Tính đến 31/01/2019, ước tính toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu, ước đạt trên 40,1% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42.
Thông tin trên đã được đại diện NHNN công bố tại buổi họp báo để thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng quý I năm 2019. Cụ thể, đại diện NHNN cho biết về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, tính đến 31/01/2019, ước tính toàn hệ thống TCTD đã xử lý được khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu, ước đạt trên 40,1% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 (riêng năm 2018 xử lý được khoảng 113,4 nghìn tỷ đồng).
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì dưới 2%.
Về điều hành tín dụng, ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến 25/3/2019 tín dụng tăng 2,28%, tương đương mức tăng cùng kỳ năm 2018 (tăng 2,78%). Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng khá. Trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,44%, chiếm tỷ trọng 3,14%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,4%, chiếm tỷ trọng 3,12%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,79%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 2,23% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng dư nợ đối với nền kinh tế".
Riêng đối với lĩnh vực lúa gạo, để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ lúa vụ Đông Xuân năm 2019, NHNN đã yêu cầu NHNN chi nhánh 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các NHTM tập trung nguồn vốn, giải ngân đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu vốn của doanh nghiệp, thương nhân để thu mua thóc, gạo cho người dân; riêng các NHTM Nhà nước tiên phong hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua lúa gạo.
Kết quả đến nay, các TCTD tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện giải ngân khoảng 10.719 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân để thu mua trên 1,7 triệu tấn lúa gạo vụ Đông Xuân 2019, góp phần hạn chế đà giảm giá lúa gạo cho bà con nông dân.
Bên cạnh đó, NHNN cũng kịp thời có giải pháp tháo gỡ cho người chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Ngoài ra, các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay khuyến khích nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao... cũng được các TCTD tiếp tục triển khai quyết liệt. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.
Thông tin về nét mới trong điều hành chính sách tiền tệ quý I/2019, Phó Thống đốc NHN Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Chính sách tiền tệ là chính sách mang tính ngắn hạn, phải phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có những điều chỉnh phù hợp. Điểm mới trong điều hành CSTT quý I/2019 và những tháng còn lại của năm 2019 sẽ có những điểm khác biệt về thời điểm, giải pháp phối hợp, liều lượng... Tuy nhiên, với mục tiêu và phương châm điều hành của NHNN vẫn xuyên suốt là kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát nên các giải pháp điều hành của NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát. Điều hành tín dụng vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng theo phương châm vẫn là mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả".
Theo Phó Thống đốc, trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và triển vọng kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong những tháng tới đây, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Liên quan đến công tác tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, Phó Thống đốc cho hay NHNN xác định mục tiêu: Tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD. Việc xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD; phát huy vai trò của VAMC trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững…