Góp ý kiến về Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có quan điểm về vấn đề này.
Góp ý Điều 1, về phạm vi điều chỉnh của luật, theo đó, Dự thảo luật có ghi: "Luật này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của bộ máy TAND...”; ông Hùng đề nghị bổ sung, mở rộng phạm vi điều chỉnh về nguyên tắc hoạt động của TAND. Vì vậy, Điều 1 sẽ sửa thành: "Luật này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức bộ máy và nguyên tắc hoạt động của TAND...”.
Theo ông Hùng, quy định như vậy luật mới đầy đủ, sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và bớt được các văn bản hướng dẫn thi hành luật sau này. Thêm nữa, theo ông Hùng, mặc dù Dự thảo không quy định về nguyên tắc hoạt động trong phạm vi điều chỉnh của luật nhưng tại Điều 5 có nội dung về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND. Điều này thể hiện tính không đồng bộ, thiếu chặt chẽ trong các điều luật của Dự thảo, vì thế, ông đề nghị cần được xem xét lại trong các điều luật khác.
Trên cơ sở bổ sung nguyên tắc về hoạt động của TAND, ông Hùng đề nghị sửa đổi Luật Tổ chức TAND lần này, ngoài việc tuân thủ các quy định mới của Hiến pháp, luật phải có những quy định cụ thể, chi tiết, nhằm góp phần khắc phục những bản án oan sai, tạo được niềm tin của nhân dân, nhất là đối với án hành chính.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng
Cũng theo ông Hùng, Điều 5, về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND, Dự thảo đã quy định 12 nguyên tắc, tuy nhiên, gần như Dự thảo đã trích nguyên những quy định tại Hiến pháp. Vì lẽ đó, theo ông cần phải nghiên cứu để tách thành hai điều: Một điều quy định về nguyên tắc tổ chức của TAND; một điều quy định về nguyên tắc hoạt động của TAND, nhằm phân biệt và quy định rõ ràng, cụ thể để dễ hiểu, tránh việc nêu khẩu hiệu chung chung như Dự thảo. Việc trích gần như nguyên văn những quy định tại Hiến pháp là không đáp ứng được yêu cầu của một văn bản luật với vai trò của luật là cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp.
Ngoài ra, ông Hùng cho rằng, Dự thảo luật cần bổ sung các quy định cụ thể, quy định được cách thức hoạt động của một phiên tòa, thiết kế tổ chức một phiên tòa như thế nào để đảm bảo nguyên tắc hoạt động của Tòa đã đề ra, nhằm đảm bảo về quyền con người, quyền công dân và đảm bảo các quy định trong Hiến pháp. Đặc biệt, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử cần được đảm bảo như thế nào, cần được thể hiện rõ cụ thể bằng các quy định của luật, không cần nhắc lại Hiến pháp và phải thể hiện việc triển khai Hiến pháp. Có như vậy Hiến pháp mới thực sự đi vào cuộc sống. Bởi lẽ, thời gian qua không ít ý kiến của cử tri cho rằng việc tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của các luật sư nhiều khi không được xem xét một cách nghiêm túc. Có thể điều đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho vẫn còn một số bản án oan sai.
Đóng góp ý kiến về Hội thẩm nhân dân, ông Hùng cho rằng Dự thảo quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn v.v... nhưng chưa quy định cụ thể về vai trò, chức năng của Hội thẩm nhân dân tại phiên tòa. Nếu không ghi rõ được vai trò và chức năng của Hội thẩm nhân dân trong phiên tòa thì Hội thẩm nhân dân sẽ không phát huy đúng chức năng là đại diện cho nhân dân tại phiên tòa, rất dễ trở thành hình thức và Hội thẩm nhân dân sẽ không thiết tha với công việc, ông Hùng bộc bạch.
Về tổ chức TAND cấp sơ thẩm, ông Hùng hoàn toàn nhất trí với phương án tổ chức Tòa án cấp sơ thẩm khu vực, bởi vì quy định này sẽ phù hợp với nguyên tắc là TAND được tổ chức hoạt động theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính và xét xử độc lập thì tuân theo pháp luật.
Cuối cùng, ông Hùng đề nghị bỏ Điều 59 quy định về tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán TANDTC. Vì vấn đề này, theo ông Hùng đã được quy định trong Điều 187 Bộ luật Lao động có hiệu lực ngày 1/5/2013. Luật này cũng đã quy định người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm ở công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định của luật và luật đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này, Quốc hội không nên làm thay Chính phủ, dễ tạo nên những bất cập trong các văn bản luật, ông Hùng khẳng định.