Công ty Thăng Long "bỏ rơi" người lao động ở Trung Đông?

Lê Minh - Nguyễn Trình| 09/10/2014 11:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là câu hỏi của dư luận nhiều tháng nay khi được biết có rất nhiều lao động được công ty này đưa sang lao động ở nước ngoài, nhưng họ đã bị công ty “đem con bỏ chợ”.

Trong số đó, đáng nói nhất là số người dân ở huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) được đưa đi xuất khẩu lao động trong chương trình xóa đói, giảm nghèo theo Nghị định 71 của Chính phủ...

Công ty Thăng Long

Lao động Việt Nam trở về từ Libya - Ảnh minh họa: TTXVN

Theo thông tin “tự giới thiệu” thì Công ty Cổ phần Đầu tư và Hợp tác quốc tế Thăng Long (Công ty Thăng Long) luôn nỗ lực phấn đấu xây dựng một niềm tin bền vững trong khách hàng, với các đối tác, trong cộng đồng bằng cách cung cấp cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng phù hợp, giá cả cạnh tranh, đúng thời hạn; trở thành đối tác tin cậy, chuyên nghiệp và hiệu quả nhất tại thị trường du học,  xuất khẩu lao động Việt Nam; phát triển bền vững và kinh doanh hiệu quả để phục vụ lợi ích của các cổ đông”. Tuy nhiên thông tin chúng tôi nắm được, một số người dân ở huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) đã nhiều lần gửi đơn đề nghị khẩn cấp lên các cấp chính quyền huyện Pác Nặm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn về việc người thân của họ bị Công ty này “bỏ rơi” ở Ả-rập Xê-út trong tình trạng không có tiền ăn, nhiều người phải đi nhặt sắt vụn bán để sống qua ngày.

Trong số những người dân Pác Nặm sang Ả-rập Xê-út lao động có 38 người sang từ tháng 7-8/2013. Những người này đang đình công đòi được thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký với Công ty Thăng Long tại Việt Nam, trước khi họ bay sang Ả-rập Xê-út làm công nhân. Ngoài ra, còn có 12 người sang từ tháng 4-5/2014 cho đến nay vẫn chưa có thẻ lao động nên chưa có việc làm. Tất cả số này đều thuộc diện hộ nghèo của huyện nghèo Pác Nặm.

Đơn xin cầu cứu của 38 công nhân gửi về từ Ả-rập Xê-út khẳng định từ 7/2013 đến tháng 3/2014 (8 tháng) họ đã chấp hành tốt luật pháp Ả-rập Xê-út và công việc được phân công và được trả lương đúng theo quy định đã ký với Công ty Thăng Long tại Việt Nam là: Làm việc 8 giờ/ngày, 6 ngày/tuần, làm thêm giờ được tính thêm theo luật lao động của Ả-rập Xê-út, nên mỗi tháng họ được lĩnh từ 1.800-1.900 SR (tiền Ả-rập Xê-út), tương đương với 9-10 triệu đồng Việt Nam. Tuy nhiên, đến tháng 3/2014, họ bắt buộc phải ký một hợp đồng mới bằng tiếng Anh và tiếng Ả-rập, theo đó họ phải làm việc 10 giờ/ngày. Theo hợp đồng mới họ phải làm việc 10 giờ/ngày và số tiền được nhận lại giảm đi, nên số công nhân này đã đình công, vì họ cho rằng mình đã bị “lừa”.

Thân nhân của anh Ma Văn Quân cho biết: Anh Quân đi xuất khẩu sang Ả-rập Xê-út từ tháng 7/2013 nhưng vẫn chưa được bố trí tiếp việc làm theo đúng hợp đồng, không được thanh toán lương và tiền làm thêm giờ những tháng trước đó. Nhóm đi cùng đợt với anh Quân đều trong tình trạng như vậy, không được đối xử đúng cam kết trong hợp đồng trước khi lên đường đến Ả-rập Xê-út.

Hiện nay những người này đều đang rất hoang mang, tiếng không biết, họ chỉ biết gọi điện thoại về nhà nhờ người thân “kêu” với chính quyền địa phương để “cứu” họ. Trước tình hình đó, Huyện ủy, UBND huyện Pác Nặm đã nhiều lần làm việc với Công ty Thăng Long để giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân. Trong 4 lần làm việc, Công ty Thăng Long đều cam kết thực hiện theo hợp đồng, nhưng cả 4 lần họ đều chỉ hứa chung chung, thực tế thì công nhân vẫn thấy chưa thỏa đáng và họ tiếp tục gửi “đơn kêu cứu” về huyện Pác Nặm.

Trong công văn mới nhất số 236/CV-TL, ngày 29/9/2014 của Công ty Thăng Long do Tổng Giám đốc Ngô Bá Quyết ký, gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn và UBND huyện Pác Nặm cũng nêu rất chung chung, muốn đẩy phần sai về phía công nhân. Trong đó ghi: Nếu lao động đồng ý đi làm từ ngày 7/9/2014 sẽ được Công ty Bader ứng ngay 200SR tiền ăn và thanh toán lương vào cuối tháng làm việc, những khoản tiền lương công ty chưa trả trong vòng 10 ngày (kể từ ngày đi làm). Nếu lao động không đồng ý đi làm sẽ được đưa về Việt Nam; không được đình công, vi phạm nội quy công ty, vi phạm pháp luật nước sở tại. Những lao động chưa có thẻ làm việc cũng áp dụng những điều trên.

Thực tế đây là công văn muốn đẩy trách nhiệm về phía công nhân Việt Nam. Bởi công văn không nói rõ được việc công nhân đi làm sẽ thực hiện theo hợp đồng nào: Hợp đồng ký với Công ty Thăng Long tại Việt Nam hay Hợp đồng ký tại Ả-rập Xê-út với Công ty Bader, vì hai hợp đồng này khác nhau về quyền lợi của công nhân. Công văn còn đề cập đến việc công nhân không được đình công, vi phạm nội quy công ty, vi phạm pháp luật nước sở tại là không đúng bản chất sự việc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này khi có tình tiết mới.

"Thường trực Huyện ủy Pắc Nặm đã yêu cầu Công ty Thăng Long phải giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho công dân Pác Nặm. Cả 4 lần công văn trả lời của Công ty Thăng Long đều nói đã tích cực giải quyết sự việc, nhưng thực tế chính quyền địa phương vẫn nhận được đơn thư của người nhà và của chính người lao động tại Ả-rập Xê-út gửi về, mong được giải quyết cho họ theo đúng hợp đồng cam kết hoặc nhanh chóng đưa họ về nước, vì ở lại họ bị đối xử không tốt. Hiện tại họ đang gặp khó khăn về tài chính...” - Ông Hoàng Kim Hồng, Bí thư Huyện ủy Pác Nặm cho biết.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty Thăng Long "bỏ rơi" người lao động ở Trung Đông?