Cuộc chiến thầm lặng của người lái đò từ thiện

Trần Sỹ - Lê Thảo| 25/08/2014 09:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ khi rời khỏi mảnh đất Huế mộng mơ để vào thôn 6, xã Bình Hòa (Krông Ana, Đăk Lăk) lập nghiệp theo kinh tế mới ông Phạm Văn Sỹ, SN 1968 miệt mài với công việc lái đò từ thiện đưa học sinh và giáo viên qua lại khúc sông Krông Ana để “gieo chữ-trồng người

Cuộc sống nơi vùng kinh tế mới ban đầu vô cùng khó khăn, hai vợ chồng ngày ngày phải bơi qua sông để đi làm thuê cho người ta. Đến khi cậu con trai đầu đi học, dù hoàn cảnh khó khăn, đường sá đi lại vất vả nhưng với tâm nguyện bằng mọi cách phải cho con mình theo học để thoát cảnh “chân lấm tay bùn” nên ông đã lặn lội lên núi tìm kiếm các cây rừng đóng đò chở con đi học.

Cuộc chiến thầm lặng của người lái đò từ thiện

Ông Phạm Văn Sỹ bên chiếc đò của mình

Mỗi sáng sớm tinh mơ, khi gà vừa cất tiếng gáy, ông đã ra con đò của mình để kiểm tra an toàn trước khi đi. Thời ấy chỉ có vài ba đứa trong thôn theo học cấp hai, nên sáng ông chở qua, chiều lại đón về. Gần đây, mọi người mới nghĩ đến việc cho con em mình đi học để kiếm con chữ nên mỗi ngày ông lại phải chạy nhiều chuyến hơn trước. “Trước đây, tôi phải dùng chân để chèo đò, mồ hôi nhễ nhãi, vì khúc sông này nước chảy xiết và mạnh, sau vài năm tích góp và dành dụm, tôi đã bàn với vợ sắm chiếc đò lớn hơn, có máy nổ nên giờ không còn khổ như trước nữa…được góp một ít công sức vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà là tôi vui rồi. Đời tôi đã khổ, vì vậy tôi không muốn con em mình khổ nữa, chỉ mong bọn trẻ hiểu cho mình mà cố gắng học tập”- ông tâm sự.

Cuộc chiến thầm lặng của người lái đò từ thiện

Các em học sinh ngồi đò qua sông để đi học

Năm 2013 đò bị thủng, để không làm gián đoạn việc học của con em trong vùng, ông đã vay tiền của ngân hàng 80 triệu để tạo đò mới, đến nay đã gần hết hạn trả nợ mà ông vẫn chưa trả được đồng nào. Tiền vay vốn sinh viên cho đứa đầu đến nay cũng chỉ trả được khoản lãi, còn tiền gốc vẫn đang nguyên. Người dân trong thôn thấy hoàn cảnh gia đình ông cũng không có gì là khá giả, lại bỏ tiền ra mua dầu chở đò không công, nên bà con họp bàn lại đóng mỗi người mỗi ít để ông và gia đình thêm vào trang trải cuộc sống.

Bất kể trời nắng hay mưa, ngày hay đêm, hễ có người nhờ đến là ông có mặt. Trong hồi ức ông nhớ lại, cách đây khoảng chừng mười năm, tối hôm ấy mưa giông, sấm sét vì có người trong thôn ốm nặng cần phải đi viện gấp, nghe tiếng gọi, ông vớ ngay cái áo mưa chạy ra. Lúc này, nước trên cao đổ về cuồn cuộn khiến dòng sông hung dữ hơn lúc nào hết. Đò chao đảo khiến người nhà bệnh nhân giật mình, nhưng với kinh nghiệm và bản lĩnh, ông đã lái con đò cập bờ một cách an toàn.

Cùng đi trên chuyến đò với PV vào thôn 6, cô Anh -  giáo viên trường tiểu học Trần Quốc Toản (điểm trường tại thôn 6-xã Bình Hòa) vui vẻ cho biết: Giờ thế này là tốt lắm rồi anh à, trước đây đò nhỏ nên chỉ chở được người, chúng tôi mỗi lần xuống đò để vào trường là phải xắn quần lên cao. Mùa nắng thì bụi mù mịt, mưa đến bùn đất lầy lội. Giờ thì đỡ hơn nhiều, phần nào yên tâm cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Cảm ơn ông Sỹ đã đồng hành cùng chúng tôi”.

Được biết, ngoài con đường “vượt thủy” này còn một con đường đất vào thôn. Nhưng vào những tháng mùa mưa bà con chỉ biết lắc đầu ngao ngán, ông Phạm Xuân Phận (trưởng thôn 6) cho biết: “Hiện tại trên thôn có 176 hộ với 714 khẩu. Ở thôn 6 thì sáu tháng mùa mưa bị cô lập, còn sáu tháng mùa khô thì đi lại bằng đường bộ được nhưng bụi mù mịt. Ông Sỹ rất nhiệt tình, tìm cách vượt khó khăn để tạo điều kiện đưa đón người dân cũng như giáo viên, học sinh đi lại được thuận lợi hơn…”. Cũng theo vị trưởng thôn này thì đoạn sông này khá hiểm trở, việc qua lại rất khó khăn nên hàng hóa nông sản của người dân bị các tiểu thương ở ngoài vào ép giá một cách vô tội vạ.

Trước những khó khăn mà bà con thôn 6 đang gặp phải, để khích lệ động viên người lái đò tâm huyết này, từ năm 2011 đến nay, phòng GD-ĐT huyện Krông Ana đã đề ra chính sách hỗ trợ ông Sỹ 10 tháng/năm, mỗi tháng 6 triệu đồng để ông đưa đón học sinh và giáo viên đến trường. Điều đáng mừng hơn, theo nguồn tin từ ông Sỹ, sắp tới Phòng GDĐT huyện sẽ bàn giao cho bà con thôn 6 một chiếc thuyền trị giá khoảng bốn trăm triệu đồng. Để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến đi, ngoài kinh nghiệm bao nhiêu năm trên sông nước, ông đã tham gia lớp đào tạo lái thuyền và được cấp chứng chỉ.

Đứng trước những khó khăn mà bà con thôn 6, xã Bình Hòa đang gặp phải, người dân chỉ mong các cấp các ngành và nhà nước tạo điều kiện quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là đường vào thôn để bà con nơi đây sớm ổn định sản xuất, con cháu yên tâm học hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến thầm lặng của người lái đò từ thiện