Chiều 7/10, tại phiên họp thứ 32, UBTVQH đã nghe Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC Báo cáo tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân năm 2014. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp.
Tình hình KNTC vẫn phức tạp
Theo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2014, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để KNTC giảm 1,8% so với năm 2013 nhưng số đoàn đông người tăng 12,1%; số đơn thư KNTC giảm 3,39%; số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giảm 9,54%. Có 39/63 địa phương số lượng các đơn KNTC giảm. Tình hình KNTC năm 2014 tiếp tục xu hướng giảm so với năm 2013. Tuy nhiên, số lượt đoàn đông người lại tăng, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.
Ngành thanh tra cũng đã tiến hành 1.787 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về KNTC tại 4.081 cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện 492 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm 435 tổ chức, 462 cá nhân; xử lý hành chính 23 tổ chức, 6 cá nhân; tiến hành kiểm tra việc thực hiện 547 kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra. Kết quả cho thấy, các cơ quan có thẩm quyền đã kiểm điểm trách nhiệm của 199 tổ chức, 171 cá nhân; đã xử lý kỷ luật hành chính đối với 42 cá nhân. Qua thanh tra đã chỉ ra những yếu kém, hạn chế, khuyết điểm, kiến nghị biện pháp chấn chỉnh, xử lý vi phạm nhằm nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC.
Năm 2014, số lượt công dân đến cơ quan nhà nước để KNTC giảm 1,8% so với năm 2013
Tại phiên họp, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào cũng đã báo cáo về công tác giải quyết KNTC trong hệ thống TAND. Theo đó, trong bối cảnh chung, tình hình khiếu nại về tư pháp nhìn chung vẫn còn diễn biến phức tạp và tiếp tục gia tăng. Trong năm 2014, tổng số đơn mà Tòa án các cấp phải giải quyết là 10.659 đơn/vụ. Chiếm phần lớn trong số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nêu trên liên quan đến lĩnh vực dân sự, hình sự (khoảng 66%) và hầu hết tập trung ở TANDTC (87%). Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc Tòa án chưa đưa vụ án ra xét xử; trả lại đơn yêu cầu khởi kiện; gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử; áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn hoặc các biện pháp khẩn cấp tạm thời; chuyển vụ án cho Tòa án khác giải quyết.
Trước tình hình các KNTC về tư pháp, đặc biệt là đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn tiếp tục gia tăng, Chánh án TANDTC đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của các Tòa án xây dựng kế hoạch cụ thể, thực hiện các giải pháp hữu hiệu để làm tốt công tác giải quyết đơn KNTC theo đúng các quy định của pháp luật.
Kết quả, TANDTC và TAND các cấp đã giải quyết được 5.012/10.659 đơn/vụ (bằng 47%), trong đó, trả lời đơn cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 4.258 đơn/vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 754 đơn/vụ. Số đơn còn lại là 5.647 đơn/vụ đang được tiếp tục xem xét và đều còn trong thời hạn giải quyết theo quy định. Chất lượng kháng nghị và trả lời đơn tiếp tục được đảm bảo; 100% kháng nghị của Chánh án TANDTC đều được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận…
Trong quá trình giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, TAND các cấp luôn chú trọng công tác tiếp dân, tạo điều kiện để công dân được trình bày ý kiến hoặc bổ sung thêm tài liệu có liên quan đến nội dung yêu cầu của mình; gắn việc tiếp dân với việc xem xét, giải quyết các vụ việc của công dân theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường phối hợp với Viện kiểm sát để giải quyết các đơn khiếu nại có nội dung bức xúc, kéo dài; ưu tiên giải quyết đối với các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm…
Tuy nhiên, qua thực thi nhiệm vụ nổi lên một thực tế làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xem xét, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tại TANDTC. Đó là, biên chế Thẩm phán TANDTC thiếu rất nhiều so với chỉ tiêu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ (hiện nay thiếu 50 Thẩm phán), do các Thẩm phán nghỉ hưu hoặc hết nhiệm kỳ nhưng không thể bổ sung mới hoặc tái bổ nhiệm vì liên quan tới quy định mới của Hiến pháp.
Nhiều giải pháp quyết liệt từ TANDTC
Trong năm 2015, TANDTC đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn thư. Đó là, thực hiện quyết liệt ba giải pháp mang tính đột phá để nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án đã được xác định tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2014: Tiếp tục đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, nhằm hạn chế phát sinh đơn KNTC về tư pháp.
Các cấp Tòa án tăng cường hoà giải trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự và công tác đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính; tăng cường công tác tiếp dân, gắn việc tiếp dân với việc giải quyết KNTC của công dân; nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức để làm tốt công tác giải quyết KNTC thuộc thẩm quyền…
Thẩm tra Báo cáo công tác giải quyết KNTC của TANDTC, UBTP nhận định: Năm 2014, TAND các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết KNTC; Chánh án TANDTC đã chỉ đạo các Tòa án xây dựng kế hoạch cụ thể, thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết đơn KNTC, nhất là các đơn khiếu nại, đề nghị xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành một số Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành BLTTDS, Luật TTHC về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; ban hành danh mục phân loại đơn KNTC trong lĩnh vực tư pháp… Nhờ những biện pháp này, công tác giải quyết KNTC của Tòa án đã đạt một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, UBTP cũng thấy rằng, một số vụ án có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền xét xử của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quá hạn Luật định vẫn còn; có tình trạng quá thời hạn hoãn thi hành án dân sự nhưng TANDTC chậm có văn bản trả lời gây bức xúc cho đương sự… Do vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết đơn thư trong thời gian tới, TANDTC cần chỉ rõ những nguyên nhân tồn tại; đưa ra các giải pháp cụ thể, có lộ trình để công tác này có chuyển biến tích cực hơn nữa.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với những nội dung mà các báo cáo đã đưa ra. Qua đó nổi lên nhiều vấn đề đáng quan tâm như: Môi trường pháp lý, vấn đề kinh tế - xã hội; nguồn nhân lực thực thi nhiệm vụ thiếu và yếu… đang là vấn đề làm gia tăng phức tạp và KNTC tăng cao ở nhiều lĩnh vực và cần một giải pháp phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng tình với nhiều nội dung mà các báo cáo đã đề ra, đặc biệt là nhóm các giải pháp sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới của TANDTC. Báo cáo cũng cho thấy có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong công tác giải quyết đơn thư. Đáng chú ý, các cơ quan đều xử lý kịp thời, nghiêm minh khi có đơn tố cáo đến cán bộ liên quan đến ngành mình.
Phó Chủ tịch cũng đề nghị, năm 2015 là năm rất quan trọng, sẽ diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Vì vậy, đề nghị các cơ quan cần sâu sát hơn trong công tác giải quyết KNTC, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác giám sát và đề cao trách nhiệm của các cơ quan dân cử; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cũng như kiện toàn đội ngũ cán bộ trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC.