Nguyên nhân cá chết được xác định là do thời tiết quá nắng nóng, một số loại tảo bị chết khi phân hủy làm nước bị thiếu ôxy, gây mùi tanh hôi và vẩn đục, rong, tảo chết khiến cá nuôi thiếu ôxy và chết.
Ngày 16/5, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Bình Thuận về kết quả kiểm tra tình hình cá nuôi lồng bè bị chết tại huyện đảo Phú Quý. UBND tỉnh cũng chỉ đạo triển khai các biện pháp ngăn ngừa cá chết tại huyện Phú Quý trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, tình trạng cá chết xảy ra vào ngày 9/5 tại khu Lạch Dù, xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý. Đây là khu vực nuôi cá lồng bè tập trung của huyện đảo với khoảng 60 hộ nuôi. Hiện tượng cá chết chỉ xảy ra tại 7 hộ nuôi nằm ở khu vực gần bờ, có rạn san hô vây xung quanh, nước tù; cá nuôi tại các hộ còn lại và cá ngoài tự nhiên vẫn bình thường.
Cá chết tại huyện đảo Phú Quý vào ngày 9-5 - Ảnh: CTV
Thống kê số lượng cá nuôi lồng bè chết tại 7 hộ như sau: cá mú cọp thành phẩm (từ 0,5 - 1 kg/con): 4.000 con, ước khoảng 2 tấn; cá mú cọp cỡ nhỏ (dưới 0,5 kg/con) là 2.500 con; cá mú nghệ, cá bớp (cỡ 0,7 - 1,5 kg/con) khoảng 400 con; cá gáy khoảng 60 kg. Tổng giá trị thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đánh giá, nguyên nhân cá chết được xác định là do thời tiết quá nắng nóng, một số loại tảo bị chết khi phân hủy làm nước bị thiếu ôxy, gây mùi tanh hôi và vẩn đục. Khu vực nuôi của 7 hộ dân không có luồng nước chảy vào đúng thời điểm rong, tảo chết khiến cá nuôi trong vùng nước tù thiếu ôxy và chết. Đồng thời, vào thời điểm xảy ra sự cố hộ nuôi không có người canh trực để xử lý sục ôxy kịp thời. Hiện nay, theo yêu cầu của các cơ quan chức năng, các hộ nuôi đã di chuyển lồng bè ra ngoài khu vực biển sâu hơn, có dòng nước chảy, từ ngày 10/5/2016 đến nay hiện tượng cá chết đã không còn xảy ra.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Sở NN&PTNT và huyện Phú Quý thông báo kết quả kiểm tra cho người dân được biết. Ngoài ra, tập trung hướng dẫn người nuôi trang bị đầy đủ các thiết bị xử lý môi trường khi có sự cố xảy ra; bố trí người trực tại lồng nuôi 24/24h, kịp thời thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện có dấu hiệu bất thường về môi trường và cá nuôi để xử lý kịp thời. Chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên bám sát vùng nuôi, hướng dẫn và yêu cầu người nuôi di chuyển lồng bè đến khu vực có điều kiện môi trường tốt để hạn chế rủi ro xảy ra.