Dành trọn tuổi đời thanh xuân cho cách mạng mà quên đi hạnh phúc cho riêng mình, không chồng, không con, không nhà cửa, cuộc sống của bà Võ Thị Mãi (phường An Sơn, TP Tam Kỳ) vô cùng khó khăn trong căn nhà trọ dột nát.
Tuổi xuân dành trọn cho cách mạng
Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thông cách mạng ở xã Tam Dân (Phú Ninh, Quảng Nam), 14 tuổi nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà Võ Thị Mãi (sinh năm 1927) đã cùng với những “nam thanh nữ tú” trong làng tham gia du kích làm giao liên ở địa phương.
Sau ngày cách mạng Tháng Tám thành công, cơ sở cách mạng ta được thành lập nhiều nơi và gia đình bà đã trở thành nơi hoạt động bí mật, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng trong thời chiến.
Những tháng ngày tù đày, áp bức tưởng chừng không giữ được mạng sống, người con gái đó vẫn một lòng kiên trinh. Trong câu chuyện với chúng tôi, dù sức khỏe đã không còn như xưa nhưng mỗi khi nhớ lại những ngày tháng tham gia cách mạng, bị địch giam cầm, tra tấn bà Mãi không kìm được nước mắt.
“Ngày đó, tụi chúng (quân địch – PV) tra tấn hết sức tàn bạo với những tù nhân nữ. Có những lần chúng dùng nước sôi để ngâm chân, dùng gáo dừa đánh vào vùng kín để làm nản lòng nhằm lấy thông tin của quân cách mạng ta. Nhưng ngày đó, ở đâu cũng sôi sục tinh thần “thà chết chứ không chịu khai” nên chúng đành bỏ cuộc trong những lần tra tấn cực hình. Đã có rất nhiều chị em không chịu được những đòn tra tấn đã lâm bệnh mà ra đi”, bà Mãi nghẹn ngào nhớ lại.
Căn trọ dột nát mà bà Mãi đang thuê ở TP Tam Kỳ
Đến nay, chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, có dịp thăm lại o du kích kiên cường ngày nào, nơi căn nhà cấp 4 dột nát, ẩn sâu trong con ngõ ở đường Trần Cao Vân thuộc khu phố 4, phường An Sơn (TP Tam Kỳ), chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước cuộc sống khó khăn của bà.
Ngần ấy năm sau chiến tranh, mỗi khi trái gió trở trời, những cơn đau lại hành hạ thể xác của bà, nhưng vì kế sinh nhai, vì cuộc sống, bà phải bươn chải nhiều nghề để kiếm sống. Tuổi thanh xuân bà dành trọn cho cách mạng mà quên đi cuộc sống hạnh phúc cho riêng mình.
Không như những người phụ nữ khác là được làm mẹ, làm vợ, bà vẫn sống với cảnh “cô đơn” không chồng, không con hạnh phúc như bao người phụ nữ khác. Với lô đất chưa đầy 100 m2 được ba mẹ để lại, bà cũng đành ngậm ngùi chuyển lại cho người cháu để có kinh phí chữa trị bệnh. Năm 2001, bà về ở cùng với người cháu họ ở TP Tam Kỳ để làm nơi nương tựa tuổi già.
Số tiền ít ỏi hàng tháng hưởng chính sách từ chế độ của người có công với cách mạng ưu đãi đặc biệt và người hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt, tù đày không đủ tiền trang trải thuốc thang, thuê nơi ở. Nay tuổi đã ngoài 90, bà vẫn ngày đêm vẫn chống chọi với căn bệnh thận cấp độ 3 cùng bệnh tim hành hạ.
Bà Võ Thị Mãi đang sống trong căn nhà dột nát
Chính quyền chậm giải quyết chế độ chính sách?
Nắm bắt được hoàn cảnh của bà, UBND phường An Sơn (TP Tam Kỳ) đã có tờ trình lên UBND TP Tam Kỳ để có chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công cách mạng đặc biệt.
Ông Nguyễn Tho Pha – Chủ tịch UBND phường An Sơn, TP Tam Kỳ, Quảng Nam cho biết: “Bà Võ Thị Mãi đã nhập khẩu và sinh sống ở phường đã hơn 10 năm nay. Hiện nay, bà đang vô cùng khó khăn về nhà ở, là đối tượng người có công cách mạng được hưởng chế độ nhà ở theo như quyết định 118 của Chính phủ. Từ cơ sở trên, UBND phường An Sơn đã 2 lần tổ chức họp và có tờ trình gửi lên UBND TPTam Kỳ nên xem xét để bà Võ Thị Mãi được mua lô đất theo Quyết định 118, của Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn chính đáng. Vì bà Mãi hiện nay không có chồng con, không có đất, không có nhà ở ổn định mà phải đi thuê nhà ở tạm tại khu phố 4 của phường”.
Trước đề xuất của UBND phường An Sơn, ngày 27/7/2015, ông Bùi Ngọc Ảnh – Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ đã ký thông báo số 372/TB – UBND về việc bố trí đất ở đối với bà Võ Thị Mãi ở phường An Phú, cách trung tâm TP hơn 5 km.
Tuy nhiên khi trả lời câu hỏi về việc bà Mãi là người có công cách mạng đặc biệt, bị tù đày nhưng vẫn không được hưởng chế độ về nhà ở như Quyết định 118 của Chính phủ đã ban hành, ông Bùi Ngọc Ảnh – Phó chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết: “Về mặt đối tượng hưởng Quyết định 118 của Chính phủ của bà Mãi là đúng và UBND TP Tam Kỳ đã giao cho các ban, ngành thành phố bố trí cho bà lô đất để thực hiện chế độ vì hiện nay bà không có đất ở và đang phải thuê tạm nhà ở. Nhưng khi hội đồng xét duyệt bà lại không thuộc đối tượng được hưởng”.
Dù đã xác nhận hiện nay bà Mãi không có đất và nhà ở nhưng ông Ảnh cho rằng, trước kia bà đã có đất ở quê nên không được xét duyệt lần này nữa. Còn việc ra thông báo bố trí đất ở với bà Mãi ngày 27/7/2015, đã không còn giá trị pháp lý do bà không thuộc đối tượng được hưởng chế độ”.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, ông Bùi Ngọc Ảnh vừa là người ký thông báo việc bán đất cho bà Mãi cũng là người trả lời việc bà Mãi không được quyền mua đất ở TP Tam Kỳ. Dư luận đang đặt ra câu hỏi có gì khuất tất trong việc xét duyệt người được hưởng chế độ ưu đãi về nhà ở đối với người có công cách mạng đặc biệt ở TP Tam Kỳ?