Sáng nay (23/5), phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cùng 16 bị cáo trong vụ án khai thác khoáng sản trái phép xảy ra tại địa phương này bước sang ngày làm việc thứ 4, đại diện VKS đã nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo.
Đối với các bị cáo ở tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, VKS nhận thấy hành vi của các bị cáo là xâm phạm đến uy tín của nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xâm phạm tính đúng đắn trong công tác quản lý nhà nước, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hành vi phạm tội này có tính chất đồng phạm, các bị cáo không có sự bàn bạc thống nhất khi thực hiện hành vi phạm tội và đều là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.
Vì vậy, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với cương vị công tác, chức trách nhiệm vụ được Đảng và nhà nước giao.
Tuy nhiên, trong công tác quản lý nhà nước, bị cáo Nguyễn Văn Vịnh chịu trách nhiệm chính, các bị cáo Doãn Văn Hưởng, Nguyễn Thanh Dương… là người thực hành.
Về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, VKS xác định Nguyễn Mạnh Thừa là người trực tiếp chỉ đạo, tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng Apatit các loại ở khu vực 5.99ha thuộc Khai trường 18, trị giá hơn 610 tỷ đồng. Vì vậy, Thừa là người phải chịu trách nhiệm chính về tội danh này…
Với phân tích nêu trên, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Thừa, Giám đốc Công ty Lilama mức án từ 3 năm - 3 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và mức án từ 4 - 5 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hợp hình phạt chung cho cả 2 tội danh, bị cáo Thừa bị đề nghị xử phạt mức án từ 7 - 8 năm 6 tháng tù.
Với các bị cáo phạm tội: “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” gồm: Nguyễn Quang Huy bị đề nghị xử phạt mức án từ 3 năm - 3 năm 6 tháng tù; Phạm Cao Khiêm bị đề nghị mức án từ 2 năm 6 tháng - 3 năm tù; Nguyễn Ngọc Bích bị đề nghị mức án 2 năm 6 tháng - 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Lương Văn Na bị đề nghị mức án từ 2 năm 6 tháng - 3 năm tù; Cao Văn Tham bị đề nghị xử phạt mức án từ 2 năm - 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Văn Bình 2 năm 6 tháng - 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Văn Chung bị đề nghị xử phạt mức án từ 2 năm 6 tháng - 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Với các bị cáo phạm tội: “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ” gồm: Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai bị đề nghị mức án từ 5 - 6 năm tù; Doãn Văn Hưởng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh bị đề nghị mức án từ 4 - 5 năm tù; Nguyễn Thanh Dương, cựu Phó Chủ tịch tỉnh bị đề nghị mức án từ 2 năm đến 3 năm tù; Lê Ngọc Hưng, cựu Phó Chủ tịch tỉnh bị đề nghị mức án từ 3 năm đến 4 năm tù; Mai Đình Định bị đề nghị mức án từ 3 đến 4 năm tù; Phan Văn Cương bị đề nghị mức án từ 2 đến 3 năm tù; Ngô Đức Hoàng 2 năm đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Lê Ngọc Dương 2 đến 3 năm tù; Vũ Đình Thuỷ bị đề nghị mức án từ 2 năm - 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Theo cáo trạng truy tố, Nguyễn Mạnh Thừa là người trực tiếp chỉ đạo, tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép 1,5 triệu tấn quặng Apatit các loại tại khu vực thuộc Khai trường 18, trị giá hơn 610 tỷ đồng. Vì vậy, bị cáo phải chịu trách nhiệm chính về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.
Về hành vi “Rửa tiền”, cáo trạng xác định, toàn bộ số tiền hơn 451 tỷ đồng thu được từ việc khai thác, bán 1,3 triệu tấn quặng Apatit từ năm 2013 - 2015, Nguyễn Mạnh Thừa đã chỉ đạo nhân viên Công ty Lilama đưa vào hạch toán hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo sổ sách, chứng từ và hồ sơ báo cáo quyết toán thuế hàng năm của công ty thì toàn bộ số tiền thu được từ việc khai thác, bán quặng đã được Công ty Lilama sử dụng vào nhiều việc khác nhau.
Quá trình điều tra xác định, để hợp thức nguồn tiền thu được từ việc khai thác quặng Apatit trái phép, Thừa thỏa thuận với 12 cá nhân mà Công ty Lilama thuê vận chuyển quặng và đất đá cho bị cáo mượn tài khoản để doanh nghiệp chuyển nhờ số tiền thu được vào tài khoản của các cá nhân này sau đó trả lại cho Thừa.
Được các cá nhân này đồng ý, Thừa chỉ đạo kế toán của Công ty Lilama lập các hợp đồng, biên bản nghiệm thu để nâng khống giá cước vận chuyển quặng, đất đá và nâng khống khối lượng đất đá. Sau đó, bị cáo chỉ đạo nhân viên đến Chi cục thuế huyện Bảo Thắng và Chi cục thuế TP. Lào Cai mua hóa đơn bán lẻ theo các hợp đồng kinh tế cùng biên bản nghiệm thu khống.
Tiếp đó, Thừa chỉ đạo nhân viên kế toán của Lilama thực hiện chuyển tiền thu được từ việc bán quặng Apatit đã khai thác trái phép từ tài khoản của công ty vào tài khoản của 12 cá nhân này.
Cáo trạng kết luận từ năm 2013 - 2015, Thừa đã chỉ đạo thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của Công ty Lilama vào tài khoản của 12 cá nhân trên nhiều lần với tổng số tiền hơn 182 tỷ đồng, trong đó hơn 5,6 tỷ đồng là tiền cước vận chuyển quặng, đất đá thực tế 12 cá nhân này được nhận; còn lại hơn 177 tỷ đồng là tiền nâng khống.
Sau khi 12 cá nhân nhận được tiền vào tài khoản đã cùng kế toán của doanh nghiệp rút tiền mặt về đưa cho Thừa hoặc nộp vào tài khoản cá nhân của Thừa.
Đối với số tiền hơn 177 tỷ đồng, Nguyễn Mạnh Thừa khai nhận đã sử dụng vào nhiều việc. Trong đó, 2,1 tỷ đồng để mua 1 lô đất diện tích 465m2 tại phường Bắc Cường (TP. Lào Cai) của Công ty Tập đoàn Nam Tiến, rồi cho con trai đứng tên chủ sở hữu.
Chuyển hơn 33 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty CP Đồng Tả Phời để mua cổ phần. Số cổ phần này về sau chuyển cho Công ty TNHH MTV Triệu Tiến Vương do con trai Thừa làm Giám đốc.
Ngoài ra, Thừa rút 5 tỷ đồng và mở tài khoản tiết kiệm cho con gái; sử dụng hơn 6 tỷ đồng mua đất của các hộ dân ngoài phạm vi 3,77ha để khai thác khoáng sản trái phép; sử dụng 5 tỷ đồng để "biếu" cựu Bí thư Nguyễn Văn Vịnh...