Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính, đã có hơn 40 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, trị giá hơn 110.000 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, phát hành nhiều nhất là nhóm các tổ chức tín dụng, thứ hai là nhóm doanh nghiệp bất động sản. Khối lượng trái phiếu phát hành mới này chủ yếu được hấp thụ từ các nhóm nhà đầu tư tổ chức như các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, còn lại là các nhà đầu tư cá nhân chiếm rất ít, chỉ khoảng 5%.
Cũng theo báo cáo này, các đợt phát hành mới có lãi suất bình quân 7,41% một năm, kỳ hạn trung bình khoảng 4 năm. Ngoài ra, có gần 15% trái phiếu phát hành có điều khoản đảm bảo.
Phát hành mới tăng, tuy nhiên tình hình thanh toán nghĩa vụ tài chính với trái chủ của các doanh nghiệp vẫn chưa có nhiều cải thiện, khi chỉ có gần 60.000 tỷ đồng trái phiếu được mua lại trong nửa đầu năm, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm năm 2023.
Không chỉ với các doanh nghiệp đã chậm trả, áp lực thanh toán vẫn đang hiện hữu. Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, nửa cuối năm 2024, ước tính sẽ có khoảng gần 140.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 42%.
Trước áp lực trả tiền vẫn cao, nhiều doanh nghiệp tích cực đàm phán với trái chủ để xin gia hạn nợ, kéo dài thêm kỳ hạn trả lãi, giảm lãi suất. Với một số doanh nghiệp bất động sản thì chọn giải pháp hoán đổi trái phiếu sang trả bằng bất động sản. Trước tình hình này, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục theo dõi thị trường, đặc biệt là các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, phục hồi thị trường bất động sản.