Công tác xét xử năm 2014 của Tòa án các cấp đạt nhiều kết quả khả quan

Mai Thoa| 27/10/2014 06:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2014, tình hình an ninh chính trị thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự xã hội trong nước; các loại tội phạm có chiều hướng gia tăng.

Trước tình hình đó, TANDTC đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt đến TAND các cấp nên công tác xét xử của hệ thống Tòa án trong năm qua đạt được nhiều kết quả khả quan; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Quyết liệt với các loại án tham nhũng, trọng điểm

Năm 2014, Tòa án các cấp đã giải quyết 385.356 vụ án các loại trong tổng số 415.038 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 92,8%) dù số vụ án thụ lý tăng hơn cùng kỳ năm trước gần 20.000 vụ các loại và số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trong công tác xét xử án hình sự, trên cơ sở tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các mục tiêu, yêu cầu và giải pháp mà Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, các Tòa án đã chú trọng việc tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm đảm bảo giải quyết tốt vụ án. Đặc biệt là những vụ án lớn, trọng điểm, được dư luận xã hội quan tâm đã được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Công tác xét xử năm 2014 của Tòa án các cấp đạt nhiều kết quả khả quan

Các vụ án về tham nhũng và chức vụ được xét xử nghiêm minh (Ảnh minh họa)

Đối với việc xét xử các vụ án tham nhũng, thực hiện Chỉ thị số 15, Ban cán sự Đảng TANDTC đã chỉ đạo các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử, đảm bảo việc giải quyết vụ án trong thời hạn theo quy định của pháp luật. Trong năm 2014, Tòa án các cấp đã xét xử 390 vụ với 792 bị cáo phạm tội về tham nhũng. Trong đó có một số vụ án tham nhũng lớn, trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm như: Vụ án Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh khu vực Đăk Lắk - Đắk Nông cùng các đồng phạm phạm tội “Nhận hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng các đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; vụ án Nguyễn Thanh Huyền, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vifon cùng các đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”…

Trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về tham nhũng và chức vụ, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo TANDTC là: Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước. Khi xét xử các hành vi phạm tội về tham nhũng và chức vụ mà theo quy định của Bộ luật Hình sự có thể áp dụng hình phạt bổ sung thì kiên quyết áp dụng. Đồng thời, cần đặc biệt quan tâm tới các biện pháp kê biên tài sản và các biện pháp tư pháp, các hình phạt bổ sung nhằm thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị các bị cáo chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại.

Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và giám đốc kiểm tra việc xét xử kịp thời. Mặc dù số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng trong quá trình giải quyết, các Tòa án đã chú trọng làm tốt công tác rà soát, phân loại để tập trung xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Chất lượng kháng nghị và trả lời đơn tiếp tục được đảm bảo, 100% kháng nghị của Chánh án TANDTC đều được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận. Trong năm qua chỉ có 9 trường hợp các Tòa chuyên trách đã trả lời không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó Chánh án TANDTC phải kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm (bằng 0,15%).

Sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao

Thực hiện Nghị quyết số 69/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, TANDTC đã tham gia tổ công tác liên ngành VKSNDTC-TANDTC-Bộ Công an xem xét một số vụ án có đơn kêu oan gửi các cơ quan Trung ương; thụ lý xem xét 102 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Trong số 102 trường hợp nêu trên, TANDTC đã xem xét, giải quyết 55 trường hợp. Thông qua kết quả giải quyết cho thấy, về cơ bản, việc xét xử của Tòa án là đúng pháp luật (có 52 trường hợp trả lời không có căn cứ kháng nghị). Tuy nhiên, TANDTC cũng đã kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm 3 trường hợp do có vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Số còn lại 47 đơn, qua rà soát lại cho thấy, chỉ có 13 trường hợp kêu oan, 34 trường hợp đơn đề kêu oan nhưng hầu hết nội dung đề nghị chỉ là xin giảm nhẹ hình phạt hoặc xem xét lại phần trách nhiệm dân sự… Ngoài ra, TANDTC cũng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra chuyên đề về án quá hạn luật định, áp dụng pháp luật về cho hưởng án treo, rà soát các bản án tuyên không rõ ràng... để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Về yêu cầu đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa, nâng cao chất lượng xét xử các loại án, Toà án các cấp đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa. Qua theo dõi báo cáo của các Tòa án địa phương cho thấy, hầu hết các phiên tòa xét xử đều thực hiện tranh tụng; đảm bảo cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình. Các phán quyết của Toà án căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà và trên cơ sở xem xét toàn diện, khách quan các chứng cứ của vụ án. Chính vì vậy, việc xét xử đều đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan người không có tội. Các trường hợp Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung đều đảm bảo có căn cứ.

Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc theo các quy định của pháp luật. Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khẳng định: Các trường hợp có dấu hiệu vi phạm đều được khẩn trương xem xét, kết luận để có biện pháp xử lý kịp thời. Việc xử lý cán bộ có hành vi vi phạm trong thời gian qua được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung. Hiện nay, lãnh đạo TANDTC đang chỉ đạo xây dựng cơ chế giám sát việc thực hiện công vụ của cán bộ, Thẩm phán để nắm bắt thông tin, thông qua đó xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm, đánh giá chất lượng công tác xét xử của các Thẩm phán để tham mưu cho các Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trong việc tái bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm ở cấp cao hơn đối với Thẩm phán; đồng thời đề xuất khen thưởng nhiều hình thức phù hợp đối với các cán bộ có thành tích xuất sắc trong công tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác xét xử năm 2014 của Tòa án các cấp đạt nhiều kết quả khả quan