Theo luật sư, hành vi sử dụng súng chĩa vào nhân viên y tế để đe dọa của Đại úy Nguyễn Duy Ngọ, cán bộ Công an huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) thể hiện thái độ coi thường pháp luật, vừa gây mất an ninh trật tự, có dấu hiệu tội phạm.
Liên quan đến vụ một Đại úy công an chĩa súng vào nhân viên y tế huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng gây xôn xao dư luận, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đã đình chỉ công tác đối với Đại úy Nguyễn Duy Ngọ (SN 1990, đang công tác tại Công an huyện Lâm Hà) để làm rõ các hành vi vi phạm.
Theo báo cáo của Công an huyện Đức Trọng, vào tối 11/11, lực lượng trực ban Công an huyện Đức Trọng nhận tin báo về một vụ việc có dấu hiệu mất ANTT tại khoa cấp cứu Trung tâm y tế huyện Đức Trọng. Ngay sau đó, Công an huyện Đức Trọng đã cử cán bộ chiến sỹ xuống hiện trường làm việc với các bên liên quan.
Làm việc với cơ quan Công an, người thanh niên to tiếng tại khoa cấp cứu đã xác nhận là Đại úy Nguyễn Duy Ngọ, đang công tác tại Đội Cảnh sát kinh tế và ma túy Công an huyện Lâm Hà.
Đại úy Ngọ trình bày, vào chiều cùng ngày khi đang trinh sát một đối tượng hiềm nghi ma túy tại khu vực giáp ranh giữa huyện Lâm Hà và huyện Đức Trọng, Đại uý Ngọ lúc này sử dụng trang phục dân sự, để trang phục Công an nhân dân trên xe ô tô cá nhân, đồng thời có mang theo công cụ hỗ trợ là súng bắn hơi cay.
Khoảng 23h20', vợ của Đại úy Ngọ gọi điện báo về việc con nhỏ 7 ngày tuổi vừa bị sặc sữa, tình trạng rất nguy kịch. Ngay sau đó, Ngọ báo với Ban chỉ huy rồi chạy về nhà tại xã Hiệp Thạnh - huyện Đức Trọng để chở con đi cấp cứu.
Tại sảnh cấp cứu Trung tâm y tế huyện Đức Trọng, có 02 nữ nhân viên y tế nhắc nhở việc đeo khẩu trang, lúc này vì lo lắng cho tình trạng sức khoẻ của con nên Đại uý Ngọ đã không kiểm soát được cảm xúc của bản thân, có hành vi to tiếng và cầm công cụ hỗ trợ giơ ra. Trong lúc bác sĩ đang thực hiện cấp cứu, Đại uý Ngọ cũng có lời nói lớn tiếng với nhân viên y tế. Về phía Trung tâm y tế huyện Đức Trọng, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, khám sàng lọc và hiện sức khoẻ của cháu bé đã ổn định.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp nêu quan điểm: Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ tháng 7/2018, lực lượng vũ trang được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của lực lượng vũ trang phải thuộc trường hợp pháp luật cho phép, đảm bảo an toàn cho người sử dụng và những người xung quanh. Nổ súng chỉ được phép khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.
Theo luật sư Cường, cơ quan chức năng sẽ làm rõ khẩu súng bắn đạn cao su mà ông Ngọ sử dụng là của cán bộ công an này hay là công cụ hỗ trợ do Công an huyện Lâm Hà trang bị để làm nhiệm vụ. Trong trường hợp khẩu súng trên là của ông Ngọ, cán bộ này có thể bị xử lý về tội Tàng trữ, sử dụng trái phép súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ, quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015. Nếu khẩu súng do Công an huyện Lâm Hà trang bị cho ông Ngọ để làm nhiệm vụ, người này cần tuân thủ các quy định, quy tắc liên quan đến công cụ hỗ trợ trên.
Điều 5, Luật Quản lý vũ khí quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, như sau: Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Luật này cũng quy định điều kiện để cán bộ, cá nhân được giao sử dụng vũ khí là có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe phù hợp với công việc được giao. Người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có trách nhiệm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định...
Trong vụ việc trên, Đại úy Ngọ sử dụng vũ khí khi không thực hiện nhiệm vụ. Bởi vậy, việc sử dụng vũ khí như vậy là lạm quyền, đe dọa đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, tính mạng và sức khỏe của người khác.
Xem xét hành vi của ông Ngọ, cơ quan điều tra có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người này về tội Gây rối trật tự công cộng hoặc Đe dọa giết người.
Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc ông Ngọ chĩa súng đe dọa có khiến 2 nhân viên y tế sợ hãi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của nạn nhân hay không. Nếu xác định là có, theo Điều 133 Bộ luật Hình sự về tội Đe dọa giết người, ông Ngọ sẽ đối diện với khung hình phạt 2-7 năm tù giam, do de dọa từ 2 người trở lên.
Còn trong trường hợp vị cán bộ công an không khiến 2 nạn nhân lo sợ bị giết hay không bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, ông Ngọ sẽ bị truy cứu tội Gây rối trật tự công cộng, quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt là 2-7 năm tù.
Luật sư Cường cho biết thêm, với hành vi không đeo khẩu trang, ông Ngọ còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 3 triệu đồng khi không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh.