Vào một ngày năm 1995, một người đàn ông tìm đến và nhận Siu Chun là người con thất lạc của ông 20 năm trước. Cuộc đoàn tụ nhanh chóng diễn ra sau đó. Nhưng sau 10 năm sống chung, hai bên nhận ra, họ không phải là ruột thịt của nhau.
Hơn 40 năm trước, người dân xã Ia Hrú, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai thấy nhà vợ chồng ông Rah Lan Blông và bà Siu H’ Puăch bỗng xuất hiện hai đứa bé. Ai hỏi về bọn trẻ, ông bà Blông bảo đó là con của họ. Vì là chuyện tế nhị và ông bà vốn là người kín tiếng nên không ai gặng hỏi thêm hay tìm hiểu về nguồn gốc hai đứa trẻ.
Siu Chun (SN 1970, xã Ia Hrú) là một trong 2 người con ấy. Ngay từ nhỏ, Siu Chun đã nghe dân làng bàn tán về việc mình và người em trai út không phải là con ruột của ông bà Blông. Tuy nhiên, Siu Chun không quan tâm lắm, phần vì chưa hiểu biết nhiều, phần vì được cha mẹ yêu thương, bảo bọc như người anh và người chị cả.
Được sự quan tâm của gia đình, Siu Chun học hành rất tiến bộ. Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Tài chính-Kế toán tỉnh Kon Tum, Siu Chun về nhận công tác tại Trường cấp 2 Ia Le, huyện Chư Sê, phụ trách kế toán. Bạn bè, đồng nghiệp đánh giá năng lực và khả năng phát triển của Siu Chun rất tốt. Tuy nhiên, hành trình tìm cha mẹ ruột đã khiến cuộc đời của Siu Chun rẽ vào ngã khác.
Anh Siu Chun giờ mang tên Nguyễn Bảo Chinh
Một ngày vào năm 1995, Siu Chun đang làm việc tại trường thì được đồng nghiệp thông báo có một người đàn ông đến tìm mình. Người đàn ông giới thiệu mình tên là Nguyễn Ngọc Xem (SN 1941, quê ở thị trấn Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), đi tìm người con trai sinh năm 1970, thất lạc năm 1975.
Nghe đồng nghiệp thông báo, Siu Chun run bắn cả người, bởi anh cũng đang khao khát gặp người cha thất lạc bấy lâu. Rồi hạnh phúc vỡ òa khi người đàn ông đó bảo rằng, anh chính là con của ông, bởi ông nhận diện được nhờ vết thẹo trên trán và đôi vành tai nhỏ.
Từ đó, anh Siu Chun gọi ông Xem là cha. Anh bảo, anh nhớ mãi ngày hôm đó, anh vui không kể xiết, đến nỗi đêm đến anh không ngủ được.
Sau khi nhận nhau, ông Xem dẫn Siu Chun về để ra mắt gia đình tại thị trấn Đức Phổ. Ai cũng mừng vui khi gia đình ông Xem tìm được người con trai thất lạc sau 20 năm.
Bà Nguyễn Thị Thiên Phước (SN 1942, vợ ông Xem) thì khỏi phải nói, bà dành nhiều yêu thương và sự chăm sóc cho người con trai không may gặp phải nhiều thiệt thòi. Mọi thành viên trong dòng họ, gia đình ông Xem cũng hân hoan đón chào sự trở về của anh Siu Chun và dành cho chàng trai nhiều tình cảm.
Ngay sau đó, gia đình ông Xem làm thủ tục chuyển đổi họ tên cho anh, Sin Chun được đổi tên thành Nguyễn Bảo Chinh, đúng với cái tên vợ chồng ông Xem đặt cho người con thứ hai của mình
Tuy nhiên, sau một thời gian chung sống, tình cảm giữa anh Siu Chun và gia đình không được mặn nồng. Cả hai phía đều nhận ra họ có nhiều điểm rất khác biệt khiến họ không thể hòa hợp.
Bà Phước cho biết, dù bà có nhiều lần nhỏ to “Con có gì thì con nói, hoặc là con không thích làm con của má thì con cũng cứ nói ra” nhưng anh con trai vẫn chẳng nói chẳng rằng và có vẻ như u uất điều gì.
Còn anh Siu Chun thì tâm sự, trước sau anh vẫn vậy, vẫn không chối bỏ cuộc trùng phùng, nhưng anh nhận thấy phía gia đình không dành cho anh tình cảm như cha mẹ dành cho con ruột.
Rồi một ngày kia, người con gái đầu của ông bà Rah Lan Blông đến thăm Siu Chun. Không bỏ qua dịp để điều tra lại lai lịch Siu Chun, bà Phước hỏi: “Cha mẹ con nhận nuôi Siu Chun trong hoàn cảnh thế nào?”, người chị trả lời: “Cha mẹ nó chết, gửi nó trong cô nhi viện, cha con nhận về nuôi khi mới có mấy ngày tuổi”. Câu trả lời này đã khiến gia đình bà Phước càng khẳng định, Siu Chun không phải là con ruột của họ.
Đến lúc này, biết rằng cuộc đoàn tụ đã bị nhầm lẫn, Siu Chun muốn quay về quê cũ để trở lại cuộc sống trước kia. Thế nhưng mọi việc đã trở nên quá khó khăn, vì tất cả mọi giấy tờ của anh đã đổi tên thành Nguyễn Bảo Chinh, không còn dấu vết gì của Siu Chun nữa.
Về cuộc nhìn nhận anh Siu Chun, bà Phước cho biết, vì quá thương nhớ con trai mà ông Xem đã nôn nóng, vội vàng. Dù Siu Chun không phải là con ruột nhưng gia đình bà vẫn gọi Siu Chun là con và đối xử tốt như trước đây.
Bà Nguyễn Thị Thiên Phước vẫn đau đáu mong muốn tìm được người con trai thất lạc 40 năm qua
Bà bảo: “Bảo Chinh của tôi đang ở đâu đó. Tôi đối xử tốt với Siu Chun thì Bảo Chinh của tôi cũng được gia đình khác đối xử tốt mà…”. Nói đến đây, người mẹ già lại khóc vì nhớ thương đứa con thất lạc 40 năm trời.
Chuyện “đoàn tụ nhầm” của gia đình ông Nguyễn Ngọc Xem và anh Siu Chun đã làm thay đổi cuộc đời của anh nhân viên kế toán ở huyện Chư Sê. Bao năm nay, anh vẫn đau đáu nhớ mảnh đất Gia Lai, nơi nuôi anh khôn lớn.
Đặc biệt, anh nuối tiếc công việc kế toán mà anh đã làm ở ngôi trường yêu dấu. Anh Siu Chun cho biết, thỉnh thoảng có điều kiện, anh lại trở về Gia Lai để thăm người thân. Các anh chị, họ hàng trên ấy vẫn yêu quý anh như ngày xưa.
Sau khi biết mình không phải là con ruột của ông Xem, bản thân anh cũng hụt hẫng rất nhiều. Lúc này, anh vẫn được vợ chồng ông Xem đối xử tốt và mai mối, cưới vợ cho anh.
Nghĩ mình không phải là con ruột ông bà Xem nên anh tìm cách tự lập, bươn chải mưu sinh. Anh mua một mảnh đất nhỏ sát cạnh đường tàu lửa ven sườn đồi, cách nhà ông bà Xem khoảng 1 cây số và xây dựng nhà ở, đưa vợ ra sống riêng.
“Đó là khoảng thời gian cơ cực nhất của tôi. Với hai bàn tay trắng, vợ chồng tôi khai hoang thêm 4 sào đất để trồng lúa. Khi đứa con gái đầu được 4 tuổi, vợ tôi vào Sài Gòn làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Ban ngày tôi đi làm mướn cho người ta, ban đêm tôi lên núi đốn củi”, anh Siu Chun cho biết.
Anh Siu Chun tâm sự, cuộc trùng phùng tuy không mang đến cho anh niềm vui trọn vẹn nhưng đã cho anh một gia đình hạnh phúc. Nhiều lúc anh tự nhủ, việc đoàn tụ nhầm đã khiến anh mất nhiều thứ, nhưng lại cho anh một thứ quý giá là gia đình.
Chúng tôi hỏi, anh có tiếp tục đi tìm cha mẹ nữa hay không, anh trả lời dè dặt, cuộc đoàn tụ nhầm đã khiến anh bị tổn thương. Nhưng đêm đêm, anh vẫn mơ về một ngôi nhà có những người ruột thịt của mình…