Nhằm mục tiêu bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, đón đầu triển vọng nâng hạng thị trường…, các công ty chứng khoán đã tạo nên cuộc đua phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ. Sức nóng ngày càng tăng trong những tháng gần đây.
Công ty chứng khoán đua tăng vốn
Tăng vốn là nhu cầu cấp thiết của các công ty chứng khoán để đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn, bổ sung vốn cho các hoạt động của công ty, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đón làn sóng tăng trưởng mới khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang chờ được nâng hạng.
Với kỳ vọng nắm bắt cơ hội khi thị trường được nâng hạng, bổ sung vốn cho hoạt động của công ty, bảo lãnh phát hành, đặc biệt là bổ sung vốn cho vay margin… các công ty chứng khoán đua phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ.
Mới đây nhất, Chứng khoán Phú Hưng (Mã: PHS) hoàn tất chào bán 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ vào ngày 29/11, cho 4 nhà đầu tư tổ chức với giá 10.000 đồng/cp. Mức giá này thấp hơn 12% so với 11.400 đồng/cp vào cuối tháng 11. Tổng số tiền huy động đạt 500 tỷ đồng. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của PHS tăng lên thành 2.000 tỷ đồng.
Trước đó không lâu, ngày 15/11, Công ty chứng khoán Kỹ thương (TCBS) thông báo hoàn tất đợt phát hành hơn 1,74 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ quyền 1:8), nhằm mục đích tăng vốn cổ phần. Sau đợt tăng vốn, số lượng cổ phiếu tăng lên hơn 1,96 tỷ cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ tại TCBS đạt 19.613 tỷ đồng.
Không chờ đợi lâu, ngày 21/11, Chứng khoán SSI (mã: SSI) cũng hoàn tất đợt chào bán gần 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán là 15.000 đồng/cp. Sau phát hành, vốn điều lệ tại SSI đạt hơn 19.638 tỷ đồng. Như vậy, SSI vẫn tiếp tục đứng đầu về quy mô vốn điều lệ ngành chứng khoán.
Ngoài ra, ngày 12/11 vừa qua, Chứng khoán Vietcap (mã: VCI) cũng hoàn tất đợt chào bán riêng lẻ gần 144 triệu cp, qua đó tăng vốn điều lệ lên thành 7.181 tỷ đồng. Trước đó, Vietcap đã hoàn tất phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Đợt thưởng cổ phiếu tỷ lệ 30%, tương đương phát hành 132,6 triệu cp, kết thúc ngày 13/9; qua đó vốn điều lệ nâng lên thành 5.745 tỷ đồng.
Không ngoài cuộc đua, Chứng khoán TP HCM (HSC - mã: HCM) đã phát hành 16 triệu cổ phiếu ESOP, tăng vốn lên 7.208 tỷ đồng vào 22/10.
Thời gian tới, vốn điều lệ ngành chứng khoán vẫn liên tục biến động. Đơn cử, ngày 21/10, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông qua việc tăng vốn cho Chứng khoán ACB (ACBS) thêm 3.000 tỷ đồng.
Theo đó, vốn điều lệ công ty con này dự kiến nâng từ 7.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng. Hình thức thực hiện là ACB sẽ góp thêm vốn, dự kiến sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Nếu hoàn tất tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng, ACBS sẽ lọt vào top đầu ngành chứng khoán về vốn điều lệ.
Đặc biệt, ngày 26/11 vừa qua, TCBS tiếp tục xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành riêng lẻ cho cán bộ nhân viên, tăng vốn thêm gần 1.200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý I/2025 hoặc quý II/2025. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ công ty tăng từ 19.613 tỷ đồng hiện tại lên 20.802 tỷ đồng. Con số này cao hơn so với đơn vị dẫn đầu là Chứng khoán SSI.
VNDirect vẫn còn có kế hoạch chào bán riêng lẻ gần 244 triệu cp, chào bán hơn 24 triệu cổ phiếu ESOP và phát hành hơn 12 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động. Nếu hoàn tất, VNDirect sẽ tăng vốn lên mức 18.000 tỷ đồng.
Vì sao công ty chứng khoán dồn dập tăng vốn điều lệ?
Việc mở rộng quy mô vốn của các công ty chứng khoán thường hướng tới hai mục tiêu chính, tăng nguồn lực kinh doanh và mở rộng dư địa cho vay ký quỹ.
Hoạt động tăng vốn giúp cho một công ty chứng khoán tăng năng lực tài chính, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường, cũng như tiềm năng nâng cao hiệu quả hoạt động. Ví dụ, Công ty chứng khoán sở hữu quy mô vốn mạnh có thể cạnh tranh các loại phí như phí môi giới, lãi suất cho vay marign, dịch vụ khác... Đồng thời đó là chủ động hơn đối với việc đầu tư các loại tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu hay tiền gửi...
Tuy nhiên, khác những lần tăng vốn trước, theo giới phân tích, kế hoạch mở rộng quy mô lần này của các công ty chứng khoán còn là bước chuẩn bị đón hệ thống giao dịch mới KRX, với kỳ vọng thanh khoản thị trường tăng mạnh.
KRX - hệ thống công nghệ thông tin mới được HoSE kỳ vọng sẽ sớm đưa vào hoạt động. Hệ thống này được nhiều nhà đầu tư, công ty chứng khoán và các đơn vị phân tích kỳ vọng trở thành "ngọn gió đông" cho thị trường trong dài hạn, giúp bổ sung các điều kiện còn thiếu để nâng hạng, đồng thời cũng mở ra những cơ hội cho việc gia tăng các sản phẩm tài chính mới, tăng tính đa dạng của thị trường.
Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), hệ thống mới giúp giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên của VN-Index tăng 30 - 70% so với thanh khoản bình quân 5 năm gần đây. Quy mô thanh khoản tăng, đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính của nhà đầu tư cũng tăng theo.
Vốn điều lệ là căn cứ để các công ty chứng khoán cấp các khoản vay ký quỹ (vay margin) cho khách hàng. Theo quy định, các công ty chứng khoán không được cho vay vượt quá hai lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Do đó, việc "tăng trước" hạn mức cho vay margin là nền tảng cho cuộc đua giành thị phần, vốn đang rất khốc liệt gần đây.