Hôm bữa, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin cho các cử tri của thành phố biết, tuyến BRT Hà Nội được Ngân hàng Thế giới họ đánh giá cao và hiệu quả.
Chủ tịch Chung không quên khẳng định đó là ý kiến của Ngân hàng Thế giới chứ ông không mang ý tranh luận lại các cử tri về hiệu quả của tuyến buýt này.
Rất may đó là ý kiến của Ngân hàng Thế giới không phải của ông Chủ tịch thành phố, chứ không thì...
Bởi ngay sau đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận thanh tra về nhiều sai phạm của tuyến buýt nhanh BRT Hà Nội. Trong đó, về hiệu quả của tuyến buýt này được báo cáo khẳng định: "Mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của thành phố”.
TTCP còn đánh giá, việc đầu tư xe buýt nhanh BRT chưa đồng bộ, chưa tạo ra lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng, như các nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ chưa thuận tiện cho người sử dụng.
Xe buýt nhanh BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.
Có một nội dung kết luận kỳ lạ và thú vị vô cùng là để xây dựng tuyến buýt nhanh với tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD UBND TP Hà Nội tổ chức ba đoàn đi nghiên cứu, khảo sát mô hình này tại Brazil, Colombia, Ecuado, Indonesia (năm 2004; 2009; 2014). Tuy nhiên, một đoàn không có báo cáo kết quả, 2 đoàn có báo cáo nhưng lại không thể hiện nội dung liên quan đến khảo sát. Các tổ được cử đi không có tài liệu để tham gia, đóng góp đối với việc lập dự án đầu tư, thiết kế, dự toán xe BRT.
Không biết đoàn khảo sát đã "nhầm chủ đề" hay còn nguyên nhân nào khác? Cuộc khảo sát này cũng như trăm ngàn cuộc khảo sát nước ngoài khác ở nước ta, đều vô cùng thú vị và khôi hài.
Chưa hết, theo TTCP việc lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu từ năm 2008 đến năm 2014 thiếu đồng bộ, quy mô gói thầu chưa hợp lý, phải bổ sung điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến việc tổ chức đấu thầu bị chậm không đúng theo kế hoạch được phê duyệt.
Đặc biệt, trong dự toán 7 gói thầu xây lắp có khoản chi phí huy động, giải thể công trường đã nằm trong chi phí trực tiếp, chi phí chung. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn lập thêm để mời thầu, ký hợp đồng, nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu, gây thất toán ngân sách nhà nước hơn 332 triệu đồng.
Việc thực hiện một số gói thầu thi công xây lắp, cung cấp lắp đặt thiết bị cũng để xảy ra sai phạm, gây thất thoát ngân sách hơn 15 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư thực hiện một số thủ tục chưa tuân thủ theo mẫu hồ sơ mời thầu và hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới, như không lập dự toán theo nhóm xe sản xuất, lắp ráp trong nước mà chỉ lấy báo giá xe nhập khẩu nguyên chiếc làm căn cứ mời thầu. Phần bổ sung các thiết bị gói thầu CP08 17,7 tỷ đồng không được tổ chức đầu thầu, vi phạm Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng.
Chuyện hiệu quả của tuyến buýt nhanh BRT Hà Nội không phải sau khi TTCP kết luận người dân mới biết. Ngay từ khi mới đưa vào sử dụng (chậm 9 năm so với phê duyệt) thì đã nhìn thấy sự bất cập. Chỉ duy có các cấp lãnh đạo thành phố thì luôn khẳng định và tái khẳng định với người dân rằng nó hiệu quả?
Nhưng giờ thì ai cũng rõ, đã có sự lấp liếm ở BRT.