CPI 6 tháng cuối năm có thể tiếp tục tăng trưởng âm

12/07/2012 20:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là nhận định được nhiều chuyên gia dự báo khi tham dự hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm, dự báo 6 tháng cuối năm” do Viện Kinh tế tài chính - Học viện Tài chính Bộ Tài chính tổ chức ngày 11-7 tại Hà Nội.

Đã đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát

Theo số liệu thống kê chính thức của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, chỉ số CPI chỉ tăng 2,52% so với tháng 12-2011. Đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua, đặc biệt hơn nữa khi lần đầu tiên sau 38 tháng, chỉ số CPI của tháng 6 đã tăng trưởng âm 0,26% so với tháng 5. Như vậy có thể khẳng định, mục tiêu kiềm chế lạm phát trong 6 tháng đầu năm của Chính phủ đã được thực hiện tốt, góp phần nâng cao hiệu quả tiêu dùng, mức sống của người dân, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đạt được, song nền kinh tế lại đang đứng trước nguy cơ giảm phát khi đã xuất hiện các dấu hiệu trì trệ như hàng tồn kho lớn, tiêu dùng giảm, kinh tế tăng trưởng thấp, thị trường chứng khoán ảm đảm, thị trường bất động sản đóng băng, vốn tín dụng ứ đọng, nợ xấu ngân hàng và DN tăng cao, nhiều DN rơi vào tình trạng đình đốn sản xuất kinh doanh, phá sản hàng loạt.

CPI 6 tháng cuối năm có thể tiếp tục tăng trưởng âm

Ảnh minh họa

Nhận định nguyên nhân CPI tăng thấp, các chuyên gia cho rằng, do ngay từ đầu năm, Chính phủ đã đặt mục tiêu chống lạm phát lên hàng đầu nên đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp nhằm ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường giá cả; một số mặt hàng quan trọng như xăng, dầu giảm và quan trọng hơn là tổng cầu của nền kinh tế giảm, sức mua yếu. Bên cạnh đó, do diễn biến giá cả thị trường nguyên, nhiên, vật liệu thế giới giảm, nên đã tác động tích cực tới thị trường trong nước. Ngoài các nguyên nhân trên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Thị Thúy Nga còn cho rằng, CPI tăng thấp là do vốn đầu tư xã hội tăng thấp, nhất là nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; chi tiêu công của Chính phủ được điều hành theo hướng thắt chặt. Mặt khác, giá cả một số mặt hàng cụ thể như lương thực, thực phẩm giảm sâu, liên tục do yếu tố sức mua giảm còn do nguyên nhân người tiêu dùng có tâm lý lo ngại tình trạng sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, một số dịch bệnh xuất hiện làm giảm nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Các yếu tố đó có tác động rất lớn chỉ số CPI chung của cả nền kinh tế trong thời gian qua.

CPI 6 tháng cuối năm tăng thấp, đan xen với tăng trưởng âm

Trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, các chỉ tiêu phát triển, chỉ số CPI của các nhóm mặt hàng có tác động lớn đến nền kinh tế, sức mua của người tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, các chuyên gia kinh tế nhận định, chắc chắn CPI trong năm 2012 sẽ ở mức một con số, cụ thể sẽ ở mức tăng 6-7%. Trong đó, những tháng giữa năm sẽ tăng thấp, thậm chí đan xen với tăng trưởng âm. Nhưng kinh nghiệm nhiều năm trở lại đây cho thấy, rất có thể vào các tháng 11 và 12-2012, chỉ số CPI sẽ tăng cao trở lại do nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế; giải ngân các nguồn vốn đầu tư bị dồn nén từ đầu năm; các DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch; việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu năm mới.

TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính cho rằng, trong các yếu tố tác động đến chỉ số CPI thì lãi suất ngân hàng là yếu tố đáng chú ý nhất. Mặc dù lãi suất huy động và cho vay đều đã giảm trong 2 tháng trở lại đây, song vấn đề là khả năng hấp thụ vốn của DN như thế nào, thực tế rất nhiều DN đang gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm hàng hóa, hàng tồn kho lớn. Nếu từ nay đến cuối năm, tình hình hàng tồn kho của DN không được giải phóng thì việc hấp thụ vốn của từng DN cũng sẽ rất khó, khi đó sản xuất tiếp tục đình đốn, DN sẽ buộc phải giảm giá hàng bán, vì thế chỉ số giá tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm và rất có thể kinh tế sẽ rơi vào suy giảm. Nếu kịch bản đó là đúng, rất có thể CPI tháng 7 sẽ tăng trưởng âm hoặc sẽ tăng rất thấp trong vòng 3-4 tháng tới trước khi bước vào chu kỳ tăng giá tâm lý cuối năm.

Đề xuất giải pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng còn lại của năm, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Đức Thắng cho rằng, trước tiên phải tập trung các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát cao trở lại. Trong điều hành, cần sử dụng linh hoạt, thận trọng các công cụ tiền tệ, nâng mức tăng trưởng tín dụng lên khoảng 10%, giảm nhanh lãi suất cho vay phù hợp với đà giảm của CPI. Kiểm soát chặt chẽ, minh bạch thu - chi ngân sách, giữ mức bội chi không để vượt quá chỉ tiêu Quốc hội cho phép 4,8%. Có như vậy mới đảm bảo 2 mục tiêu là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và giữ lạm phát ở mức 7-8% vào cuối năm nay.

Việt Tuấn
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
CPI 6 tháng cuối năm có thể tiếp tục tăng trưởng âm