Việt Nam là một trong những nước sử dụng túi nilon nhiều nhất trên thế giới, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 1kg túi/tháng, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi.
Cũng như nhiều nước khác, nước ta cũng đang áp dụng thuế bảo vệ môi trường như là một trong những công cụ quan trọng nhất để kéo giảm việc sử dụng túi nilon khó phân hủy.
Theo Nghị quyết của UBTVQH, từ đầu năm nay, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon là 50.000 đồng/kg, còn những năm trước là 40.000 đồng/kg. Mức thuế như vậy nhưng người ta vẫn có thể tìm mua được loại túi này với giá 30.000 đồng/kg.
Với mức thuế bảo vệ môi trường hiện nay thì số tiền thu được phải là hàng chục nghìn tỷ đồng, tuy nhiên số liệu thống kê cho thấy, ngân sách những năm qua chỉ thu được khoảng 70 tỷ đồng. Thực tế trên cho thấy tỷ lệ thất thu thuế bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất túi nilon hiện nay rất lớn.
Nguyên nhân của việc thất thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon là do kẽ hở chính sách. Nghị định 69/2012/NĐ-CP quy định trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất hoặc mua bao bì để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công thì không phải chịu thuế. Để lách luật, họ chỉ cần thuê doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa gia công cho mình là xong. Theo Luật Thuế bảo vệ môi trường, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu nhựa PE về để sản xuất túi nilon thì lượng nguyên liệu này cũng không thuộc đối tượng chịu thuế.
Bên cạnh đó, có tới 70% cơ sở sản xuất túi nilon là các hộ nhỏ lẻ. Họ đóng thuế khoán, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ… Nếu không cải thiện khả năng thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon, thì dù có tăng thuế bao nhiêu chăng nữa giá thành túi nilon sản xuất ra vẫn sẽ rất thấp và cả nhà bán lẻ lẫn người tiêu dùng đều không có nhiều áp lực tiết giảm cung cấp, sử dụng túi nilon.
Các chuyên gia cho rằng cần tăng mức thuế và đánh thuế theo số lượng túi thay vì trên khối lượng (nhằm tình trạng sản xuất nhiều hơn các loại túi nilon mỏng, gây tác hại lớn hơn đến môi trường). Khi đó, giá các sản phẩm túi nilon bán ra sẽ tăng cao buộc các nhà bán lẻ phải cân nhắc nghiêm túc về số lượng túi phát miễn phí cho khách hàng hoặc buộc người tiêu dùng phải chia sẻ chi phí này. Có như vậy mới hy vọng khiến người dân thay đổi thói quen dùng túi nilon.
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh giao Cục Thuế lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, hộ kinh doanh sản xuất túi nilon trên địa bàn thành phố. Theo đó, Cục Thuế TP sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kê khai sai thuế bảo vệ môi trường nhưng không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc còn sai sót trong hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các tổ chức, hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất túi ni lông khó phân hủy, túi ni lông tự phân hủy sinh học và túi ni lông thân thiện với môi trường trên địa bàn về chấp hành thực hiện thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Các chuyên gia cho rằng đây là động thái không chỉ cần thiết với TP. HCM mà cần được nhân rộng trên nhiều tỉnh, thành cả nước.