Nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vừa kết thúc tốt đẹp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm này.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc
Thứ trưởng nhìn nhận như thế nào về mối quan hệ hợp tác nghị viện giữa Việt Nam và Ấn Độ nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân?
Đây là chuyến thăm chính thức Ấn Độ lần thứ 2 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam; lần đầu là vào năm 2013, trên cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ; cụ thể hoá quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước vừa được nâng cấp nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 9/2016; củng cố và tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972-2017) và kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ (2007-2017); đồng thời chuyến thăm cũng nhằm thúc đẩy quan hệ sâu rộng hơn giữa Quốc hội Việt Nam với cơ quan lập pháp Ấn Độ, đặt cơ sở vững chắc cho quan hệ ổn định lâu dài với Ấn Độ, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Nhân chuyến thăm lần này, Quốc hội hai nước đã ký Thỏa thuận hợp tác, tạo khuôn khổ để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ giữa cơ quan lập pháp của hai nước trong thời gian tới.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển trong quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ, quan hệ giữa Quốc hội hai nước đã không ngừng được củng cố, góp phần thúc đẩy và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện giữa Ấn Độ và Việt Nam. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội và Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội hai nước. Quốc hội Việt Nam cũng vừa thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với Ấn Độ do ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm Trưởng Nhóm.
Bên cạnh các nội dung trao đổi hợp tác trong lĩnh vực nghị viện song phương, tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực, các đoàn Đại biểu Quốc hội của hai nước đã chia sẻ và ủng hộ những quan điểm đã được lãnh đạo hai nước thống nhất về tình hình quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Chúng ta cảm ơn Quốc hội Ấn Độ đã rất nhiệt tình ủng hộ Quốc hội Việt Nam đăng cai Đại hội đồng IPU-132 (tháng 3/2015) và cử đoàn Đại biểu Nghị viện Ấn Độ sang Việt Nam tham dự IPU-132 tại Hà Nội.
Chúng ta tin tưởng rằng trong thời gian tới, Quốc hội hai bên sẽ tăng cường hơn nữa các chuyến thăm và tiếp xúc ở cấp cao cũng như cấp Ủy ban, các cơ quan của Quốc hội, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ để trao đổi về hợp tác trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Ấn Độ là quốc gia lớn và có nền dân chủ nghị viện lâu đời; Quốc hội Việt Nam trong thời gian gần đây đang có nhiều đổi mới trong tổ chức và hoạt động. Trên nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống, lịch sử và đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Xin Thứ trưởng đánh giá về lịch sử quan hệ Việt Nam - Ấn Độ và triển vọng hợp tác hai nước thời gian tới
Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Ấn Độ có cội rễ sâu xa từ những mối liên hệ và giao lưu lịch sử gần 2.000 năm trước về văn hoá, tôn giáo, thương mại. Những di tích của nền văn minh minh Chăm Pa ở thánh địa Mỹ Sơn, sự phát triển của Phật giáo tại Việt Nam là biểu tượng của giao thoa văn hóa, tôn giáo giữa hai nước. Điều đặc biệt là văn hoá, văn minh Ấn Độ đã đến Việt Nam bằng con đường hòa bình, mang giá trị nhân văn sâu sắc, còn trường tồn đến tận hôm nay.
Đúng như điều Thủ tướng Narendra Modi chia sẻ với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi ông đến thăm Việt Nam (3/9/2016) rằng những kẻ xâm lược, mang chiến tranh đến Việt Nam thì giờ đây đã sạch bóng trên đất nước Việt Nam, nhưng Phật giáo của Ấn Độ và tư tưởng hòa bình, bác ái, triết lý nhân văn sẽ luôn còn mãi ở Việt Nam.
Mối quan hệ giữa hai dân tộc đã được hai vị lãnh đạo tiền bối kiệt xuất của hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng nền móng, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp, dựa trên sự chia sẻ những giá trị lớn lao là độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái. Hai nước hết lòng ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp tái thiết đất nước, đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội ngày nay.
Trong trái tim của mỗi người Việt Nam còn khắc sâu hình ảnh những người anh em Ấn Độ xuống đường hô vang khẩu hiệu “Amar Nam, Tomar Nam, Viet Nam” (tên chúng tôi, tên các bạn, tên chúng ta đều là Việt Nam) trên những đường phố của Calcutta vào đầu những năm 1960, phản đối cuộc chiến tranh xâm lược đang diễn ra trên đất nước Việt Nam. Thủ tướng Jawaharlal Nehru là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Hà Nội ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (tháng 10/1954). Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1958, đã được Thủ tướng Jawaharlal Nehru chào đón như “một nhà cách mạng vĩ đại và một người anh hùng huyền thoại”.
Rồi những tháng năm Việt Nam bị bao vây cấm vận, Ấn Độ vẫn luôn bên cạnh Việt Nam, bất chấp sức ép từ bên ngoài, giành cho Việt Nam sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ quý báu. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói về mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nhân chuyến thăm Ấn Độ vào năm 1980 là “một mối quan hệ trong sáng như bầu trời không một gợn mây”. Câu nói này vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.
Với chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Ấn Độ lần này, chúng ta đang đứng trước cơ hội to lớn đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Trên bình diện song phương, việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi đã tạo động lực mạnh mẽ, đưa quan hệ phát triển về mọi mặt. Hai nước có độ tin cậy chính trị rất cao, được thử thách qua năm tháng và chia sẻ nhiều lợi ích song trùng. Hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao và duy trì các cơ chế hợp tác đã tạo không khí thuận lợi thúc đẩy hợp tác toàn diện từ chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng, kinh tế-thương mại đến khoa học kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, văn hoá và giao lưu nhân dân.
Triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại-đầu tư còn rất lớn, cần đẩy mạnh hơn nữa để tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp. Ấn Độ hiện là một trong mười đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 16%/năm và đạt hơn 5 tỉ USD vào năm 2015 (con số thống kê của Ấn Độ còn cao hơn, đạt 7 tỉ USD). Ấn Độ dự kiến trở thành một trong mười nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam sau khi tập đoàn TATA của Ấn Độ triển khai dự án nhà máy Nhiệt điện Long Phú II tại Sóc Trăng trị giá 2 tỉ USD. Hai nước đang hợp tác hiệu quả trong liên danh khai thác một số lô dầu khí tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam, và đang tích cực hợp tác thăm dò thêm các lô dầu mới ở Việt Nam cũng như tại nước thứ ba.
Hợp tác quốc phòng - an ninh là một trụ cột chiến lược trong quan hệ hai nước. Chúng ta hoan nghênh Ấn Độ dành các khoản tín dụng ưu đãi cho Việt Nam, gần đây nhất là khoản tín dụng 500 triệu USD nhằm giúp Việt Nam nâng cao năng lực phòng thủ; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực khoa học- công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hoá. Nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hai bên đã ký Hiệp định cấp Chính phủ trong lĩnh vực quan trọng như sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; Bản ghi nhớ giữa Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Trung tâm Toàn cầu về Đối tác Năng lượng hạt nhân Ấn Độ; Thoả thuận về việc mở đường bay thẳng Việt Nam - Ấn Độ giữa Vietjet Air và Air India. Ấn Độ đang hỗ trợ Việt Nam đào tạo, cung cấp khoảng 150 suất học bổng hàng năm thông qua Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật (ITEC); cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực máy tính, công nghệ cao. Du lịch, giao lưu nhân dân ngày càng sôi động. Việc mở đường bay thẳng giữa Hà Nội, TPHCM và Delhi từ tháng 7/2017 sẽ là một động lực thúc đẩy hơn nữa giao lưu giữa hai nước
Trên bình diện khu vực và quốc tế, Việt Nam luôn nhất quán ủng hộ Ấn Độ từ khi bắt đầu triển khai “chính sách hướng Đông” và hiện nay là “chính sách Hành động hướng Đông”, ủng hộ Ấn Độ có vai trò và vị thế ngày càng cao ở khu vực và trên thế giới. Chúng ta cũng hoan nghênh Ấn Độ tuyên bố Việt Nam là một trụ cột của chính sách hành động hướng Đông. Hai nước chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam sẵn sàng hợp tác hỗ trợ các chương trình kết nối về mọi mặt của Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á (nhất là trên cương vị Điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2015-2018); Việt Nam đánh giá cao lập trường của Ấn Độ trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, ở khu vực Biển Đông và luôn đóng góp tiếng nói tích cực vì những mục tiêu này.
Việt Nam nhất quán ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi được mở rộng và đánh giá cao những đóng góp của Ấn Độ tại các diễn đàn quốc tế, như ASEAN-Ấn Độ, Cấp cao Đông Á (EAS), hợp tác sông Hằng - sông Mekong, ASEM, Không liên kết, hợp tác Nam-Nam và Liên Hợp Quốc; đẩy nhanh đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Người Việt Nam chúng ta thường nói “Lửa thử vàng”, còn các bạn Ấn Độ hay nói “Gian nan thử tình bạn”. Đối với người dân Việt Nam, Ấn Độ đã trở thành biểu tượng của tình bạn gắn kết bền chặt, thủy chung, bất chấp những thăng trầm của thời cuộc. Sự tin cậy cao là tài sản vô giá của hai dân tộc chúng ta. Chúng ta đang đứng trước có hội to lớn, trách nhiệm của chúng ta là nắm bắt cơ hội đó, hiện thực hóa những tiềm năng, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn nữa, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.