Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại phiên họp thứ 28 UBTVQH ngày 15/10.
Tại phiên họp này, UBVQH đã cho ý kiến vào Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; tình hình thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Thận trọng trong thoái vốn doanh nghiệp nhà nước
Thực hiện Nghị quyết số 24 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, ngay từ đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27 để triển khai với 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gắn với trách nhiệm của các bộ, ngành.
Đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các mục tiêu chủ yếu về cơ cấu lại nền kinh tế đến nay cho thấy nhiều kết quả tích cực. Trong số 5 nhóm mục tiêu được xác định tại Nghị quyết số 24, có 4 nhóm mục tiêu liên quan đến cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) và đầu tư công, cải thiện chất lượng tăng trưởng và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), thị trường tài chính đạt kết quả khả quan. Theo đó, 41% các chỉ tiêu được xác định tại Nghị quyết số 24 dự kiến hoàn thành và 36,4% chỉ tiêu có khả năng hoàn thành đến năm 2020. Khoảng cách về năng lực cạnh tranh của nước ta so với bình quân các nước ASEAN-4 có bước thu hẹp, các chỉ tiêu về năng suất và đổi mới công nghệ đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch đề ra.
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, nhóm mục tiêu thứ 5 về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã khó đạt được đến năm 2020 nếu không có giải pháp đẩy nhanh.
Về phát triển doanh nghiệp, mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là khó hoàn thành, đặc biệt khi việc phát triển doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn một số khó khăn và số lượng doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018. Về cơ cấu lại DNNN, đến tháng 7/2018, các bộ, ngành, địa phương mới thực hiện thoái vốn tại 30/316 doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra của năm 2017 và 2018.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp
Đại diện Ủy ban Kinh tế lưu ý, thời gian tới, việc thoái vốn cần thực hiện thận trọng, trong đó bảo đảm tính đúng, tính đủ giá trị vốn nhà nước trong doanh nghiệp. Kế hoạch sử dụng vốn từ thoái vốn tại DNNN chưa cụ thể, chưa tập trung vào các công trình quan trọng quốc gia để tạo động lực và sức lan tỏa cho nền kinh tế. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất như thời gian vừa qua là một thành công trong bối cảnh có nhiều yếu tố không thuận lợi cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, lãi suất cho vay trung bình của Việt Nam chưa được thu hẹp so với khu vực ASEAN-4, vẫn duy trì mức chênh lệch khoảng 1-2 điểm %.
Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc tổ chức thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế đã đổi mới, bước đầu khắc phục những bất cập nêu tại Nghị quyết số 24. Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã được thành lập để tập trung chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ được giao của bộ, ngành, địa phương. Nhiều chương trình, kế hoạch hành động được ban hành bao quát hầu hết nội dung của các nhiệm vụ trọng tâm được xác định tại Nghị quyết số 24.
Bên cạnh việc kiểm soát bội chi ngân sách của Chính phủ được thực hiện khá tốt thì báo cáo cũng nêu rõ Chính phủ đã nỗ lực thực hiện 3 đột phá chiến lược đạt nhiều kết quả quan trọng, cải cách thể chế được triển khai mạnh mẽ; cải thiện chất lượng công tác xây dựng pháp luật; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng quan trọng; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm…
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực; hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; phát hiện và xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án trọng điểm ở các lĩnh vực; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và có tác dụng răn đe, phòng ngừa tham nhũng.
Lo ngại về tham nhũng lớn tại các công ty “sân sau”
Đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng Chính phủ đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của ĐBQH trong công tác điều hành, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, khắc phục những tồn tại. Công tác cải cách hàn chính, tinh gọn bộ máy đã đạt kết quả khả quan, nhất là Bộ Công an đã đi đầu trong cải cách hành chính, thu gọn bộ máy và kết quả đã giảm 6 Tổng Cục và 65 đầu mối cấp vụ…
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, công tác phòng chống tham nhũng đã được các cơ quan tư pháp, Chính phủ đẩy mạnh. Đây là giai đoạn được đẩy mạnh với phương châm nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, ở cương vị công tác nào, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu.
