Lo ngại chứng ưa sống ẩn dật của con trai mình có thể là mối đe dọa cho xã hội, Hideaki Kumazawa, cựu quan chức cấp cao người Nhật đã dùng dao tấn công con trai ruột.
Ngày 3/6, truyền thông Nhật Bản đưa tin, Hideaki Kumazawa, chính thức trở thành nghi phạm của vụ án hình sự với cáo buộc đâm chết con trai ruột.
Ông Kumazawa, năm nay 76 tuổi, từng giữ chức thứ trưởng bộ nông nghiệp trong thời kỳ đỉnh điểm của dịch bò điên năm 2001, trước khi chuyển sang cương vị đại sứ ngoại giao tại Cộng hòa Séc.
Trước đó, ngày 1/6, cảnh sát thành phố Tokyo đã tiến hành bắt giữ ông Hideaki Kumazawa, khi nhận được cáo buộc ông này dùng dao đâm người con trai 44 tuổi.
Hideaki Kumazawa, 76 tuổi, cựu thứ trưởng bộ nông nghiệp Nhật Bản, bị cảnh sát áp giải tại đồn cảnh sát Nerima ở Tokyo vào ngày 3/6. (Nguồn ảnh: Kyodo/REUTERS)
Theo lời khai của cựu quan chức Nhật Bản, người con trai 44 tuổi sống cùng ông là một kẻ ưa sống ẩn dật (hikikomori) và đôi lúc có những biểu hiện bạo lực. Mâu thuẫn xảy ra giữa hai cha con khi con trai ông Kumazawa cáu gắt với tiếng ồn vọng lại từ một trường học gần nhà. Hideaki Kumazawa đã kết thúc cuộc tranh cãi bằng nhát dao đâm con trai mình.
Đài NHK cho biết, hành vi của ông Hideaki Kumazawa xuất phát từ nỗi lo sợ con trai ông, với tính cách của một kẻ “hikikomori”, sẽ trở thành hiểm họa lớn của xã hội. Nỗi lo sợ này bị thôi thúc từ vụ chém giết học sinh rúng động Nhật Bản cuối tháng 5 vừa qua. Hung thủ dùng dao chém bừa bãi vào nhóm học sinh tiểu học trước khi tự sát cũng là một người đàn ông trung niên “hikikomori” như con trai ông Kumazawa.
Thuật ngữ “hikikomori” đề cập tới hiện tượng những người sống ẩn dật, giam mình trong nhà hoặc phòng riêng, cách ly hoàn toàn với giao tiếp xã hội trong thời gian từ sáu tháng trở lên. Những người theo lối sống “hikikomori” chủ yếu là nam giới, thường ở cùng bố mẹ. Đây không phải một căn bệnh, mà là trạng thái tâm lý.
“Hikikomori” được xem là vấn nạn của xã hội Nhật hiện đại khi độ tuổi của những người rơi vào trạng thái tâm lý này đang bị già hóa. Không chỉ phổ biến trong nhóm thanh niên 20 tuổi nghiện game, thống kê gần đây cho thấy, có tới hơn 600.000 “hikikomori” người Nhật trong độ tuổi 40 đến 64.