Đăk Lăk: Bài toán nào cho các điểm “đu cáp qua sông”

Trần Sỹ| 12/10/2014 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua, việc người dân đu cáp qua sông trên địa bàn xã Hòa Lễ (Krông Bông - Đăk Lăk) diễn ra thường xuyên và đã tốn rất nhiều giấy mực của giới truyền thông.

Đăk Lăk: Bài toán nào cho các điểm “đu cáp qua sông”

Ông Võ Châu Thắng (cán bộ giao thông thủy lợi xã) bên sợi cáp đu mỏng manh

Xã có đến 20 điểm đu cáp qua sông

Xã Hòa Lễ có 12 thôn thì 7 thôn có dây cáp tự chế qua sông. Tính mạng con người và tài sản như “ngàn cân treo sợi tóc”, nguy hiểm luôn rình rập.

Ông Nguyễn Minh Sơn (Phó chủ tịch UBND xã Hòa Lễ) cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có 200 hộ dân thuộc 9 thôn có đất canh tác bên sông với diện tích trên 300 ha, chủ yếu là trồng ngô, lúa, mì… Chỗ nào thuận tiện, gần đất canh tác thì người dân làm cáp treo tại đó, cả xã có khoảng 20 điểm làm cáp…”.

Theo ghi nhận, tại thôn 1, thôn 3, mỗi thôn tồn tại 1 điểm cáp đu tự phát; thôn 2 có 2 điểm; thôn 6, 8, 9 mỗi thôn có 3 điểm; riêng thôn 5 có tới 7 điểm nhưng đã tháo gỡ được 2 điểm. Khoảng cách giữa các điểm cáp khoảng 500 m. Khúc sông Krông Ana chạy qua địa bàn chỉ dài hơn 10 km, nhưng có tới 20 điểm đu cáp tự phát. Cảnh người dân đu dây qua sông bằng những sợi dây cáp rất mỏng manh (đường kính mỗi sợi dây từ 6 - 8 cm) diễn ra thường xuyên.

Những chiếc cọc gỗ để buộc 2 đầu dây vì “dãi nắng, dầm mưa” nhiều nên đã mục nát, rất nguy hiểm cho người và hàng hóa khi qua sông. Mỗi lần đu dây qua sông là mỗi lần người dân phải đặt cược tính mạng vào con sông hà bá này.

Điều đáng nói, mặc dù trên địa bàn thôn 5 hiện nay, số lượng cáp đu tự chế để qua sông nhiều nhất xã như đã nói ở phần trên nhưng khi làm việc với trưởng thôn Nguyễn Thanh Hoa thì ông vẫn khẳng định trong thôn chỉ có 2 dây cáp từ trước tới nay và đã được gỡ bỏ rồi. Ông Hoa nhấn mạnh: “Thôn có 2 điểm cáp đu tự phát do người dân góp vốn lại… nhưng khi có thông báo của UBND huyện và xã ra lệnh tháo gỡ sau 10 ngày, đến nay trên địa bàn thôn không còn cáp đu tự chế nữa”.(?)

Cấm đu dây chuyển sang đi ghe, xuồng… có an toàn?

Trước thực trạng người dân đu dây qua sông để canh tác gây mất an toàn đối với tính mạng của bà con, ngày 11/8/2014 UBND huyện Krông Bông đã ra công văn số 1272 gửi xuống UBND xã Hòa Lễ nêu rõ “…tiến hành đình chỉ và cho tháo gỡ toàn bộ số cáp treo do người dân tự làm bắc qua sông Krông Ana trên địa bàn xã…”.

Dẫn PV đi thực tế tại một số điểm cáp, ông Võ Châu Thắng (cán bộ giao thông thủy lợi xã) cũng không giấu được những tiếng thở dài: “Đu dây qua sông tồn tại gần 10 năm nay… dây cáp không được an toàn lắm. Trường hợp đu dây qua sông bằng dây cáp chủ yếu là thanh niên, người già đi bằng ghe, xuồng. Nhưng đi ghe, xuồng thì mùa nước lớn rất nguy hiểm. 10 năm trước đã xảy ra vụ ghe bị lật khiến ba người phụ nữ thiệt mạng, sau vụ đó, người ta gọi nơi đây là bến Ba Cô”.

Được biết, ngoài những sợi dây cáp để đu qua sông, người dân có đất canh tác bên kia sông vẫn sử dụng những chiếc ghe, xuồng nhỏ, chở được khoảng 3 - 4 người mỗi chuyến. Việc đu dây tiềm ẩn nguy hiểm lớn đến người và của, nhưng theo những người dân nơi đây, nếu đi bằng ghe, xuồng thì còn nguy hiểm hơn rất nhiều lần vì sông sâu 4 - 5 m, dòng chảy mạnh.

Ông Lý Trường Phước (trưởng thôn 6) cho biết: “Hiện tại, thôn có 52/147 hộ có đất canh tác bên kia sông. Nếu cấm không cho nhân dân đi bằng cáp treo thì nhân dân đi bằng xuồng nhỏ mà xuồng cũng nguy hiểm nên người dân mong được cấp cho một cái ghe, hoặc là thuyền lớn hơn để qua sông được an toàn”.

Đăk Lăk: Bài toán nào cho các điểm “đu cáp qua sông”

Những chiếc cọc để giữ dây theo thời gian đã mục nát

 

Bài toán… cây cầu treo

Theo chính quyền địa phương cũng như bà con nơi đây, việc tháo gỡ cáp treo tự chế giai đoạn này là rất khó khăn. Nếu có tháo dỡ được thì việc tái diễn cũng vẫn xảy ra, vì lương thực sau khi thu hoạch được vận chuyển qua dây cáp sẽ nhanh và dễ dàng hơn nhiều. Như vậy, chừng nào chưa có phương án thỏa đáng thì tình trạng đu dây qua sông vẫn còn tiếp diễn.

Bà Nguyễn Thị Thọ (thôn 6) cách đây gần hai tháng đã “thập tử nhất sinh” vì rơi từ cáp treo xuống bờ sông. Gia đình bà Thọ có 1 ha đất màu và 5 sào đất lúa nằm tất cả bên kia sông. Biết là khó khăn, nguy hiểm nhưng vì miếng cơm manh áo người dân đều phải chấp nhận. Bà kể lại: “Tôi rớt xuống rồi bất tỉnh, tỉnh dậy đã thấy nằm trong phòng cấp cứu rồi, tôi bị hở cột sống, hở xương sườn và rạn quai hàm… mới khỏe được khoảng sáu phần, nhưng vì nguồn thu nhập của gia đình trông chờ hết vào đồng ruộng bên ấy nên phải mạo hiểm. Nếu nhà nước cho cây cầu mà thuận tiện thì mình đi, nếu không cho thì mình phải đi cáp, rủi ro mình phải chịu chứ…”.

Qua kiểm tra, Sở GTVT nhận thấy việc đầu tư xây dựng 1 chiếc cầu treo dân sinh tại xã Hòa Lễ thực sự cần thiết và cấp bách. Trên cơ sở đó, Sở đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT xem xét đầu tư bổ sung cầu treo tại xã Hòa Lễ vào danh mục công trình của Dự án 186 cầu treo dân sinh thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Nếu đề nghị này được chấp nhận thì Đăk Lăk sẽ được xây dựng 10 cầu treo trong giai đoạn 2014 - 2015. Trước đó, có 9 cầu tại các huyện Buôn Đôn, Ea Kar, Krông Năng, Lak và thị xã Buôn Hồ được xây dựng.

Cũng theo ông Phước, việc toàn xã nếu có một cây cầu treo thì khi qua bên kia sông, sẽ không có đường để đi đến nơi sản xuất, cuối cùng thì người ta cũng vận chuyển lương thực bằng cáp treo, vì không có đường vận chuyển thì rất khó để đưa nông sản về nhà.

Cáp bị cấm, xuồng ghe không an toàn, một cây cầu liệu có giải quyết được những khó khăn của bà con nơi đây. Đó là một bài toán nan giải mà chính quyền các cấp cũng như các ban ngành của tỉnh Đăk Lăk cần phải giải quyết cấp bách, làm sao vừa đảm bảo được tính mạng, vừa tạo được sự ổn định để người dân yên tâm sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đăk Lăk: Bài toán nào cho các điểm “đu cáp qua sông”