Công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 8 được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự

Mai Thoa| 27/11/2019 21:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay 27/11, sau phiên bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã diễn ra họp báo công bố kết quả của kỳ họp. Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo.

Thông qua 11 Luật, 17 Nghị quyết

Báo cáo kết quả kỳ họp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Sau 28 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, hiệu quả, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đã kết thúc tốt đẹp.

 Công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 8 được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự

Toàn cảnh buổi họp báo

Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 11 Luật, Bộ luật, 17 Nghị quyết với sự đồng thuận cao và cho ý kiến 10 dự án luật khác. Giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.

Theo đó, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới, quan trọng. Trong đó, lần đầu tiên dự luật mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với người làm việc không có quan hệ lao động; Luật hóa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và tham gia xây dựng quan hệ lao động của các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động; quy định lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035; Luật Chứng khoán được sửa đổi để góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch; Luật Dân quân tự vệ; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Thư viện; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước;.. cũng đã được Quốc hội thông qua.

Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; Nghị quyết về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia…

Quốc hội cũng đã thảo luận và cho ý kiến về một số dự án Luật như: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Thanh niên (sửa đổi)…

Quốc hội đã nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 và xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua các Nghị quyết: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững.

Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét. Đây là Dự án quan trọng quốc gia với mục tiêu cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp;…

3 nội dung được giám sát tối cao

Theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Hùng, điểm đáng chú ý tại kỳ họp này là Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đối với ông Nguyễn Khắc Định; Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến và bầu Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV đối với ông Hoàng Thanh Tùng. Công tác nhân sự tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định đạt sự đồng thuận cao.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8, trong đó, giao Chính phủ nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; quyết định không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản từ ngày 01/7/2011 đến hết ngày 31/12/2013; không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước từ ngày 01/01/2013 đến hết ngày 31/8/2017;

Trong thời gian 03 ngày, ĐBQH đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ, 02 Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình và Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng 04 Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông. Các Bộ trưởng khác đã tham gia trả lời chất vấn. Kết quả phiên chất vấn cho thấy, các nội dung chất vấn được lựa chọn đúng và trúng, bao quát các lĩnh vực của đời sống KT-XH. Các đại biểu đã nắm chắc thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề, nhiều đại biểu tranh luận để làm rõ thêm các vấn đề cử tri quan tâm.

Trên cơ sở kết quả giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 -2018”, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Sau khi xem xét các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng và công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về các nội dung này. Nghị quyết đã đánh giá kết quả công tác tư pháp thời gian qua, đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong từng mặt công tác của các cơ quan tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, cải cách tư pháp trong tình hình mới, đặc biệt là bảo đảm hơn nữa quyền con người, quyền công dân, phù hợp với các luật về tư pháp mới được Quốc hội thông qua.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 8 được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự