 10/2015 và đã được Bộ Xây dựng cho ý kiến thống nhất chủ trương.
Tuy nhiên, ngày 24/11/2015, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo các địa phương tạm dừng việc đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung. UBND tỉnh Hà Giang đã tạm dừng theo chỉ đạo này.
Đã nghèo lại muốn xây "lấy được" trụ sở hoành tráng thì thật khó hiểu. Khi nào tự chủ được ngân sách, không phải trông đợi vào trợ cấp của trung ương, trường học, bệnh viện hết rách nát, xập xệ, đồng bào có đủ cơm no, áo ấm thì hãy nghĩ đến trụ sở trăm tỷ, ngàn tỷ.
Còn muốn "sang chảnh" trong lúc dân còn chạy ăn từng bữa thì vô cảm lắm.