Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder đã lên tiếng kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Nga mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt sau khi Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga, Sputnik đưa tin.
Theo đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Tagesspiegel của Đức, cựu Thủ tướng Schroeder đã đề cập đến cuộc Chiến tranh thế giới II, và nói rằng “không thể không đánh giá cao thực tế là mặc dù nhiều bất chấp những tổn thất khủng khiếp trong quá khứ, nước Nga vẫn sẵn sàng hiệp lực với nước Đức mới trong tinh thần tin cậy”.
Cựu Thủ tướng Đức Schroeder
“Việc chúng ta ủng hộ biện pháp trừng phạt chống Nga là trái ngược với thực tế đó. Thứ nhất, trừng phạt lại gợi lên những ký ức lịch sử ở Nga, và thứ hai, trừng phạt dù cách gì vẫn không thay đổi được chính sách của Nga”, ông Schroeder nói.
Cựu Thủ tướng Schroeder nhấn mạnh rằng sự hợp tác với Liên bang Nga đặc biệt cần thiết, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
“Chính lúc này, khi cuộc khủng hoảng do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra đặt chúng ta trước nhiều khó khăn trong kinh tế, càng cần hợp tác nhiều hơn. Do đó, cần phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt vô nghĩa”, cựu Thủ tướng Schroeder nhận định.
Ông Schroeder cũng nhấn mạnh rằng, bất cứ ai cho rằng thông qua trừng phạt có thể buộc Nga làm điều gì đó, “đều là sai lầm”. “Không một Tổng thống Nga nào sẽ trao Crimea cho Ukraine. Đó là một thực tế”, cựu Thủ tướng Đức tuyên bố.
Quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây trở nên xấu đi do tình hình Ukraine và xung quanh việc Crimea sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 18/3/2014. Những lệnh trừng phạt của phương Tây sau đó mặc dù ảnh hưởng đến đời sống và công việc của hàng chục quan chức lẫn doanh nhân Nga, tuy nhiên không tạo được tổn thất quá lớn lên chính quyền Moscow.
Còn Nga thực hiện biện pháp trả đũa phản trừng phạt, hướng tới thay thế nhập khẩu và thông báo rằng nói chuyện bằng ngôn ngữ trừng phạt sẽ không hiệu quả. Moscow nhiều lần tuyên bố rằng Nga không phải là một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine và không phải là đối tượng của Thỏa thuận Minsk về giải quyết khủng hoảng. Gần đây, tại các nước EU ngày càng thường xuyên có những ý kiến về sự cần thiết dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga.