Đại tướng Văn Tiến Dũng - Nhà chiến lược quân sự tài ba

Phạm Thăng - Hà Ngọc| 29/04/2020 09:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giới nghiên cứu khoa học quân sự đánh giá: Văn Tiến Dũng là một trong những vị tướng danh tiếng của dân tộc Việt Nam, trong thời đại Hồ Chí Minh.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, gắn liền với tên tuổi các nhà chỉ huy trực tiếp tài ba, trong đó có Đại tướng Văn Tiến Dũng, một vị tướng quân sự tài đức song toàn, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên trung suốt đời vì dân vì nước. 

Đại tướng Văn Tiến Dũng - Nhà chiến lược quân sự tài ba

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng (Tư liệu gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng)

“Vị tướng mũ mềm” 

Trong lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến dịch Hồ Chí Minh gắn liền với tên tuổi người chỉ huy trực tiếp: Đại tướng Văn Tiến Dũng. Giới nghiên cứu khoa học quân sự đánh giá: Ông là một trong những vị tướng danh tiếng của dân tộc Việt Nam, trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đại tướng Văn Tiến Dũng bí danh Lê Hoài, sinh ngày 02/5/1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Mẹ mất sớm, cậu bé họ Văn  theo cha vào thành phố kiếm sống. Năm 13 tuổi cậu trở về quê, đi học ở trường Đông Ngạc. Năm 17 tuổi, Văn Tiến Dũng đi làm công cho các xưởng dệt ở phố Hàng Đào, Hàng Bông Hà Nội từ 10 đến 12 tiếng mỗi ngày. Chính những tháng năm lao động cực nhọc ấy, chàng trai Văn Tiến Dũng đã giác ngộ cách mạng và nhanh chóng trở thành một chiến sỹ xuất sắc.

Theo lời kể lại, Đại tướng là người điềm tĩnh, ít nói. Ông là người rất giản dị, chu đáo, lo toan từng chi tiết cho chiến sĩ và luôn tươi cười. Ông được anh em nhà lính đặt cho biệt danh “Tướng mũ mềm” bởi hầu như quanh năm ngày tháng, lúc nào cũng thấy ông đội chiếc mũ lưỡi trai mềm của quân đội. Có điều ít ai biết, chính tướng Văn Tiến Dũng là người đưa ra ý tưởng làm chiếc mũ mềm, được sử dụng chính thức trong toàn quân suốt mấy chục năm qua.

Chuyện kể lại rằng, năm 1965, tướng Văn Tiến Dũng đi thăm các đơn vị bộ đội pháo cao xạ ở Khu 4. Nắng Khu 4 cháy bỏng, nhưng bộ đội trực chiến phải ngồi trên mâm pháo, dưới cát bỏng, trên trời nắng cháy, lại phải đội trên đầu cái mũ sắt. Trở về, ông cứ day dứt với việc phải nghĩ ra cái gì đó, bọc chiếc mũ sắt cho anh em đỡ nóng. Ông nhớ đến chiếc mũ mềm, có lưỡi trai cứng của quân đội một số nước, nên cho mời Cục quân trang lên gợi ý những kiểu mũ có lưỡi trai. Vậy là chiếc mũ lưỡi trai gắn sao vàng phía trước được sản xuất hàng loạt cho bộ đội. Chiếc mũ đã được các chiến sĩ sử dụng đến năm 1992.

Người thân của tướng Văn Tiến Dũng kể rằng, ông là người sống rất tình cảm, không quên ơn những người dân từng nuôi giấu, che chở ông từ thời còn hoạt động bí mật trước cách mạng tháng Tám. Sinh thời, ông thường tìm cách giúp đỡ gia đình các ân nhân khi họ gặp khó khăn. Ông thường đưa bà cụ Hai - người cưu mang ông, khi còn là anh thanh niên Lê Hoài hoạt động bí mật ở xã Trung Mầu, Gia Lâm đi khám, chữa bệnh ở Viện Quân y 108. Ông nhận những người con của ông Lý Bảng ở Mỹ Đức làm con nuôi rồi đưa về Hà Nội, giúp họ ăn học. Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, ông không quên gửi quà Tết đến từng gia đình. Mỗi khi có cơ hội, cả nhà ông lại về thăm các cơ sở cách mạng ở Trung Mầu, Bột Xuyên, Hòa Xá.

Nhà D67 trong khu Hoàng thành Hà Nội, nay là di tích cách mạng gắn với hoạt động của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1967 đến 1975.  Tại đây, căn phòng nhỏ phía Đông là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nơi làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng là căn phòng nhỏ phía Tây. Ngoài bộ bàn ghế tiếp khách, bộ bàn ghế làm việc cùng những vật dụng đơn sơ của một vị chỉ huy quân sự, trong phòng làm việc còn có một tủ sách chứa đầy những cuốn sách quân sự, triết học, lịch sử và văn học. Phải bỏ học đi làm từ sớm, nhưng tướng Văn Tiến Dũng rất ham đọc sách. Những kiến thức chắt lọc trong sách và kiến thức tích lũy, qua các chiến trận đã biến thành tri thức. Góp phần quan trọng tạo thành nghệ thuật quân sự đặc sắc, mang dấu ấn của riêng ông.

Đặc biệt, tướng Văn Tiến Dũng có thói quen ghi chép lại đầy đủ, chi tiết nhật ký công tác. Chiếc bàn làm việc với hiện vật chính là những quyển sách, quyển sổ và cây bút. Nơi đây, sau những giờ làm việc căng thẳng, ông đã viết hàng nghìn trang giấy. Bộ nhật ký công tác của ông gồm 51 cuốn, mỗi cuốn dày hơn 300 trang ghi lại gần như đầy đủ các sự kiện, các diễn biến của đất nước, những công việc của Bộ chỉ huy tối cao, những suy nghĩ riêng tư, những bài học đường đời… từ trước ngày toàn quốc kháng chiến 1946 cho đến năm 2002. Bộ sách của ông, sau này đã được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng.

Và tài thao lược xuất chúng

Khi mới 18 tuổi tướng Văn Tiến Dũng tham gia cách mạng và nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam, đày đi nhà tù Sơn La. Sau cuộc vượt ngục thành công, ông tìm cách bắt liên lạc với tổ chức ở Mỹ Đức. Ít lâu sau, người ông hay liên lạc bị bắt nên ông tự mình xây dựng phong trào và chọn ngôi chùa làng Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức khi ấy đang không có sư trụ trì để làm cơ sở bí mật hoạt động. Để che mắt kẻ địch, ông đã sắm vai nhà sư.

Trung ương Đảng đã phái đồng chí Hoàng Quốc Việt về Mỹ Đức bắt liên lạc với Văn Tiến Dũng, đồng thời giao cho ông nhiệm vụ phụ trách Đảng bộ tỉnh Hà Đông, Bí thư Đảng bộ Bắc Ninh, rồi được cử làm bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ khi ông mới 27 tuổi. Ông lại bị địch bắt và tiếp tục vượt ngục thành công, trở về ông được cử làm Uỷ viên Thường vụ ban quân sự Bắc Kỳ. Ông đã thành lập chiến khu 2 gồm 8 tỉnh phía Tây Bắc và Tây Nam Bắc Bộ và đảm nhiệm chức vụ Chính ủy chiến khu, rồi đảm nhận nhiệm vụ là Phó bí thư Quân ủy Trung ương rồi Cục trưởng Cục chính trị.

Ngay sau chiến thắng Việt Bắc, Trung ương Đảng và Hồ Chủ Tịch quyết định thành lập Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, phong quân hàm cho 10 tướng lĩnh chỉ huy quân đội, trong đó có đồng chí Văn Tiến Dũng được phong hàm Thiếu tướng.

Tháng 11/1953, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng tới nhận nhiệm vụ ở Bộ Tổng tư lệnh với chức vụ: Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ở cương vị  này, ông đã có những đóng góp lớn, tham mưu cho Bộ Tư lệnh, lập chiến công vang dội Đông Xuân 1953 -1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 8/1959, ông được phong vượt cấp lên hàm Thượng tướng.

Giữa năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa 30 vạn quân viễn chinh, cùng nhiều vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Địch mở chiến dịch “Lam Sơn 719”, nhằm cắt đứt con đường tiếp tế vào chiến trường của ta. Sau khi nghiên cứu, thị sát chiến trường, tướng Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo chiến dịch đường 9 - Nam Lào, cùng quân và dân ta đánh bại cuộc hành quân của địch, bảo vệ vững chắc tuyến vận chuyển chiến lược của ta, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đẩy mạnh tiến công đánh địch.

Vào năm 1974, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng được phong hàm Đại tướng và là vị Đại tướng thứ ba của QĐND Việt Nam sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Quyết định mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Hoàng Văn Thái, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Dự thảo Kế hoạch tác chiến chiến lược, giải phóng miền Nam đã được Cục Tác chiến hoàn thành.

Với tài năng tham mưu chiến lược, Đại tướng Văn Tiến Dũng luôn nắm chắc và đánh giá chính xác tình hình địch và quân ta; chỉ đạo việc nghiên cứu hoạch định kế hoạch, đến trực tiếp tham gia cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch, chỉ huy đánh chiếm Buôn Ma Thuột, điểm tử huyệt của địch ở cao nguyên. Ngày 10 tháng 3 năm 1975 Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng.

Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị họp phiên họp lịch sử, khẳng định cuộc Tổng tấn công chiến lược của ta đã bắt đầu với Chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng miền Nam trước mùa mưa theo tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Thời cơ chiến lược mới đã đến.

Tại mặt trận khi ấy, Đại tướng Văn Tiến Dũng nhận thấy: Nếu để Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10 ngừng cuộc truy kích tàn quân địch, để chuyển vào Nam Bộ sẽ không hiệu quả bằng việc để hai sư đoàn tiếp tục phát triển xuống đồng bằng, truy kích quân địch ở Quân khu 2, giải phóng các tỉnh vùng duyên hải, Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa tới Nha Trang, Cam Ranh… Kế hoạch tác chiến của tướng Văn Tiến Dũng được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tán thành.

Ngày 14/4, thể theo nguyện vọng của đồng bào, chiến sỹ cả nước và đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch, Bộ Chính trị quyết định đặt tên chiến dịch Sài Gòn – Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong trận quyết chiến chiến lược này, Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng tập thể Bộ Tư lệnh chiến dịch đã phân tích vấn đề một cách thấu đáo, toàn diện, cụ thể… nhằm có phương án tấn công tối ưu để thành phố ít bị tàn phá nhất, người dân ít bị thiệt hại về tính mạng, tài sản và cuộc sống thành phố phải mau trở lại bình thường.

17 giờ ngày 26/4, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng. Từ các hướng, quân ta tiến công vào tuyến phòng thủ vòng ngoài, chiếm bàn đạp để thực hành tổng công kích vào nội đô. Đúng 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, lá cờ Cách mạng đã cắm trên nóc Dinh Độc lập, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đại tướng Văn Tiến Dũng, đã hoàn thành sứ mệnh của người chỉ huy lỗi lạc trong chiến dịch lịch sử nhất của QĐND Việt Nam.

Giải phóng Sài Gòn chưa được bao lâu, Khmer Đỏ cho quân đổ bộ lên đảo Phú Quốc gây hấn, khởi đầu cuộc xung đột quấy phá, giết chóc dã man nhân dân trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia. Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Văn Tiến Dũng, các quân đoàn chủ lực Việt Nam đã phản công trên toàn mặt trận, phối hợp với các tiểu đoàn của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia và nhân dân Campuchia tiêu diệt quân đội Pol Pot. Ngày 8/1/1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập, do ông Heng Samrin làm chủ tịch.

Tháng 12/ 1980, Đại tướng Văn Tiến Dũng được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương. Ông gánh trên vai trọng trách người đứng đầu Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 1987. Trong vai trò là người đứng đầu quân đội, ông luôn quan tâm tới việc xây dựng quân đội chính quy hiện đại, để quân đội ta có đầy đủ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc thân yêu

Xin trích lời của Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về tướng Văn Tiến Dũng để thay lời kết: “... Đại tướng Văn Tiến Dũng, một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài ba thao lược xuất chúng, một người cộng sản kiên cường, bất khuất, đã cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng của Đảng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại tướng Văn Tiến Dũng - Nhà chiến lược quân sự tài ba