Có thể khẳng định, với một xã hội có nền chính trị, cơ chế quyền lực tập trung như nước ta, hành vi đưa hối lộ là hành vi bị bắt ép, bất đắc dĩ.
Trước khi có thể quy tội cho hành vi này, hãy trả cho những người thực hiện nó quyền được sống minh bạch, được phục vụ sau khi đã trả tiền sòng phẳng, quyền tống cổ tức khắc những kẻ được họ thuê giúp việc nhưng lại bán đứng họ, ra khỏi bộ máy do chính họ đổ xương máu, mồ hôi để dựng nên.
Bộ luật Hình sự Việt Nam coi việc công dân đưa hối lộ là một tội nặng, nguy hiểm, có khung hình phạt tới mức tù chung thân. Điều luật này được ban hành khi mà nạn tham nhũng, ăn hối lộ cắm rễ sâu vào trong cơ thể xã hội, phát triển tới mọi ngóc ngách, trở thành quốc nạn. Hối lộ cũng góp một phần cho tệ nạn nguy hiểm ấy gia tăng, đánh phá và làm hư hỏng các cơ quan quyền lực nhà nước. Có lẽ vì thế, mục đích của việc trừng trị tội đưa hối lộ là để cắt đi một chân rết, một nguồn phát sinh của tham nhũng.
Không có gì phải ghi ngờ mục tiêu này.
Nhưng mong muốn là một chuyện, hiệu quả của nó có được như mong muốn luôn là chuyện khác xa. Ngay cả một định nghĩa chính xác về hành vi đưa hối lộ cũng còn chưa có, thường bị đánh đồng với hành vi chia chác, cống nộp, rửa tiền, móc túi nhà nước dưới dạng quà biếu... Trên thực tế, kể từ khi tội đưa hối lộ được bổ sung cả nội dung hành vi lẫn tăng mức hình phạt theo hướng nghiêm khắc hơn vào bộ luật, thì tệ nạn tham nhũng, trong đó chủ yếu là nhận hối lộ, không hề vì thế mà thuyên giảm, thậm chí có phần còn tăng lên. Sở dĩ như vậy vì những nhà làm luật đã không xét đến môi trường chính trị của những mối quan hệ pháp lý khá riêng biệt của nước ta, gắn với cơ cấu quyền lực chi phối trách nhiệm và lợi ích cá nhân công dân. Với việc trừng phạt người đưa hối lộ, những kẻ nhận hối lộ còn cảm thấy có thêm sự “hậu thuẫn” để ung dung đút tiền vào túi, vì nếu người đưa hối lộ tố cáo họ thì cũng đang tự tố cáo mình trước.
Từ lâu, tôi và có thể nhiều người đã rất bận tâm với việc cần phân biệt tính chất của hành động đưa hối lộ ở Việt Nam, với hành động tương tự tại một quốc gia khác về thể chế chính trị. Để từ đó có cái nhìn chính xác về gốc rễ căn bệnh trầm kha này và có được sự công bằng hơn khi xử lý tội đưa hối lộ, với mục đích cao nhất là hạn chế tệ tham nhũng.
Nhưng tôi chưa tìm thấy thời cơ thích hợp, ít nhất ở khía cạnh có nhiều người quan tâm, để nêu vấn đề. May thay, vừa có hẳn một cuộc hội thảo về biện pháp phòng chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ tổ chức, trong đó nhiều ý kiến nghiêm túc cho rằng không nên xử lý người đưa hối lộ nhằm khuyến khích công dân tăng cường cáo giác tham nhũng.
Tôi tán thành quan điểm này và cảm thấy đây là lúc cần phải nói ra những suy nghĩ gan ruột của mình. Việc chủ động đưa và nhận hối lộ giữa các công dân vì mục tiêu vụ lợi phi nghĩa hoặc trốn tránh pháp luật, rất dễ xác định, là phạm tội hiển nhiên, thuộc số ít và không nằm trong mối quan tâm của bài viết này.
Mối quan tâm của tôi nhằm vào hơn 90 phần trăm những vụ đưa và nhận hối lộ còn lại, trong đó đối tượng nhận hối lộ (dưới muôn vàn hình thức, trong đó chủ yếu được nguỵ trang dưới dạng nhận quà biếu) là quan chức đại diện cho chính quyền nhà nước. Nếu ông ta hay bà ta không nắm trong tay chút quyền lực nhà nước, sẽ không có bất cứ chuyện gì xảy ra. Vì vậy, với những trường hợp này, bất kể việc đưa hối lộ vì mưu cầu lợi ích hay nhằm chạy tội, thì chúng đều có cùng bản chất là mua quyền lực, mua luật pháp. Người đại diện cho nhà nước không có gì khác để ngã giá, đổi chác, mua bán ngoài quyền lực mà nhà nước trao cho ông hay bà ta. Trong khi đó, như những gì chúng ta vẫn nói, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Vậy là việc đưa hối lộ ở Việt Nam có thêm mầu sắc bi hài bởi người dân phải bỏ tiền mua lại thứ của chính mình một cách lén lút và luôn bị ép giá. Điều bi thương này là chỗ khác biệt với các hành vi tương tự ở những nước quyền lực thuộc về những lực lượng chính trị mạnh nhất xã hội.
Không ai tự nhiên lại bỏ tiền để biến cả chính mình cũng thành phi pháp khi chạm vào tài sản của mình, nếu không vì bị bức bách. Trừ một số ít trường hợp người đưa hối lộ nhằm tới việc chủ động thao túng lợi ích, còn lại trong đa số trường hợp, việc làm đó mang tính chất của một hành động mưu cầu thụ động: Mưu cầu sự thuận lợi trong công việc (cho mình và cho người thân), mưu cầu lợi ích (để không bị ngăn cản làm ăn, nhiều khi bằng những hành vi phi pháp của người thi hành công vụ nằm ngoài khả năng phòng trừ của mình), mưu cầu sự bình an (không bị làm phiền), thậm chí là mưu cầu sự sống còn (trong trường hợp hối lộ để được bảo vệ khỏi kẻ ác tấn công, để được đảm bảo mạng sống, được cứu chữa bệnh kịp thời mà nếu chậm trễ có thể dẫn đến tử vong…).
Thậm chí trong nhiều trường hợp, việc đưa hối lộ còn đồng nghĩa với hành vi đạo đức, sự hiếu thảo? Chẳng hạn, nhờ làm thế mà cứu được người thân khỏi hiểm nghèo. Hãy xét đến trường hợp người muốn thực thi pháp luật không còn con đường nào khác, con đường đáng lẽ họ luôn phải có, thì hành vi đưa hối lộ của họ là hành vi của người cùng đường tìm cách giảm thiểu rủi ro. Một kiểu phòng vệ chính đáng. Họ có quyền không thể tranh cãi khi làm việc đó.
Nhưng vì làm thế mà họ phạm tội, xét theo tiêu chuẩn và những quy định pháp lý hiện hành. Vấn đề rút lại chỉ là: Tại sao tồn tại một môi trường xã hội không thể rạch ròi về hành vi mang tính đối nghịch rõ ràng? Hẳn nhiên điều này không thể quy cho do lỗi của người dân. Cũng như việc biến mối quan hệ quyền lực, bị giàng buộc bởi các nguyên tắc đạo đức và pháp lý, thành thứ quan hệ làm ăn thông thường, lỏng lẻo, tuỳ biến, có thể thoả thuận, mua bán, đổi chác ngay ngoài đường ngoài chợ… là lỗi của cơ quan nhà nước, của những người nắm giữ quyền lực nhà nước (họ không bán thì chẳng ai có thể mua được), chứ không phải từ phía người dân bình thường. Nói khác đi hành vi nhận hối lộ là hành vi bán đứng quyền lực nhà nước, bán đứng nhân dân mà mình là đại diện. Người nhận hối lộ do đó đã phạm hai tội một lúc: Bán thứ không được phép, và bán thứ không phải của mình. Tức là cùng lúc những người đó tham nhũng cả tiền bạc, luật lệ và đạo đức. Không công dân nào có thể sống ngay thẳng, minh bạch trong một môi trường mà những kẻ đại diện cho mình lại vô liêm sỉ như vậy. Và cách mà họ dùng tiền để loại bớt rủi ro bởi những kẻ đó gây ra, vẫn chưa phải là cách tiêu cực nhất.
Kết luận lại: Đưa hối lộ hiển nhiên là một tội hình sự, vì nó làm méo mó kỷ cương, gây phương hại cho xã hội và khuyến khích công dân phớt lờ những quy định luật pháp. Không có gì phải bàn cãi về điều đó khi phần lớn nhân loại đều quan niệm như vậy. Nhưng việc xử lý nó lúc này với hoàn cảnh nước ta (đặt ngang với việc xử lý tội nhận hối lộ), xét trên những gì chúng tôi vừa trình bày, là chưa thoả đáng về cả lý và tình, cao hơn nữa là chưa đảm bảo tốt nhất lợi ích quốc gia nếu cùng nhất trí rằng, tham nhũng là tệ nạn xúc phạm nhân phẩm dân tộc, ngăn cản đà phát triển đất nước một cách nguy hiểm nhất hiện nay, cần phải bị diệt trừ khẩn cấp.
Đã đến lúc phải nói ra điều này, rằng pháp luật là những nguyên tắc, mang tính khuôn phép, nhưng trước hết nó cũng là nơi thể hiện rõ nhất sự khôn ngoan, linh hoạt của cộng đồng.