Bắt đầu từ 0 giờ ngày 31-10, công dân thứ 7 tỷ cất tiếng khóc chào đời đánh dấu cột mốc kỷ lục của dân số thế giới. Liệu chúng ta sẽ có một tương lai bền vững, thịnh vượng hay một tương lai với những bất bình đẳng, suy thoái về môi trường và tụt hậu về kinh tế?
Đó là 2 kịch bản đối lập mà Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã vẽ ra về tương lai của thế giới 7 tỷ người.
Trong 50 năm qua, dân số thế giới đã tăng trưởng với tốc độ chưa từng thấy. Năm 1959, trên trái đất mới có 3 tỷ người. Kể từ đó, tốc độ tăng dân số đã lên cao không ngừng. Mốc 6 tỷ người mới được vượt qua cách đây 12 năm.
Theo Báo cáo của LHQ, trong thế kỷ này, nhiều biến đổi lớn sẽ diễn ra. Dân số châu Phi sẽ tăng gấp 3. Hai nước đông dân nhất thế giới Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có sự hoán đổi vị trí trong thời gian tới. Vào năm 2025, Ấn Độ sẽ có 1,46 tỷ người, vượt Trung Quốc với 1,39 tỷ người. Khoảng cách này sẽ lớn dần khi tới năm 2060, Ấn Độ đạt mức 1,7 tỷ người trong khi Trung Quốc sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 1,3 tỷ người vào năm 2050. Ước tính vào năm 2050, thế giới sẽ có 9,3 tỷ người.
Báo cáo của LHQ coi sự kiện thế giới đạt 7 tỷ người là một thành công và chỉ ra những tiến bộ của loài người. Tuổi thọ trung bình của thế giới đã tăng từ 48 tuổi vào những năm đầu thập kỷ 50 lên khoảng 68 tuổi như hiện tại. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cũng giảm từ mức 133/1.000 ca sinh nở trong thập kỷ 50 xuống còn 46/1.000 ca trong 5 năm vừa qua.
Ai sẽ là công dân thứ 7 tỷ của thế giới?
Dân số sinh sôi quá nhanh, biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên, khoảng cách giàu nghèo, mất an ninh lương thực, sự bất bình đẳng nam nữ… đang đặt 7 tỷ người trước những thách thức lớn lao.
Còn với Việt Nam, trong bối cảnh thế giới 7 tỷ người, nước ta sẽ phải chịu thách thức lớn về vấn đề đói nghèo và bình đẳng; phụ nữ và trẻ em gái; thanh niên, sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản; môi trường; già hóa dân số và đô thị hóa.
Mặc dù tỷ suất sinh đã giảm dưới mức sinh thay thế nhưng dân số sẽ tiếp tục tăng khoảng 9 triệu người trong vòng 10 năm tới do đà tăng dân số từ những thập kỷ trước. Đồng thời nhóm dân số cao tuổi đang ngày càng gia tăng nhanh chóng tạo áp lực lớn cho sự phát triển của xã hội.
Điều đáng lo nữa là Việt Nam hiện có 20% người dân rất giàu và 20% rất nghèo, chênh lệch giàu nghèo năm 2010 là 9,2 lần, cao hơn các nước có GDP lớn hơn Việt Nam. Nạn bạo lực gia đình vẫn đang diễn ra nhức nhối với 31,5 % bé gái từng chứng kiến hoặc là nạn nhân của vấn nạn này…
Làm thế nào để dân số 7 tỷ người không trở thành gánh nặng của sự phát triển? Câu trả lời là: 7 tỷ người cần 7 tỷ hành động, dù nhỏ bé nhưng sẽ góp phần mang lại hòa bình, thịnh vượng cho ngôi nhà chung nhân loại.
UNFPA kêu gọi sự hợp tác toàn cầu giảm bất bình đẳng và nâng cao điều kiện sống cho người dân hiện tại và thế hệ tương lai. “Thế giới 7 tỷ người - Dựa vào nhau cùng chung sống” đã trở thành thông điệp toàn cầu mang ý nghĩa nhân văn cao cả trong thời khắc 7 tỷ người vào ngày hôm nay 31-10-2011.
Dương Hải - Lan Phương