Cuối tháng 7, sẽ nạo vét, cải tạo hồ Hoàn Kiếm

Đỗ Việt| 30/05/2017 18:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 30/5, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, cuối tháng 7/2017, sẽ tiến hành nạo vét, cải tạo hồ Hoàn Kiếm. Thời gian thi công dự kiến 120 ngày.

Thông tin tại buổi giao ban, ông Võ Tiến Hùng cho biết phương án nạo vét hồ Hoàn Kiếm đã được UBND thành phố Hà Nội và ngành chức năng phê duyệt và giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội thi công.

Cuối tháng 7, sẽ nạo vét, cải tạo hồ Hoàn Kiếm

Lãnh đạo Sở Xây dựng, Hà Nội, Công ty Thoát nước Hà Nội thông tin với báo chí

Trước đó, theo báo cáo của Công ty thoát nước Hà Nội, hiện nay, tình trạng nước trong hồ chuyển sang màu đỏ, mật độ tảo lớn, hồ đang bị bồi lắng nhiều bùn đất, gây ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường hồ. Chất lượng nước hồ ngày càng suy giảm, độ pH luôn ở mức cao từ 9,05 đến 9,46.

Cặn lơ lửng trong hồ cao hơn tiêu chuẩn cho phép ở cả 5 vị trí quan trắc; hồ đang trong tình trạng bị ô nhiễm hữu cơ với BOD, COD gấp gần 2 lần so với quy chuẩn cho phép…

Kết quả khảo sát chiều dày đáy bùn, khảo sát chiều dày lớp bùn đáy hồ tại 14 vị trí cho thấy, từ chân kè ra ngoài 5m là nền cứng với nhiều gạch, đá; ngoài phạm vi trên là lớp bùn, chỗ dày nhất là 1,06m.

Trước thực tế trên, Công ty Thoát nước Hà Nội đã xây dựng phương án cải tạo hồ Hoàn Kiếm bằng phương án nạo vét bùn.

Theo đó, sẽ nạo vét toàn bộ lòng hồ để đảm bảo không bị sạt lở kè xung quanh hồ, kè Tháp Rùa, kè đền Ngọc Sơn. Phạm vi nạo vét phải đảm bảo cách mép chân kè các công trình trên là 7,0m.

Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: “Đối với Hồ Hoàn kiếm phải giữ được tảo đặc thù là tảo xanh. Trong nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, chúng tôi cũng đề nghị các nhà khoa học phân tích xem còn tảo đặc hữu không, nếu còn sẽ lưu giữ lại để sau khi cải tạo sẽ cấy lại đảm bảo đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm”.

Hà Nội còn 18 điểm ngập úng

Báo cáo về công tác đảm bảo thoát nước mùa mưa năm 2017, ông Võ Tiến Hùng cho biết, với các trận mưa nhỏ hơn 50mm/2 giờ, cơ bản trên địa bàn Thành phố chỉ tồn tại một số điểm ứ đọng nước khi mưa do đường trũng.

Tuy nhiên, với các trận mưa có lượng lớn hơn 50mm – 100mm/2giờ thì dự kiến, hiện Hà Nội tồn tại 18 điểm úng ngập cố hữu, trong đó 13 điểm thuộc địa bàn giao Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội thực hiện quản lý, duy tu trong năm 2016 (ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành – Bát Đàn nhà Hoả, Cao Bá Quát, Đội Cấn, Ngã ba La Pho – Thuỵ Khuê, Minh Khai – chân cầu Vĩnh Tuy, đường Giải phóng – đoạn trước cửa bến xe phía Nam, Nguyễn Chính, Thanh Đàm, Nguyễn Khuyến, Trường Trinh, Hoa Bằng, Phạm Văn Đồng); phát sinh 5 điểm trên địa bàn mới tiếp nhận sau quyết định 41 gồm 2 điểm trên địa bàn quận Hà Đông (ngã ba Phan Đình Giót – Quang Trung, đường Yên Nghĩa – bến xe Yên Nghĩa); quận Long Biên có 3 điểm gồm Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp, Cổ Linh và một số điểm úng ngập nhỏ lẻ trong các ngõ, ngách, khu dân cư.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuối tháng 7, sẽ nạo vét, cải tạo hồ Hoàn Kiếm