Với Chính phủ mảng công tác này đã được đẩy mạnh thể hiện ở 2 lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực thanh tra đã đẩy nhanh kết luận thanh tra các vụ được dư luận xã hội quan tâm như vụ AVG, cảng Quy nhơn, hãng phim truyện Việt Nam, Thủ Thiêm... đặc biệt là đôn đốc thực hiện các kết luận sau thanh tra. Điểm thứ hai, là đã điều tra các vụ án phức tạp như đánh bạc trên mạng, sai phạm của một số ngân hàng hay vụ Đinh Ngọc Hệ, Phan Văn Anh Vũ…
Tuy nhiên, bà Nga cho rằng vẫn còn một số những tồn tại, bức xúc đề nghị Chính phủ hết sức lưu ý và có chỉ đạo thực hiện. Đó là dư luận phản ánh tình trạng bán bóng cười ở các nơi, nhà hàng, quán bar, nguy cơ gây hại đến thế hệ trẻ; tham nhũng lớn tại các công ty “sân sau”, ở các nhóm lợi ích vẫn nguy cơ tiềm ẩn; hàng loạt container phế liệu nhập về Việt Nam; tình trạng đặt các nhà máy sản xuất thép, xi măng ở bờ biển đang hết sức quan ngại hiện nay…
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, báo cáo cho thấy Chính phủ, các Bộ, ngành đã rất nỗ lực trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế và đã những kết quả nhất định. Tuy nhiên, báo cáo cũng đã chỉ ra năng suất lao động thấp, xuất khẩu phụ thuộc FDI lớn trong khi DN trong nước còn khó khăn; thuế thu nhập doanh nghiệp lớn… Cho nên ông Tỵ đề nghị Chính phủ cần có đánh giá đầy đủ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và ảnh hưởng tới Việt Nam, nhất là vấn đề thương mại để có những phương án trong chỉ đạo điều hành. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, muốn hay không cuộc chiến này sẽ là cơ hội nhưng cũng đem lại thách thức lớn với Việt Nam, cho nên chúng ta cần tận dụng cơ hội gì, tránh gì, rất cần phải rõ ràng,
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần phải chú ý tới công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhiều nơi tiếp công dân theo luật vẫn chưa thực hiện, có sự nhầm lẫn hay không vì tiếp công dân của Ban Tiếp dân khác, Chủ tịch tỉnh khác. “Đã tiếp dân thì người dân muốn gặp Chủ tịch tỉnh vì là người quyết định cuối cùng. Khi đã thông báo tiếp dân trên Cổng thông tin điện tử thì theo lịch phải có mặt, không giao phó cho cấp phó hay Ban tiếp công dân”, ông Tỵ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, năm 2018 mục tiêu cơ bản đạt, 12/12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đều đạt và vượt; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát dưới 4% và những cân đối lớn nền kinh tế cơ bản giữ được. Tuy nhiên, không thể chủ quan trước rủi ro từ tác động kinh tế thế giới, nhất là cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ có thể ảnh hưởng tới nước ta cả trực tiếp, gián tiếp về hoạt động xuất khẩu, đầu tư… Ngoài ra, Chính phủ cũng cần lưu ý rủi ro lạm phát và tỷ giá; các rào cản về thủ tục hành chính, chỉ đạo điều hành.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thực tế có nhiều thủ tục hành chính được cải cách nhưng ở một số địa phương, doanh nghiệp vẫn kêu có những dự án theo đuổi 3 năm, 10 năm vẫn không thực hiện được. "Vẫn còn những rào cản, sợ sai, sợ trách nhiệm khiến doanh nghiệp khó khăn. Cải cách môi trường kinh doanh có đột phá nhưng mức độ thực thi ở các ngành, cấp chưa đều, thậm chí có nơi còn hình thức", Chủ tịch Quốc hội nêu.