Báo cáo mới nhất từ Reuters cho thấy SMIC đã có trao đổi sơ bộ với Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ về các hạn chế xuất khẩu có thể xảy ra.
Theo PhoneArena, thông tin này được tiết lộ trong một hồ sơ do SMIC gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông. Trong tài liệu, SMIC cho biết họ đang tiến hành đánh giá về tác động liên quan của các hạn chế xuất khẩu đó đối với hoạt động sản xuất và vận hành của công ty.
Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) hiện là xưởng đúc chip lớn nhất của Trung Quốc, nhưng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ nước ngoài. Mỹ là quốc gia có nhiều nhà cung ứng nhất cho SMIC, chiếm một phần ba trong tổng số 30 hãng cung ứng cho công ty này. Doanh nghiệp lớn nhất là Lam Research ở bang California, chuyên sản xuất máy khắc plasma dùng để chế tạo chip silicon, chiếm 8,5% tài sản tại SMIC, còn SMIC mang về cho Lam Research khoảng 1,1% doanh thu hàng năm.
SMIC trở thành ông lớn công nghệ tiếp theo của Trung Quốc bị liệt vào Danh sách đen của Mỹ
Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ chưa bình luận về thông tin trên. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều 5/10 khẳng định "tiếp tục áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền hợp pháp và lợi ích của các doanh nghiệp Trung Quốc".
Bộ Thương mại Mỹ chưa đưa SMIC vào danh sách đen, nhưng biện pháp hạn chế cho thấy nhà sản xuất này đang trở thành mục tiêu tiếp theo của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Dù không khắc nghiệt như lệnh cấm với Huawei, động thái của Mỹ với SMIC được đánh giá sẽ tác động nghiêm trọng đến kế hoạch thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc.
Năm nay, Huawei tiếp tục gặp khó khi lệnh cấm mở rộng đến việc tiếp cận các xưởng đúc sử dụng công nghệ do Mỹ sản xuất. Dĩ nhiên cũng không thể không nhắc đến các lệnh cấm khác mà Mỹ nhắm vào các ứng dụng thuộc sở hữu Trung Quốc như TikTok hay WeChat do cáo buộc có thể cung cấp dữ liệu người dùng đến chính phủ Trung Quốc nếu bị yêu cầu.