Như Báo Công lý đề cập, liên quan đến việc Công ty Tân Phát ký kết 11 hợp đồng tín dụng với Vietcombank Đăk Lăk, ngày 22/11/2006, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp ký kết với Vietcombank Đăk Lăk hợp đồng kinh tế số 04/2006/HĐKT-MBN..
Theo đó, Công ty Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) mua lại khoản nợ phải thu của Vietcombank Đăk Lăk tại Công ty Tân Phát với số tiền là 15.258.000.000 đồng, tương đương 90% giá trị nợ gốc.
Đối với số tiền 10% giá trị còn lại là 1.700.039.865 đồng, số tiền này là phần chênh lệch thấp hơn sau khi mua bán nợ hoàn tất thì Vietcombank Đăk Lăk cho Công ty Tân Phát vay bằng một hợp đồng mới 4 tỷ đồng (tài sản thế chấp là nhà đất tại số 41- Lý Thường Kiệt, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk).
Điều khiến Công ty Tân Phát không chấp nhận đó là việc ngay sau đó Vietcombank Đăk Lăk thu lại số tiền 1.700.039.865 đồng trong số 4 tỷ đồng vừa giải ngân để khấu trừ với hợp đồng kinh tế số 04/2006/HĐKT-MBN. Ông Phạm Hoài Nam, Giám đốc Công ty Tân Phát cho rằng: Hành vi khấu trừ này vi phạm pháp luật, trái pháp luật quy định tại điểm d khoản 5 Điều 8 Quyết định số 140/1999/QĐ-NHNN14 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về quy chế mua bán nợ là Ngân hàng không được thu phí của khách nợ dưới bất kỳ hình thức nào. Khi Công ty Tân Phát đến làm việc với Vietcombank Đăk Lăk đề nghị làm rõ số tiền Ngân hàng thu sai phải trả lại cho Công ty Tân Phát 1,7 tỷ đồng từ năm 2006, tính tiền lãi đã lên tới hơn 6 tỷ đồng, thì Vietcombank Đăk Lăk biết sai nhưng phớt lờ, coi thường pháp luật. Trong khi Vietcombank Đăk Lăk vẫn đề nghị Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Đăk Lăk phát mãi kê biên tài sản nhà số 41 Lý Thường Kiệt, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk là hành động sai càng thêm sai, không chấp nhận được.
Vì vậy, Công ty Tân Phát đã khởi kiện về việc Vietcombank Đăk Lăk thu trái quy định pháp luật nói trên. TAND TP Buôn Ma Thuột đã thụ lý vụ án số 104/TB-TLVA ngày 10/12/2015 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán nợ. Ông Nam đã đề nghị Cục THADS tỉnh Đăk Lăk “lưu ý” vì thấy phát sinh tình tiết mới về 1,7 tỷ đồng mà Vietcombank Đăk Lăk còn nợ Công ty Tân Phát chưa được giải quyết, Tòa án đang thụ lý. Tuy nhiên, Cục THADS tỉnh Đăk Lăk vẫn ngang nhiên cưỡng chế tài sản nhà số 41 Lý Thường Kiệt vào ngày 29/12/2015 dù sự việc nợ nần giữa Công ty Tân Phát và Ngân hàng chưa giải quyết xong.
Ở góc độ khác của vụ việc, sau khi khoản nợ được bán thì Công ty DATC đã là chủ nợ mới đối với Công ty Tân Phát, hai bên tiến hành làm việc và đến ngày 23/4/2009 thì Công ty Tân Phát còn nợ Công ty DATC nợ số tiền 16.504.124.769 đồng, trong đó nợ gốc là 14.693.054.290 đồng, nợ lãi trong hạn và quá hạn tổng tiền là 1.811.070.479 đồng. Công ty Tân Phát đã trả nợ cho Công ty DATC số tiền 5.587.469.222 đồng. Sau khi hai bên chốt nợ hơn 16 tỷ đồng nêu trên, ngay sau đó Công ty Tân Phát đã giao nhà cho Công ty DATC quản lý và bán đấu giá tài sản, đồng thời ủy quyền cho đơn vị tư vấn để bán đấu giá. Từ ngày 24/4/2009 đến ngày 9/9/2009, Công ty Tân Phát có thuê lại chính ngôi nhà của mình 4,5 tháng. Do không bán được nhà cho nên đến năm 2013, Công ty DATC khởi kiện Công ty Tân Phát ra Tòa và đề nghị thanh toán số tiền 24,5 tỷ đồng. Đến lúc này dù đã bàn giao nhà cho Công ty DATC tìm đối tác mua nhà từ ngày 9/9/2009 nhưng trong thời gian 3 năm từ năm 2009 đến năm 2012, Công ty DATC đã bán đấu giá nhà từ giá khởi điểm 50 tỷ đồng, hạ nhiều lần, tìm nhiều đối tác mua nhưng không có kết quả thì đột nhiên Công ty DATC khởi kiện Công ty Tân Phát ra Tòa án, đồng thời tính số tiền lãi không thể cao hơn, làm phát sinh số tiền nợ từ hơn 16 tỷ đồng lên hơn 24,5 tỷ đồng. Thực chất số tiền lãi 9,8 tỷ đồng phát sinh trong cùng một thời gian, việc tính lãi chồng lấn lên thời gian cho thuê nhà của Công ty Tân Phát. Tính ra Công ty DATC thu 3 thứ tiền gồm: tiền lãi trong hạn, quá hạn, thuê nhà trong cùng một thời gian thì số tiền Công ty DATC thu được đã vượt quá cao so với thực tế thỏa thuận về lãi suất, đây không khác một kiểu tín dụng “đen”.
Vụ việc đã gây thiệt hại lớn cho Công ty Tân Phát. Tuy nhiên trong bản án sơ thẩm số 17/2012/KDTM-ST của TAND TP Buôn Ma Thuột lại ghi nhận số tiền lãi phi lý 9,8 tỷ đồng này? Khi bản án có hiệu lực pháp luật thì Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Đăk Lăk. Việc làm này đã gây thiệt hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty nói chung và gia đình ông Nam nói riêng. Cũng vì có tình tiết tính số tiền lãi lên tới 9,8 tỷ đồng, tiền nợ từ 16 tỷ đồng lên 24,5 tỷ đồng quá vô lý nên ông Nam đã có đơn đề nghị xem xét bản án theo trình tự giám đốc thẩm.
Ngày 1/9/2015, Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột có Văn bản số 3987/CCTHADS về việc đề nghị xem xét trả lời đơn kiến nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, xin ý kiến từ TAND cấp cao và VKSND cấp cao tại Đà Nẵng. Đến ngày 11/11/2015, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã có Công văn số 2531/TANDCCĐN về việc yêu cầu hoãn thi hành án. Theo đó Chánh án TAND cấp cao yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột ra quyết định hoãn thi hành quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày ra văn bản hoãn thi hành án. Vậy nhưng ngày 19/11/2015, Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột lại có Thông báo số 530/CCTHADS-CHV về việc thông báo thi hành án gửi đế Công ty Tân Phát. Trong đó nêu rõ: “Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột chưa nhận được bất cứ văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu hoãn việc tổ chức thi hành án đối với Công ty Tân Phát nên không có căn cứ để hoãn thi hành án…”.
Ông Phạm Hoài Nam xót xa trước tài sản của Công ty Tân Phát bị cưỡng chế, phơi sương phơi nắng
Về vấn đề này, ông Nam khẳng định: “Chính tôi là người trực tiếp đem công văn của TAND cấp cao đến tận Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột mặc dù tôi biết rất rõ, đơn vị này là đơn vị trực tiếp nhận công văn nói trên…”. Như vậy, liệu Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột có cố tình phớt lờ ý kiến của cơ quan chức năng?
Liên quan đến vấn đề này, ngày 24/12/2015, TAND cấp cao tại Đà Nẵng có kháng nghị giám đốc thẩm số 06/2015/KN-KDTM đối với Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 06/2013/QĐ-KDTM-PT ngày 16/4/2013 của TAND tỉnh Đăk Lăk. Đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm, hủy quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm của TAND TP Buôn Ma Thuột, xét xử sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật. Tạm đình chỉ thi hành Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Điều khó hiểu ở đây là mặc dù ngày 11/11/2015, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã có công văn đề nghị tạm hoãn thi hành án, ngày 24/12/2015, TAND cấp cao tiếp tục có kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ việc nói trên nhưng Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột vẫn tiếp tục cưỡng chế đối với tài sản tại số 7 Phan Châu Trinh? Trong khi trước đó, Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột đã có văn bản để xin ý kiến từ đơn vị này với nội dung “khẩn thiết” nhằm “giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh tình trạng oan sai và khiếu nại tố cáo kéo dài, gay gắt, trở thành điểm nóng”. Như vậy, phải chăng Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột đang làm “động tác giả” theo kiểu lấy lệ để hợp thức hóa vấn đề đã vạch sẵn?
Chưa kể, hiện nay vụ việc đang được Tòa án các cấp xử lý lại theo đúng quy định của pháp luật, nghĩa là vụ việc vẫn đang thời gian chờ được giải quyết. Song, thực tế Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột đã tiến hành cưỡng chế đối với những tài sản liên quan, như vậy có đảm bảo để thực thi khi có một quyết định mới cuối cùng từ Tòa án. Phải chăng chính Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột đã “cầm đèn chạy trước” và đang cố tình tạo ra điểm nóng trên địa bàn? Để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của Công ty Tân Phát, đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc, xem xét xử lý rốt ráo tránh để doanh nghiệp phải chịu cảnh “thiệt đơn, thiệt kép”. Đồng thời cần xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tập thể đang cố tình làm trái quy định của pháp luật.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trong những số báo tiếp theo.